Đô thị "ngột thở": Quy hoạch chung cư thiếu chính xác, hệ luỵ khó lường (bài 4)

Trần Kháng Thứ sáu, ngày 09/04/2021 06:30 AM (GMT+7)
Sự thiếu chính xác trong quy hoạch chung cư cũng như hệ thống giao thông vệ tinh là nguyên nhân chính góp phần "đổ thêm dầu vào lửa" trong vấn nạn ùn tắc giao thông.
Bình luận 0

Thiệt hại kinh tế nặng nề

Theo nhận định của giới chuyên gia, quy hoạch là một vấn đề quan trọng. Việc quy hoạch không tốt sẽ khiến hệ thống giao thông quá tải, gây ùn tắc thường xuyên; Hạ tầng giáo dục, trường học không theo kịp; Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng đang khiến chất lượng cuộc sống biến thiên theo hướng tỷ lệ nghịch với chiều cao và số lượng chung cư mọc lên tại các đô thị; Hoặc, sự đảm bảo an toàn cho cư dân về phòng cháy chữa cháy cũng là vấn đề đáng quan tâm…

Đô thị "ngột thở": Quy hoạch chung cư thiếu chính xác, hệ luỵ khó lường (bài 4) - Ảnh 1.

Ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên nhiều tuyến đường ở Thủ đô vào các giờ cao điểm.

Tại Hà Nội, tình trạng ùn tắc giao thông được đẩy lên thành vấn nạn của xã hội. Trên thực tế, sinh sống và làm việc ở Hà Nội, việc phải "chôn chân" vài tiếng đồng hồ vì tắc đường là chuyện không hiếm. Người chịu cảnh tắc đường chắc chắn sẽ có cảm giác sốt ruột xem lẫn trạng thái ngột ngạt, căng thẳng trên đường chẳng dễ chịu. Nhưng rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã "mất đứt" hàng giờ lao động. Ấy chính là sự thiệt hại kinh tế rất rõ ràng.

Ngoài ta, ùn tắc giao thông đang là điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển kinh tế của hầu hết các địa phương trên cả nước. Đặc biệt, môi trường đầu tư và các vấn đề phát triển xã hội khác cũng bị ảnh hưởng.

Đô thị "ngột thở": Quy hoạch chung cư thiếu chính xác, hệ luỵ khó lường (bài 4) - Ảnh 2.

Ùn tắc giao thông đang là vấn nạn chưa thể giải quyết ở Hà Nội.

Theo số liệu của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho thấy, ùn tắc giao thông tại Hà Nội đã gây thiệt hại khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm và tại TP.HCM là khoảng 1,3 tỷ USD. Ngoài ra, môi trường đầu tư, hiệu quả khai thác năng lực phương tiện vận tải và các vấn đề phát triển xã hội khác đều bị ảnh hưởng.

Cùng đó, về mặt xã hội, sức khỏe người dân đô thị đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí, nồng độ bụi mịn cũng gấp nhiều lần với quy định.

Mở rộng đường có khả thi?

Thực tế, tốc độ phát triển các dự án bất động sản đang bỏ lại hạ tầng giao thông phía sau một khoảng cách xa. Nhiều con đường vốn đã nhỏ hẹp nay lại phải chịu áp lực rất lớn từ hàng chục chung cư, cao ốc đang "mọc" lên, gắn với những tòa nhà đó là hàng nghìn cư dân mới, kéo theo hàng nghìn phương tiện.

Thông thường trong quy hoạch, hạ tầng giao thông phải đi trước các dự án xây dựng nhà ở một bước mới đảm bảo không làm phát sinh các vấn nạn giao thông như tắc đường, kẹt xe… Tuy nhiên hiện nay, ở Hà Nội, quy tắc này đang bị làm ngược lại khiến nạn tắc đường hoành hành nhiều năm nay.

Đô thị "ngột thở": Quy hoạch chung cư thiếu chính xác, hệ luỵ khó lường (bài 4) - Ảnh 3.

Cao ốc mọc dày đặc trên các tuyến đường vành đai, hướng tâm Thủ đô.

Giải pháp tránh tắc giao thông đã được các nhà quản lý đưa ra từ lâu đó là cấm xe máy, loại bỏ các phương tiện cá nhân. Có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và thành công từ lâu. Tuy nhiên, để giấc mơ ấy thành hiện thực ở Việt Nam thì cần xem xét chặt chẽ các quy hoạch trong đô thị, đặc biệt trong cấp phép xây dựng các dự án chung cư cao tầng.

Bên cạnh đó cần phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, không chỉ đầu tư các tuyến huyết mạch mà còn phát triển cả hệ thống giao thông vệ tinh. Khi các đầu mối giao thông đồng bộ, thông suốt thì chủ trương xóa sổ xe máy trong thành phố mới thành hiện thực.

Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, quá trình làm quy hoạch của chúng ta đang bộc lộ những bất cập và mâu thuẫn. Trong đó, việc quy hoạch với tầm nhìn quá xa sẽ dẫn tới khó khả thi, còn việc quy hoạch với tầm nhìn ngắn hạn thì dễ thực hiện nhưng nhanh lạc hậu. Đơn cử, nếu việc quy hoạch tốt đường Lê Văn Lương có làn xe buýt nhanh BRT thì cần phải có 5 làn đường, nhưng thực tế, đường này chỉ có 3 làn đường là quá bất hợp lý.

Đô thị "ngột thở": Quy hoạch chung cư thiếu chính xác, hệ luỵ khó lường (bài 4) - Ảnh 4.

Phố nhỏ "ngột thở" bởi hàng loạt cung cư cao tầng bủa vây.

Đối với việc phát triển các khu đô thị mới, theo ông Điệp, nếu quy hoạch hợp lý, đồng bộ thì chắc chắn sức ép về dân số quá tải sẽ được giảm thiểu. Thực tế, tại các vùng phía trong trung tâm hiếm khi xảy ra tình trạng tắc đường, có hay chăng là rơi vào giờ cao điểm. Nhưng khi quy hoạch dồn dân bằng việc xây các đô thị vệ tinh xung quanh trung tâm thì bắt đầu xảy ra tình trạng ùn tắc nặng ở các đường vành đai, cửa ngõ vào.

Đô thị "ngột thở": Quy hoạch chung cư thiếu chính xác, hệ luỵ khó lường (bài 4) - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội.

"Chúng ta thiếu kinh phí làm kết cấu khung hạ tầng đồng bộ. Thực tế, chúng ta xây nhà bán trước, xong mới làm hạ tầng… điều này đương nhiên sẽ dẫn tới sự quá tải hạ tầng khi người dân về ở đông", ông Điệp nói.

Để khắp phục tình trạng bất cập trong quy hoạch, vị chuyên gia này cho rằng, Hà Nội và các cơ quan liên quan cần phải nhìn nhận nghiêm túc lại việc triển khai quy hoạch. Trong đó, cần nhìn tới quy hoạch có yếu tố kinh tế thay vì chỉ nhìn thấy quy hoạch thuần tuý về kiến trúc như hiện nay.

Về hướng mở rộng đường nhằm giải quyết ùn tắc giao thông tại nhiều khu đô thị đã hiện hữu, ông Điệp cho rằng hướng giải quyết này không khả thi. Bởi quỹ đất làm đường và xây dựng các toà nhà cao tầng như hiện nay sẽ không thể làm được, ảnh hưởng quyền lợi quá nhiều người. "Tôi cho rằng các địa phương cần nhất quán, tuân thủ đúng quy hoạch đã đề ra mới là giải pháp bềm vững", ông Điệp nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Điệp, 5 năm chúng ta điều chỉnh quy hoạch phân khu 1 lần, về một góc độ nào đó là đúng, nhưng đây là kẽ hở cho những quyết điều chỉnh sai. "Ví dụ một khu đất 10 ha được quy hoạch quy mô dân số là 10.000 người, nhưng có một dự án người ta chỉ có 2ha nhưng họ triển khai trước, người ta xin 5.000 dân. Rõ ràng việc điều chỉnh quy hoạch không sai, nhưng bản chất là phá vỡ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội", ông Điệp nói.

Bài cuối: Những ai chịu trách nhiệm trong việc phá vỡ quy hoạch đô thị?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem