Đô thị "ngột thở": Băm nát quy hoạch, cư dân bức bối trong những khối bê tông (bài 3)

Trần Kháng Thứ năm, ngày 08/04/2021 06:30 AM (GMT+7)
Nhiều tòa nhà chung cư "ồ ạt" xây dựng đã phá nát quy hoạch ban đầu khiến khu đô thị mới ngày càng trở nên bức bối, chật chội trước lượng cư dân "khổng lồ".
Bình luận 0

Cư dân khổ trăm đường

Trong khoảng chục năm trở lại đây, bộ mặt đô thị Hà Nội được thay đổi với sự ra đời của hàng loạt khu đô thị mới... Tuy nhiên, nhiều đô thị mới chưa mang lại điều kiện sống như mong đợi. Việc xây dựng "ồ ạt" nhiều toà nhà chung cư cao tầng trên một cung đường khiến tình trạng kẹt xe, tắc đường liên tục xảy ra đang gây bức xúc cho người dân.

Đô thị "ngột thở": Sống "bức bối" trong những khu đô thị quá tải (bài 3) - Ảnh 1.

Tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên các tuyến đường Lê Văn Lương, Hoàng Đạo Thuý, Hoàng Minh Giám... trong các giờ cao điểm.

Sống trong khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, bà Đỗ Thị Ánh chia sẻ, quy hoạch chi tiết khu đô thị này đã bị thay đổi nhiều so với quy hoạch ban đầu. Nhiều tòa nhà cao tầng được điều chỉnh nhiều lần, tới nay đã có 16 toà nhà cao tầng, chiều cao từ 17 đến 34 tầng.

"Việc điều chỉnh quy hoạch đã làm gia tăng mật độ xây dựng, tăng dân số dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên tại nhiều tuyến đường xung quanh và nội khu khu đô thị. Việc ùn tắc giao thông đang là nỗi ám ảnh của tôi và hàng nghìn người dân trong khu đô thị được từng được coi là kiểu mẫu này", bà Anh chia sẻ.

Đô thị "ngột thở": Sống "bức bối" trong những khu đô thị quá tải (bài 3) - Ảnh 3.

Nhếch nhác, lộn xộn trong các khu đô thị quá tải.

Cũng theo bà Ánh và nhiều người dân đang sống trong khu đô thị này, tình trạng ùn tắc giao thông trong những năm vừa qua ngày càng nghiêm trọng và không có dấu hiệu giảm đi bởi việc xây dựng chung cư mới trong khu vực vẫn diễn ra, tốc độ gia tăng về phương tiện xe cá nhân cũng lớn hơn đang khiến hạ tầng của khu vực ngày càng quá tải.

"Chất lượng cuộc sống ngày càng bị áp lực bởi ùn tắc giao thông, ô nhiễm thường trực. Người dân cũng chỉ biết chịu đựng và tự tìm cách khắc phục bằng việc "lựa" giờ đi làm, đi ra đường… để bớt ảnh hưởng tới công việc và sinh hoạt của gia đình", bà Phương – một cư dân tòa nhà chung cư mặt đường Hoàng Đạo Thuý chia sẻ.

Cảm nhận sự thay đổi rõ rệt từ việc "ồ ạt" xây dựng các tòa nhà chung cư trên đường Nguyễn Tuân, ông Trần Quang Khải (người dân phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) chia sẻ, ngày trước, đường Nguyễn Tuân dù hẹp nhưng hai bên đường chủ yếu chỉ là nhà dân, đường không bao giờ tắc. Nhưng giờ thì ngược lại, từ khi các tòa nhà cao tầng mọc lên, kéo theo lượng dân cư và ô tô con quá lớn khiến tuyến đường quá tải.

Đô thị "ngột thở": Sống "bức bối" trong những khu đô thị quá tải (bài 3) - Ảnh 4.

Đường Nguyễn Tuân quá tải khi hàng loạt các chung cư mọc lên trên đất nhà máy di dời.

Còn chị Nguyễn Thị Huệ (cư dân sống tại chung cư Thống Nhất Complex) cũng chia sẻ, khi rao bán, các chủ đầu tư của các tòa nhà cao tầng này đều quảng cáo, theo kế hoạch phố Nguyễn Tuân sẽ được mở rộng và hoàn thành vào năm 2018, nhưng giờ dự án chẳng thấy đâu. 

"Đường không mở rộng ra, nhưng chung cư thì vẫn được xây dựng mới 2 bên đường, người dân chúng tôi ngày nào cũng đang phải gồng mình chịu cảnh ùn tắc", chị Huệ nói.

Ghi nhận tại khu đô thị Linh Đàm, Văn Khê, Mỹ Đình, Đại Thanh... không ít cư dân bày tỏ sự thất vọng bởi cơ sở hạ tầng nơi đây không như kỳ vọng ban đầu. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm hàng quán, bãi đỗ xe diễn ra phổ biến.

Xử lý nghiêm chủ đầu tư làm thiếu hạ tầng

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý. Trong đó, đã giao UBND các cấp tại địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là: Triển khai lập đồng bộ các loại quy hoạch đô thị, khẩn trương lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy định.

Đồng thời rà soát, đánh giá và đề ra các giải pháp khắc phục đối với các quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh không đúng quy định. Phê duyệt các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tại các đô thị. Lập kế hoạch đầu tư và đầu tư đồng bộ giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với phát triển nhà ở, công trình thương mại dịch vụ và công trình hạ tầng xã hội theo quy hoạch được duyệt.

Đặc biệt, không cấp phép xây dựng công trình cao tầng tại trung tâm các đô thị trái với quy hoạch được phê duyệt, gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án...

Đô thị "ngột thở": Sống "bức bối" trong những khu đô thị quá tải (bài 3) - Ảnh 5.

Thiếu bãi đỗ xe dẫn tới diện tích công cộng bị lấn chiếm đang là thực trạng chung ở nhiều khu đô thị mới.

Liên quan tình trạng quá tải trong công tác quản lý quy hoạch, hạ tầng đô thị tại nhiều dự án bất động sản, vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, pháp luật hiện hành đã có quy định điều chỉnh việc đầu tư xây dựng khu đô thị, chung cư mới để đảm bảo phát triển bền vững, quyền lợi của người dân, diện tích đất cho các công trình công cộng.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, Bộ này đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp nhằm đảm bảo diện tích đất dành cho các công trình công cộng phục vụ cộng đồng.

Trong đó, UBND các cấp cần quản lý chặt chẽ quỹ đất đã được quy hoạch để xây dựng công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Khi phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, yêu cầu chủ đầu tư dự án xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng theo quy hoạch và cam kết thực hiện triển khai xây dựng theo đúng tiến độ đã được phê duyệt.

Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; Xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư không triển khai xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng theo quy hoạch được duyệt hoặc chậm đầu tư xây dựng các công trình này.

Bài 4: Đô thị "ngột ngạt": Quy hoạch chung cư thiếu chính xác, hệ luỵ khó lường

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem