Đô thị "ngột thở": 1km đường"cõng" gần 40 nghìn cư dân, giao thông "khóc thét"
Đô thị "ngột thở": 1km đường"cõng" gần 40 nghìn cư dân, giao thông "khóc thét"(bài 2)
Trần Kháng
Thứ tư, ngày 07/04/2021 08:00 AM (GMT+7)
Theo tính toán của giới chuyên gia, cứ 1km đường "cõng" gần 30 nghìn cư dân, thì hiện tại một phường sẽ có quy mô dân số gần bằng một quận trước đây. Việc phá vỡ quy hoạch khiến cho đất dành cho giao thông ngày càng thu hẹp, người dân Thủ đô ám ảnh bởi tình trạng tắc đường hiện nay.
Ùn tắc giao thông đã trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Tại Hà Nội, từ nhiều năm nay, tình trạng ùn tắc giao thông trên nhiều con đường, tuyến phố của Thủ đô Hà Nội đang trở thành "nỗi khổ thường trực".
Ghi nhận trong những ngày đầu tháng 4/2021, trên nhiều tuyến đường tại quận Thanh Xuân, Cầu Giấy (Hà Nội) như: Hoàng Minh Giám, Hoàng Đạo Thúy Lê Văn Lương, Nguyễn Tuân, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi… luôn xuất hiện vào tình trạng ùn tắc giao thông. Vào những khung giờ cao điểm thường ngày, phương tiện phải "chôn chân" hàng chục phút trên đường.
Đơn cử như trên đường Nguyễn Tuân, theo khảo sát, đoạn đường chỉ hơn 1km này nhưng cũng khoảng 20 tòa nhà, khu chung cư cao tầng cao hơn 20 tầng đã hiện hữu. Ước tính, nếu lấy mức trung bình 4 người/căn hộ, chỉ riêng khu vực tuyến đường Nguyễn Tuân đã có tới 30 - 40 nghìn nhân khẩu. Chỉ cần tính bình quân 5 gia đình có 1 xe ô tô và và mỗi gia đình có 2 xe máy đã ra con số hàng chục nghìn ô tô, xe máy.
Chuyển về chung cư 90 Nguyễn Tuân từ năm 2020 nhưng anh Nguyễn Văn Hưng (nhân viên kinh doanh một công ty trên địa bàn quận Thanh Xuân) đang tính phương án chuyển nhà, bởi quá khó chịu khi thường xuyên phải đối mặt với tắc đường.
"Tình trạng ùn tắc triền miên, sáng ra tới cửa là tắc, tối đi mãi mới về tới nhà" đã ảnh hưởng rất nhiều tới sinh hoạt, công việc của cả gia đình tôi. Dù vị trí nhà tôi khá gần với công ty, nhưng cứ phải đối mặt với cảnh ùn tắc này khiến tôi quá ám ảnh và mệt mỏi", anh Hưng bức xúc.
Tương tự, tại các tuyến đường xung quanh khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, tình trạng ùn tắc giao thông cũng diễn ra như "cơm bữa". Anh Trần Hữu Nam, chủ một căn hộ tại khu Trung Hòa - Nhân Chính trước năm 2010 nên cảm nhận rất rõ cuộc sống thay đổi như thế nào trong 10 năm qua vì quy hoạch nhồi nhét nhà cao tầng."10 năm trước, đường thông, hè thoáng, thênh thang. Bây giờ, đường xá tắc thường xuyên, xe cộ đông đúc, thời gian ăn sáng phải dành để đi lại", anh Nam than thở
Theo số liệu của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT), ùn tắc giao thông tại Hà Nội đã gây thiệt hại khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm và tại TP.HCM là khoảng 1,3 tỷ USD. Ngoài ra, môi trường đầu tư, hiệu quả khai thác năng lực phương tiện vận tải và các vấn đề phát triển xã hội khác đều bị ảnh hưởng.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, vài năm trước, một phường của Hà Nội thường có quy mô dân số khoảng 19-20 nghìn người, nhưng giờ con số đó sẽ nhân thêm nhiều lần do các tòa chung cư mọc lên ken kín. Có thể, một phường sẽ có quy mô dân số gần bằng một quận trước đây.
Đặc biệt, thực tế đang diễn ra là tình trạng đẩy mạnh tốc độ phát triển các dự án bất động sản đã và đang bỏ lại hạ tầng giao thông phía sau một khoảng cách rất xa khiến đô thị méo mó ngay từ cửa ngõ. Cho nên, dù đã có nhiều biện pháp chống ùn tắc giao thông được đề ra nhưng tất cả đều bị "vỡ trận" vì mật độ xây dựng nhà cao tầng dày đặc...
Phá vỡ quy hoạch, đất giao thông chỉ đạt 10%
Trong khoảng 10 năm qua, Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và đường trục chính đô thị. Cùng với đó, Trung ương cũng quan tâm đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô như: Đường vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì, tuyến đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài…
Những công trình lớn trên đã từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô, cải thiện tình trạng giao thông. Nhưng, hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện, thiếu đồng bộ, diện tích dành cho giao thông tĩnh không đảm bảo dẫn tới tình trạng ùn tắc, thiếu hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tại những khu vực có tốc độ đô thị nhanh.
Liên quan đến hạ tầng đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, 100% đô thị trên toàn quốc đã lập, phê duyệt quy hoạch chung đô thị. Đối với các thành phố Hà Nội, TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị (nhất là các đô thị lớn) đang từng bước được đầu tư, mở rộng và hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ với các hình thức đầu tư đa dạng. Năng lực của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và khả năng tiếp cận các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng thừa nhận, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đô thị theo quy hoạch được duyệt còn hạn chế, chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện, thiếu đồng bộ, dẫn tới tình trạng ùn tắc, thiếu hạ tầng giao thông.
Cụ thể: Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên đất xây dựng đô thị năm 2019 chỉ đạt khoảng 10%, tỷ lệ đất bến bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị đạt dưới 1%. Trong khi đó, theo quy hoạch giao thông phải đạt 20-26% đối với đô thị trung tâm, 18-23% đối với các đô thị vệ tinh, 16-20% cho các thị trấn, trong đó diện tích đất dành cho bến, bãi đỗ xe cần đạt 3-4%; Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 15%, TP.HCM đạt khoảng 10%, Đà Nẵng và Hải Phòng khoảng 3% (mục tiêu đặt ra đạt khoảng 25-30% vào năm 2020).
Chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết, Hà Nội thời gian qua có rất nhiều mảnh đất vàng biến thành chung cư, tòa nhà cao tầng không được kiểm soát chặt chẽ. "Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh, nơi nào hạ tầng tốt mới cho xây nhà cao tầng, nhưng lòng đường Nguyễn Tuân quá nhỏ hẹp, không phát triển các mạng lưới giao thông công cộng được mà vẫn cho xây nhà cao tầng nhiều như vậy phải kiểm soát lại lỗi từ quy hoạch".
Trao đổi về vấn đề này, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, ở góc độ doanh nghiệp thì chủ đầu tư nào cũng muốn xây cao tầng để có cơ hội gia tăng lợi nhuận. Trong khi đó, thực trạng điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, để lại hậu quả lớn về hạ tầng xã hội: giao thông thì tắc đường, mở thêm đường vẫn tắc vì dân số quá đông, với gần 10 triệu người ở Hà Nội, lượng phương tiện gia tăng nhanh.
Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng không phát triển kịp, tắc đường là khó tránh. Mặt khác, quy hoạch lỗi còn gây ra tình trạng thiếu trường học, lớp đông; chất lượng y tế chăm sóc sức khỏe người dân kém; ô nhiễm môi gia tăng, khó khắc phục.
Bài 3: Đô thị "ngột thở: Cư dân "bức bối" trong các khu đô thị mới
Vui lòng nhập nội dung bình luận.