Dân Việt

Bình Phước: Dự án “bảo vệ rừng” để… mất rừng, một số tổ chức bị kiểm điểm

Hoàng Hưng 31/05/2021 14:40 GMT+7
Một dự án có diện tích 362,8ha với mục đích được giao ban đầu là “bảo vệ rừng và chăn nuôi gia súc”. Sau 15 năm, dự án “bảo vệ rừng” dần dà thành dự án… “chuyển đổi từ rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su”. Và hôm nay, một số tổ chức liên quan bị UBND tỉnh Bình Phước “kiểm điểm”.

Ngày 31/5, thông tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - bà Trần Tuệ Hiền vừa ra kết luận xung quanh việc kiểm tra, rà soát dự án "khủng" (362,8ha) do Công ty Sasco làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo một số đơn vị liên quan tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với các sai phạm tại dự án Sasco. Cụ thể: Kiểm điểm trách nhiệm Sở NN-PTNT trong "công tác tham mưu các thủ tục chuyển đổi sang trồng cao su tại 3 dự án giao cho Công ty Sasco".

Kiểm điểm Sở NN-PTNT "trong việc để diện tích rừng tự nhiên 28,5ha chưa được chuyển đổi, nhưng các hộ dân lấn chiếm để trồng cao su trên diện tích đã giao khoán cho Công ty Sasco".

Bình Phước: Dự án “bảo vệ rừng” để … mất rừng, một số tổ chức bị kiểm điểm - Ảnh 1.

Số gỗ rừng khai thác từ dự án Sasco được tập kết tại chốt kiểm lâm Thạch Màng, chờ xử lý. Ảnh: H.H

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Phước cũng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với UBND huyện Đồng Phú, trong việc để diện tích rừng tự nhiên 28,5ha bị lấn chiếm, chuyển sang trồng cao su.

Được biết vào tháng 8/2006, UBND tỉnh Bình Phước cho phép Công ty Sasco thực hiện dự án "bảo vệ rừng và chăn nuôi gia súc", tại Ban quản lý rừng kinh tế (QLRKT) Suối Nhung, với diện tích 545ha. Tuy nhiên, năm 2008, dự án được điều chỉnh xuống còn 362,8ha. Và, mục tiêu của dự án là giao đất cho Sasco "khoanh nuôi bảo vệ rừng và chăn nuôi gia súc".

Mục tiêu của dự án đặt ra là vậy, nhưng đột ngột sau đó, UBND tỉnh Bình Phước lại ra nhiều văn bản như: Tháng 1/2009, ra quyết định cho phép Sasco "chuyển đổi rừng lồ ô khuy và đất trống (105ha) sang trồng cao su. Tháng 3/2009, UBND tỉnh chấp thuận cho Sasco chuyển sang trồng cao su 81ha. Tháng 11/2009, tỉnh tiếp tục cho chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su trên diện tích 161ha…

Sau các chủ trương trên, Sasco đã ký kết các hợp đồng trồng cao su (248,1ha) với cá nhân ông Trần Tấn Minh - Giám đốc Ban QLRKT Suối Nhung. Ông này đứng ra trồng cao su, với cam kết ăn chia tỷ lệ sản phẩm với Sasco, khi vườn cao su thành hình…

Để rồi sau đó, xem mình như là chủ dự án, ông Minh lại ký tiếp hợp đồng trồng cao su với một số hộ dân khác, trên diện tích đất dự án Sasco. Đặc biệt, có 28,5ha rừng tự nhiên nằm trong diện tích 248,1ha đất rừng nói trên, sau khi ký hợp đồng trồng cao su ăn chia tỷ lệ sản phẩm với Sasco, ông Minh đã cho các hộ dân… "hô biến" luôn 28,5ha rừng tự nhiên, để lấy đất trồng cao su.

Bình Phước: Dự án “bảo vệ rừng” để … mất rừng, một số tổ chức bị kiểm điểm - Ảnh 3.

Năm 2018, tại dự án Sasco đã có tố cáo liên quan đến một vụ phá rừng tự nhiên. Ảnh: H.H

Ngoài diện tích đất ký với ông Minh, Sasco còn để các hộ dân khác lấn chiếm và sử dụng trái phép 108,7ha đất rừng…

Trước sai phạm hàng loạt tại dự án "bảo vệ rừng" của Sasco, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc thanh tra. Ngày 16/5/2019, Thanh tra Chính phủ đã có Báo cáo Kết luận số 740/BC-TTCP và được Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý tại Thông báo số 441/TB-VPCP ngày 24/12/2019.

Theo Thanh tra Chính phủ: "Trình tự, thủ tục giao khoán cho Công ty Sasco thực hiện dự án và cho phép chuyển đổi mục đích khoán rừng sang trồng cao su chưa thực hiện chặt chẽ, chưa bảo đảm quy định của pháp luật.

Công tác quản lý bảo vệ rừng còn buông lỏng, dẫn đến việc thực hiện dự án của chủ đầu tư không đúng mục đích ban đầu, liên doanh liên kết với các cá nhân khác không đúng chủ trương, quy định của tỉnh; dẫn đến tình trạng đất rừng bị lấn chiếm…".

Bình Phước: Dự án “bảo vệ rừng” để … mất rừng, một số tổ chức bị kiểm điểm - Ảnh 5.

Một số cây rừng bị Nguyễn Đặng An - nhân viên Công ty Phát Lộc - chặt phá tại tiểu khu 363, dự án Sasco, vào năm 2018. Ảnh: H.H

Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định: "Việc Công ty Sasco tự ý ký kết hợp đồng với ông Trần Tấn Minh và thỏa thuận ăn chia một phần diện tích cao su đã trồng là trái với chủ trương cho thực hiện dự án của UBND tỉnh và vi phạm hợp đồng liên doanh liên kết với Ban QLRKT Suối Nhung.

Ông Trần Tấn Minh là Giám đốc Ban QLRKT Suối Nhung với vai trò chủ rừng, phải chịu trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện dự án, thực hiện hợp đồng liên doanh của Ban QLRKT Suối Nhung đã ký kết với Công ty Sasco, nhưng lại ký hợp đồng cá nhân với Công ty Sasco, sau đó giao lại cho các cá nhân khác thực hiện dự án là trái quy định".

Hiện nay, UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu Sở NN-PTNT thanh lý hợp đồng giao khoán dự án trên. Vì Công ty Sasco "để mất rừng khoanh nuôi và không thực hiện chăn nuôi gia súc" và vi phạm hợp đồng. Đồng thời, tình Bình Phước cho thu hồi toàn bộ đất rừng đã giao cho Công ty Sasco.