Không ai ngờ, xã Trà Cổ - một địa phương với đồi núi chạy dài và chi chít những dãy đá ong lại ở huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) có thể nuôi tôm càng xanh nức tiếng.
Theo anh Tài, do được nuôi bằng nguồn nước sạch từ các khe núi tuôn ra, nên thịt tôm càng xanh ở Trà Cổ rất thơm ngon.
Hơn chục năm trước, thấy một số nông dân đưa giống tôm càng xanh về nuôi và đạt được hiệu quả kinh tế tốt, anh Tài đã bỏ đàn cá đồng, chuyển sang nuôi tôm càng xanh.
Trước khi nuôi càng xanh, anh Tài nạo vét lại 3ha ao. Sau đó, anh lấy ống nhựa dẫn nước từ khe núi về cho đầy ao, rồi thả giống tôm càng xanh.
"Ở đây sẵn có nguồn nước tốt. Chỉ cần trước khi thả giống tôm càng xanh, nông dân phải xử lý ao kỹ lưỡng. Không để trong ao có cá, tránh tình trạng cá ăn tôm giống", anh Tài chia sẻ.
Tôm càng xanh được nuôi bằng nguồn nước sạch, mát nên lớn khá nhanh. Tôm chỉ nuôi khoảng 3 tháng là có thể thu hoạch bán.
"Tôm càng xanh đạt trọng lượng tầm 10 – 15 con/kg, thương lái rất mê", anh Tài chia sẻ.
Anh Tài cho biết, để tôm càng xanh có thịt béo chắc, ngon, anh dùng hạt bắp, cám trộn chung các loại cá nhỏ rồi cho vào nồi nấu chín.
Khi hỗn hợp thức ăn này mềm nhừ, anh mang rải xuống ao cho tôm càng xanh ăn.
"Cho ăn đơn giản vậy, nhưng tôm khỏe lắm, siêu kháng bệnh. Dân ở đây gọi là "tôm leo núi" mà. Tôm rất sạch, rất ngon", anh Tài cười vui.
Cũng theo anh Tài, từ khi chuyển sang nuôi tôm càng xanh, đời sống kinh tế của gia đình ngày càng sung túc hơn.
Cứ mỗi vụ, anh thu về hơn 6 tấn tôm càng xanh. Với giá tôm càng xanh bán từ 160.000 – 180.000 đồng/kg, mỗi năm anh có lãi nửa tỷ đồng.
"Tiền lời nuôi tôm càng xanh ăn đứt nuôi cá đồng", anh Tài bộc bạch.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phú Nguyễn Trọng Lâm cho biết, ở xã Trà Cổ không chỉ có anh Tài làm giàu bằng nghề nuôi tôm càng xanh.
Nơi đây còn khá nhiều hộ đổi đời nhờ nghề nuôi tôm càng xanh trong những ao nuôi có nền đá ong.
20 năm trước, Hội Nông dân xã Trà Cổ đã đưa con tôm càng xanh lên núi. Mô hình nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều hộ đã chuyển từ nuôi cá đồng sang nuôi tôm càng xanh. Đến nay, con tôm càng xanh vẫn "bám trụ" và làm giàu cho vùng đất này.
Hiện, tại xã Trà Cổ có khoảng 50ha nuôi tôm càng xanh. Mỗi năm, xã Trà Cổ xuất bán khoảng 200 tấn tôm càng xanh ra thị trường.
Theo ông Lâm, Hội Nông dân đang vận động bà con nuôi tôm càng xanh chuyển dần sang hướng nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mấy năm trước, một số bà con nông dân tập tành nuôi tôm càng xanh VietGAP. Tuy nhiên, do giá tôm càng xanh VietGAP vẫn bán như tôm nuôi thường nên không khuyến khích nông dân phát triển mô hình.
"Ở đây, chỉ có 3 lái mua tôm càng xanh VietGAP. Họ cho giá bao nhiêu, mình bán tôm giá bấy nhiêu. Nếu không bán tôm cho họ chẳng biết bán cho ai. Vả lại, giá bán tôm VietGAP như tôm thường nên chẳng khuyến khích nông dân nuôi", anh Tài thổ lộ.
Bây giờ, việc bà con nông dân nuôi tôm càng xanh ở Trà Cổ đang rất mong muốn là ngành nông nghiệp tìm cách đưa nước về để bà con nuôi tôm 2 vụ/năm.
Theo anh Tài, do phụ thuộc nguồn nước tự nhiên, nên nông dân Trà Cổ chỉ nuôi được một vụ tôm càng xanh/năm.
Tôm càng xanh ở Trà Cổ được các cơ sở kinh doanh hải sản, nhà hàng, khách sạn ở Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương…tiêu thụ.