Trước đó, ngày 7/2, Dân Việt đã đăng tải bài "Hơn 8.000 m3 gỗ bị mục nát, hư hỏng, chỉ "nghiêm túc rút kinh nghiệm", nội dung bài báo phản ánh UBND tỉnh Bình Phước ra văn bản "rút kinh nghiệm" đối với một số đơn vị chủ rừng, để hơn 8.000m3 bị hư hỏng, mục nát.
Trực tiếp dẫn chúng tôi vào hiện trường gỗ rừng bị chặt hạ, mục nát tại Tiểu khu 363, thuộc Nông lâm trường Tân Lập - Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước (xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), là một số người dân địa phương. Đây là một trong rất nhiều cây rừng đã bị đốn, có chu vi tới 5m, đường kính từ 1m-2m. Trong tổng số hơn 8.000m3 gỗ ở các dự án được chính quyền Bình Phước cho phép "tiêu huỷ" bằng cách "để tự mục nát tại hiện trường", thì riêng tại các khu rừng thuộc 2 Tiểu khu 363 và 389, do Nông lâm trường Tân Lập quản lý đã chiếm tới 5.543,34m3, thuộc nhóm II - nhóm VIII.
Người dân đo từng gốc cây rừng đã bị đốn hạ.
Hình ảnh một trong những gốc cây cổ thụ có tuổi đời cả trăm năm bị cưa đổ.
Vạt một góc gốc cây cổ thụ đã bị đốn hạ, gốc cây vẫn còn tươi nguyên, rỉ nhựa ngay trước mắt chúng tôi. Tuy nhiên, theo văn bản chúng tôi có được thì những cây rừng như thế này, tại Tiểu khu 363 - Nông lâm trường Tân Lập, nằm trong dự án "chuyển đổi rừng nghèo kiệt" sang trồng cao su. Các cây rừng được khai thác từ trước khi Thủ tướng Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng, từ cuối năm 2016.
Càng đi sâu vào rừng tại Tiểu khu 363, chúng tôi càng thấy rất nhiều cây rừng bị chặt hạ, còn nguyên thân gỗ dài hàng chục mét, nằm nguyên vẹn tại rừng...
Ông Trần Đức Lý - người dân trú ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú - chỉ vào một gốc cây rừng bị hạ, có đường kính hơn 1,5m - nói: "Gốc cây này phải hàng trăm năm, vẫn còn tươi roi rói..., có thể bị chặt hạ trong thời gian gần đây. Tôi rất nhiều lần chứng kiến người của Công ty TNHH MTV Phát Lộc và Công ty TNHH Hồng Phúc khai thác, cưa hạ cây rừng dưới hình thức "tận thu", có sự cho phép của chủ rừng... Thực chất, đây là hành vi phá rừng, chọn toàn cây cỗ thụ để cưa, làm cho rừng bị rỗng ruột. "Chuyển đổi rừng nghèo kiệt" cái gì mà toàn vô rừng chặt cây cổ thụ hàng trăm năm như vậy?".
Thêm một cây gỗ với gốc rất to, dài khoảng 15m bị chặt hạ.
Nhiều cây nữa bị chặt, gốc còn tươi nguyên.
Thân cây bị lau sậy, cỏ, chồi phủ kín, che khuất theo thời gian, nhưng gốc cây thì vẫn lộ rõ...
Tại Tiểu khu 363, theo những người dân địa phương, có tới hàng trăm cây rừng cổ thụ đã bị chặt hạ, khiến rừng bị rỗng ruột.
"Chuyển đổi rừng nghèo kiệt" sang trồng cao su. Rừng "nghèo kiệt" nhưng toàn những cây gỗ lớn, có tuổi đời hàng chục đến hàng trăm năm tuổi được chặt hạ, để mục tại hiện trường để lấy đất trồng cao su.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.