Ngải đen quý hiếm thế nào mà Thanh Hóa kỳ công trồng 500 cây?

Chủ nhật, ngày 16/02/2020 09:05 AM (GMT+7)
Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để bảo tồn và phát triển loài ngải đen tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2019-2022)”.
Bình luận 0

Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức thành công hội thảo công bố kết quả định danh loài cùng giá trị dược liệu, xây dựng vườn lưu giống 500 cây ngải đen tại khu vực rừng Pù Luông.

Qua đó, góp phần bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý hiếm tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sống trong vùng đệm, vùng lõi khu bảo tồn khi trồng loài cây thuốc quý này.

img

Cây Ngải đen mọc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN.

Ông Mai Văn Quang, cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Trong 4 năm thực hiện đề tài, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông sẽ điều tra hiện trạng phân bố, đặc tính sinh vật học của cây ngải đen ngoài tự nhiên để có giải pháp tác động và bảo tồn phù hợp.

Đồng thời, xây dựng vườn ươm cây giống có quy mô 500 m2 nhằm sản xuất ra 10.000 cây ngải đen giống, xây dựng mô hình trồng và thu hoạch, sơ chế cây ngải đen trong diện tích 0,5 ha.

Hiện loài cây ngải đen này chỉ còn mọc tại khu vực tiểu khu 271, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, thuộc khu rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Do có giá trị kinh tế cao nên loài cây ngải đen này thường được người dân tìm mua nhiều, trong khi cây mọc tự nhiên ngày càng ít đi. Vì vậy thực hiện đề tài trên sẽ giúp Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông tìm ra các biện pháp kỹ thuật nhân giống và gây trồng.

Đồng thời Ban Quản lý Khu bảo tồn xây dựng được mô hình trồng thử nghiệm để đánh giá khả năng phát triển và giá trị kinh tế của loài, từ đó nhân rộng mô hình trong cộng đồng người dân sống xung quanh khu bảo tồn, tạo thu nhập ổn định, giảm áp lực của con người vào tài nguyên rừng.

img

Vườn ươm giống cây Ngải đen tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN.

Bên cạnh đó, việc triển khai đề tài sẽ giúp việc quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, phục hồi thảm thực vật, tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ đất, điều hòa nguồn nước, chất lượng môi trường được cải thiện. Từ đó, đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát triển thực trạng quần thể các loài cây quý hiếm tại các khu rừng Pù Luông.

Theo kết quả nghiên cứu bước đầu của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, cây ngải đen (Kaempferia parviflora Wall. ex Baker) là cây thân thảo sống lâu năm. Cây ngải đen cao gần 70 cm, lá có màu xanh hơi tím. Thân rễ ngầm gồm nhiều củ nhỏ, hình trứng mọc nối tiếp nhau, màu đặc trưng của thân rễ màu tím than, hoa nhỏ xuất hiện giữa thân cây và các gốc lá.

Trên thế giới loài cây ngải đen này thường mọc ở khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc. Tại Việt Nam, cây ngải đen thường mọc tại các vùng núi cao Bắc Trung Bộ, Tây Bắc và tỉnh Thanh Hóa.

Tại Thanh Hóa, cây ngải đen thường mọc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Cây ngải đen là cây dược liệu quý, thân rễ cây có tác dụng tăng cường sức khỏe, điều trị các bệnh về xương khớp, điều trị rối loạn đau bụng, dạ dày và loét tá tràng, kháng viêm, chống ô xy hóa, giảm béo phì, cây ngải đen có hoạt tính chống ung thư, u bướu.

Nguyễn Nam (TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem