Cao Bằng: Nghề làm thứ giấy cứ ngỡ chỉ có trong cổ tích, ai ngờ dân vẫn kỳ công theo, đã làm là ra tiền

Chiến Hoàng Thứ năm, ngày 25/02/2021 14:05 PM (GMT+7)
Nghề làm giấy bản truyền thống tại xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng không những được duy trì, phát huy mà đã thực sự trở thành nghề giúp nông dân thoát nghèo.
Bình luận 0

Từ trung tâm TP.Cao Bằng đến xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng chừng 70km. Để lên được Yến Lạc, chúng tôi phải căng mắt gồng tay mà bẻ ghi, lạng lách theo cung đường uốn lượn như dải voan trắng cứ hun hút trôi tuột vào sương.

Cao Bằng: Có nghề này lo gì không thoát được nghèo - Ảnh 1.

Đường lên Yên Lạc, xã Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Cao Bằng: Có nghề này lo gì không thoát được nghèo - Ảnh 2.

Một góc xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình.

Yên Lạc là xã có đến 90% đồng bào Dao sinh sống. Vùng đất này là một trong những vựa trúc sào của tỉnh Cao Bằng. Với lợi thế sẵn có về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi phát triển cây trúc sào, người dân nơi đây đã tập trung trồng, khai thác và sử dụng cây trúc sào non phục vụ việc làm giấy bản.

Dẫn chúng tôi đến hộ gia đình ông Đặng Văn Chan, thôn Lũng Súng, anh Hoàng Chàn Páo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Lạc bảo, đây là hộ làm nghề giấy bản cũng khá lâu năm, chất lượng giấy bản của ông Chan làm ra rất tốt.

Cao Bằng: Có nghề này lo gì không thoát được nghèo - Ảnh 3.

Ông Đặng Văn Chan thực hiện công đoạn tráng giấy từ bể lọc.

Theo ông Páo, ở Yên Lạc này có đến 30% hộ dân trong xã có nghề làm giấy bản. Chưa tính bán trúc sào già, củ dong riềng và dược liệu… chỉ riêng làm giấy bản đã cho thu nhập trung bình từ 100.000.000 đến 200.000.000đ/trên hộ.

Ông Đặng Văn Chan cho hay, gia đình ông trồng được khoảng 3ha cây trúc sào, cây già thì chặt bán về Hà Nội, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… cây non chặt làm giấy bản nên cũng có thu nhập ổn định.

Cao Bằng: Có nghề này lo gì không thoát được nghèo - Ảnh 4.

Công đoạn tách giấy bản từ miếng tráng.

Nói về các công đoạn làm giấy bản, ông Chan chia sẻ, sau khi trúc non thu hoạch tập kết tại nhà sẽ được đem ngâm vôi từ 1-3 tháng rồi tiếp tục ướp sau đó cho vào máy xay.

"Khi đã xay thành bột sẽ đưa sang bể lọc, tráng thành từng tờ xếp lại. Giấy được đem ép ráo nước, bóc phơi tầm 2-3 ngày là có thể bán. Làm giấy bản mất công lấy nguyên liệu từ rừng về thôi, còn các công đoạn khác chỉ một người làm là đủ, thu nhập từ nghề làm giấy bản của gia đình cũng đạt khoảng 20.000.000đ/tháng", ông Chan cho biết thêm.

Cao Bằng: Có nghề này lo gì không thoát được nghèo - Ảnh 5.

Bà Triệu Mùi Sao đóng giấy bản cho khách.

Tại nhà bà Triệu Mùi Sao cùng thôn Lũng Súng khi chúng tôi đến, bà Sao đang hì hụi bó giấy cho lái buôn từ thị trấn lên. Bà bảo, đã làm nghề giấy bản cũng đã được 20 năm rồi.

"Gia đình cũng mua thêm trúc non với người dân để làm nguyên liệu, trung bình mỗi tháng gia đình tôi thu được 20 triệu đồng từ việc làm giấy bản", bà Triệu Mùi Sao bộc bạch.

Cao Bằng: Có nghề này lo gì không thoát được nghèo - Ảnh 6.

Theo chị Lý Mùi Viện, giấy bản tại Yên Lạc chất lượng tốt, đảm bảo dai, bền.

Nhìn những súc giấy bản trên tay bà Triệu Mùi Sao, chị Lý Mùi Viện xã Tam Kim (huyện Nguyên Bình) bảo, giấy bản trên này dai, đẹp, giá cũng tốt nữa. Trung bình mỗi ngày tôi vào Yên Lạc một lần để lấy hàng.

"Đường lên Yên Lạc khá khó đi nên mỗi chuyến vào tôi chỉ chở được 70 súc giấy thôi. Mỗi súc giấy hiện tôi đang mua có giá 130.000đ. Giấy bản tôi đem về thị trấn hoặc xuống TP. Cao Bằng giao lại là chủ yếu", chị Viện nói.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Chàn Mình, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cho biết, ngoài việc bán cây trúc sào già, củ u tẩu, dong riềng… nhiều hộ dân trong xã còn tận dụng cây trúc non để làm giấy bản.

Địa phương có nghề làm giấy bản truyền thống. Việc làm giấy bản không những được bảo tồn mà còn phát huy rất hiệu quả, đem lại thu nhập cho người dân, góp phần trong việc giảm nghèo bền vững", Chủ tịch UBND xã Yên Lạc nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem