Thời cổ đại Trung Hoa có tứ đại mỹ nhân và ngũ đại diễm hậu, tên tuổi của tứ đại mỹ nhân đã quen thuộc và được nhiều người biết đến, vậy ngũ đại diễm hậu là ai? Đó là: Vương hậu Hạ Cơ vào thời Xuân Thu, Văn Chiêu Hoàng hậu Chân Mật của Ngụy Văn Đế Tào Phi thời Tam Quốc, Chiêu Tín Hoàng Hậu Lý Tổ Nga của Bắc Tề Văn Tuyên Hoàng đế Cao Dương thời Nam Bắc Triều, Tiêu Hoàng Hậu của Tùy Dương Đế Dương Quảng, Ý An Hoàng Hậu Trương Yên của Đại Minh Hy Tông đế Hoàng Đế Chu Điền.
Trong số 5 diễm hậu này, số phận của Lý Tổ Nga có lẽ là bất hạnh nhất, nàng có xuất thân rất tốt nhưng cuộc đời về sau lại vô cùng bất hạnh. Hiện vẫn chưa xác định được rõ ràng năm sinh của Lý Tổ Nga, sinh ra trong một thế gia đại tộc của phương bắc, thuộc vùng Triệu Quân ( nay chính là huyện Tán Hoàng, Hà Bắc, Trung Quốc), là cháu gái của đại tướng quân kị mã binh Bắc Ngụy – Lý Hiến, thứ nữ của quan Thượng Đảng Đại Thú Lý Hy Tông.
Lý Tổ Nga từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, là viên ngọc quý trong lòng bàn tay của cha mình Lý Hy Tông. Sử sách không miêu tả chi tiết về ngoại hình của Lý Tổ Nga mà chỉ nói rằng nàng "xinh đẹp, duyên dáng và có phẩm hạnh ", có nghĩa là Lý Tổ Nga không chỉ có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà còn có cả tính cách đức hạnh cao quý.
Mặc dù sử sách không miêu tả quá nhiều về vẻ đẹp của Lý Tổ Nga, nhưng họ đã ghi lại một điều chứng tỏ rằng Lý Tổ Nga rất xuất chúng hơn người. Tương truyền rằng Cao Dương và anh trai Cao Trừng ngoại hình rất xấu xí, nhưng Nguyên Tử - người vợ đầu tiên của Cao Trừng lại có nhan sắc không bằng một phần của Lý Tổ Nga, điều này khiến cho Cao Trừng vô cùng đố kỵ, trong lòng luôn có sự so sánh.
"Anh em chúng ta hai người đều xấu như nhau, vậy tại sao em lại lấy một người vợ quốc sắc thiên hương, còn vợ tôi thì tướng mạo lại tầm thường như vậy?" Vì vậy, mỗi lần gia đình tụ họp, Cao Trừng đều có những lời nói ác ý khó nghe đối với vợ chồng Lý Tổ Nga . Lý Tổ Nga nhìn thấu suy nghĩ của Cao Trừng, nhưng cũng không để tâm, nghe được lời nói ác ý của anh ta đều cười mà cho qua.
Năm 550 sau công nguyên, Cao Dương buộc Hoàng đế Hiếu Tịnh của nhà Đông Ngụy phải thoái vị và đổi tên nước thành Tề (được gọi là Bắc Tề trong lịch sử), và ông trở thành hoàng đế sáng lập của Bắc Tề. Sau khi Cao Dương trở thành hoàng đế, ông ta trở nên bạo ngược vô độ, nghiện rượu, hỷ nộ bất thường, giết người không gớm tay, đặc biệt là đối với thê thiếp và cung nữ trong cung, tự tay đánh đập, thậm chí giết người.
Tuy nhiên, riêng đối với Lý Tổ Nga thì ông ta đối đãi trước sau đều ôn nhu dịu dàng, kính lễ như thủa ban đầu. Trong những ngày đầu khi Cao Dương lên ngôi, ông muốn phong Lý Tổ Nga làm hoàng hậu, nhưng các quan đại thần thúc giục: "Theo thông lệ, phụ nữ Hán không được làm hoàng hậu của thiên hạ, phải theo vậy mà làm. "Tuy nhiên, bất chấp sự ngăn cản của các đại thần, Cao Dương vẫn đi theo con đường riêng của mình và phong Lý Tổ Nga lên làm hoàng hậu, khiến Lý Tổ Nga muôn phần cảm động.
Lý Tổ Nga và Cao Dương có hai người con trai, con trai cả Cao Ân và con trai thứ hai Cao Thiệu Đức. Năm 559 sau Công nguyên, Cao Dương chết thảm do nghiện rượu quá độ. Trước khi tạ thế, ông ta căn dặn Lý Tổ Nga nhất định phải chăm sóc hai con trai của mình thật tốt, bất luận thế nào cũng phải bảo toàn tính mạng và sự an toàn của hai người con trai này, Lý Tổ Nga tuôn lệ mà phụng mệnh .
Cao Dương đã phong cho Cao Ân là thái tử, vì sao ông ta vẫn còn băn khoăn như vậy? Cho dù rượu có hủy hoại đầu óc con người ta nhưng ông ta cũng không hề hồ đồ, hai người con trai khi ấy mới chỉ mười mấy tuổi, anh em huynh đệ lại như báo như hùm, đều không phải là loại đèn thiếu dầu mà leo lét.
Quả nhiên, chưa đầy một năm sau khi Cao Ân lên ngôi, em trai Cao Diễn đã phát động một cuộc chính biến. Không chỉ giành lấy ngôi vị hoàng đế, ông ta còn giết chết cháu trai của mình là Cao Ân. Như có câu: "Thiện giả thiện báo, ác giả áo báo. Nếu chưa báo, chỉ là chưa gặp thời mà thôi".
Năm 561 sau Công Nguyên, Cao Diễn bị thương do ngã ngựa, bệnh không qua khỏi mà chết, cuối cùng chỉ làm hoàng đế được hơn một năm. Sau khi ông ta qua đời, người anh em khác của Cao Dương là Cao Trạm lên ngôi, sự xuất hiện của người này đã thay đổi hoàn toàn số phận của Lý Tổ Nga trong suốt quãng đời còn lại của bà.
Sau khi Lý Tổ Nga mất đi người con trai cả Cao Ân, bà rất đau lòng, bà cảm thấy có lỗi với Cao Dương và phải mất một thời gian dài mới có thể thoát ra khỏi nỗi đau. Lúc này, bà đặt tất cả sự sống và hy vọng của mình vào Cao Thiệu Đức. Việc đầu tiên Cao Trạm lên ngôi chính là chiếm hữu Lý Tổ Nga, Cao Trạm đã thèm muốn Lý Tổ Nga từ lâu, trước đây vốn chỉ có thể để trong lòng, vì dù gì cũng là chị dâu của ông ta. Nhưng khi nắm quyền lực trong tay thì ông ta có thể dễ dàng chiếm hữu Lý Tổ Nga.
Từng bước một, khi Cao Trạm trở thành hoàng đế, yêu cầu Lý Tổ Nga phải gả cho ông ta. Lý Tổ Nga thà chết không chịu, làm nữ nhi người Hán, không thể làm chuyện đại nghịch bất đạo, trái luân thường đạo lý như vậy.
Nhưng khi Cao Trạm đe dọa tính mạng của Cao Thiệu Đức, thái độ của Lý Tổ Nga không còn cứng rắn nữa, bà đã phải chịu đựng rất nhiều đau đớn, bị tra tấn và sỉ nhục, và từ đó đành theo Cao Trạm. Một năm sau, Lý Tổ Nga mang thai đứa con của Cao Trạm, khi Cao Thiệu Đức vào cung thăm mẹ, Lý Tổ Nga quá xấu hổ mà từ chối gặp mặt. Thực ra, Cao Thiệu Đức đã biết chuyện ngược đời giữa mẹ mình và Cao Trạm nên đã hét lên và mỉa mai trước cửa cung của Lý Tổ Nga "Mẫu thân bụng lớn rồi, hà tất phải nhìn con trai mình!" Lý Tổ Nga nghe được, trong lòng vô cùng hổ thẹn, khi sinh ra đứa con gái của Cao Trạm, đã tự mình dùng tay giết chết đứa trẻ mới chào đời.
Cao Trạm nhận được tin nộ khí xung thiên, lớn giọng hét rằng: "Ngươi dám giết con gái ta, ra sẽ giết chết con trai ngươi!" Ông ta lập tức sai người đến bắt Cao Thiệu Đức và đánh chết trước mặt Lý Tổ Nga. Lý Tổ Nga tận mắt chứng kiến con trai chết đi, vô cùng đau đớn, quẫn trí và ngất đi vài lần nhưng Cao Trạm vẫn không chịu bỏ cuộc, trong cơn tức giận ông ta đã dùng roi đánh Lý Tổ Nga cho đến khi bà hấp hối, ông ta mới dừng lại và bỏ đi một cách tức giận.
Lý Tổ Nga may mắn được một nhóm cung nữ đánh thức và bảo toàn mạng sống. Sau khi cơn giận của Cao Trạm đã tiêu tan, ông ta cũng biết rằng mối hận thù sâu sắc giữa ông ta và Lý Tổ Nga không thể hóa giải được nữa. Nhưng vì vẫn còn tình cảm, nên ông ta đã ra lệnh cho Lý Tổ Nga làm ni cô ở chùa Diệu Thắng.
Sau đó, Lý Tổ Nga theo hầu cổ Phật thanh đăng hơn mười năm. Cho tới khi nhà Bắc Tề sụp đổ, Lý Tổ Nga thân làm nữ nhi trong hoàng thất, bị quân đội Bắc Chu đưa đến Trường An, mãi đến khi nhà Tùy thành lập, Lý Tổ Nga mới có thể trở về quê hương Triệu Quân.
Lý Tổ Nga được Cao Dương tôn trọng sung bái, vì lời thề với Cao Dương, bất đắc dĩ mà gả cho Cao Trạm. Vì chịu ảnh hưởng quan niệm lễ giáo khe khắt thời xưa mà chịu nhục nhưng rốt cục cũng chẳng còn lại gì. Thực ra Lý Tổ Nga không sai, trong thời điểm loạn lạc, hồng nhan bạc mệnh, chỉ có thể nói rằng đó là số phận bất hạnh và bi thảm một đời của bà mà thôi.