Dân Việt

Đà Nẵng tháo dỡ lồng bè nuôi cá bên vịnh Mân Quang: Phận người đằng sau những quyết định hành chính

Diệu Bình 11/07/2021 06:19 GMT+7
Câu chuyện tháo dỡ lồng bè nuôi cá bên vinh Mân Quang (TP Đà Nẵng) còn nhùng nhằng, người dân chấp nhận đánh cược trong cuộc chơi đầy may rủi. Người dân tiếp tục "bất đắc dĩ" bám sông kiếm bởi họ biết rằng, sẽ trắng tay nếu phải bỏ hết.

Chấp nhận rủi ro

Khi chúng tôi cập bè, ông Đặng Thành Long vẫn ngồi như tượng, mắt thất thần nhìn vào giấy quyết định xử phạt hành chính vừa nhận được từ phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). 

Quá trưa, đàn cá sủ vừa thả lồng vẫy đuôi đòi ăn, người đàn ông tóc điểm bạc không buồn đứng dậy. Cả đời bám mặt nước để mưu sinh, chưa khi nào người ta thấy ông Long lại dửng dưng đến thế.

"Mai đây thì còn lấy thứ gì để sống nữa", ông Long thở dài.

Nước mắt bênh vịnh Mân Quang - Ảnh 1.

Hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy sản tại vịnh Mân Quang (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Ảnh: D.B

Năm 1996, việc nuôi cá lồng bè khu vực vịnh Mân Quang, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà được hình thành. 

Ban đầu chỉ có vài hộ nuôi nghêu. Đến năm 2010, việc nuôi trồng thủy sản trên lồng bè được phát triển tại nhiều nơi nên các hộ dân cũng bắt đầu đầu tư nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, gia đình ông Long cũng nằm trong số ấy. 

Từ bao giờ, những chiếc bè bồng bềnh trên mặt nước với cá vẫy dưới sàn đã trở thành nguồn thu nhập chính của hơn trăm hộ ngư dân tại đây.

Gần chục năm bám vịnh, với ông Long, bè là nhà.

Như quy luật tự nhiên của khúc sông, việc nuôi cá bè không phải lúc nào cũng được suôn sẻ, đặc biệt là hai năm trở lại đây.

"Đầu năm 2020 tới nay, nhiều hộ nuôi thủy sản gặp khó do dịch Covid-19 hoành hành, lượng lớn cá nuôi còn tồn đọng, không xuất bán được và rớt giá. Thêm đợt mưa bão vào cuối năm ngoái nữa, bà con thua lỗ nặng", ông Long nói.

Nước mắt bênh vịnh Mân Quang - Ảnh 2.

Trước tác động về môi trường,UBND TP.Đà Nẵng có nhiều văn bản yêu cầu chấm dứt việc nuôi cá bằng lồng, bè trên các sông và vịnh Mân Quang. Ảnh: D.B

Cái nắng hè dội xuống khiến con đường mòn dẫn vào vịnh ngay ngáy mùi tanh. Nơi này, từng một thời chen chúc lồng bè nuôi cá. 

Người địa phương, dân tứ xứ mang theo cuộc sống mưu sinh cơm áo mà neo dòng. Cũng từ đó, mùa mưa trở thành "ác mộng" đối với người dân thả bè trên vịnh. Năm ngoái, cũng tại khu vực này, mưa lớn khiến nước tràn vào các lồng bè, cá chết, người dân bắt đầu bán tháo để vớt vát thiệt hại. 

Có hai lồng bè tại khu vực Mân Quang bị đứt neo, thả trôi, người dân tiếc của mà bám theo, người cùng bè vì thế mà lạc giữa dòng. Rất may, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng ứng cứu kịp thời.

Ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan…nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã vận động, tuyên truyền, thực hiện tháo dỡ lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép tại vịnh nhưng các hộ dân tại đây vẫn cố bám bè bởi họ "không còn đường nào để đi".

Nước mắt bênh vịnh Mân Quang - Ảnh 3.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn cố bám bè vì kế sinh nhai. Ảnh: D.B

Hơn chục năm sống nhờ cá lồng, số người giàu có chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng những mẻ cá thu hoạch cuối mùa cũng đủ để họ có ăn ngày ba bữa. 

Mười lăm tuổi, ông Huỳnh Cu đã biết kéo bè, giăng lồng lưới để nuôi cá. Ông không nhớ nổi mình gắn bó được bao lâu, nhưng ông biết cá lồng đã nuôi sống cả gia đình ông, nuôi lớn con cái ông.

"Dù biết việc nuôi trồng thủy sản tại vịnh hiện nay là không đúng với quy định của Nhà nước, lâu nay UBND phường Nại Hiên Đông và UBND phường Thọ Quang nhiều lần tổ chức các cuộc họp với người dân chúng tôi về việc yêu cầu tháo dỡ nhưng đây là nguồn sinh kế chủ yếu của gia đình chúng tôi, nếu nghỉ nuôi thì chúng tôi không biết phải mưu sinh bằng nghề gì?...", ông Cu giãi bày.

"Các hộ nuôi cá khu vực này đều là những người lớn tuổi và trình độ văn hóa thấp nên nếu không nuôi cá nữa, đi học nghề mới thì không biết khi nào có thể đi làm nuôi gia đình", ông Cu vừa nói vừa bày xấp đơn về các giải đáp, quyết định của chính quyền địa phương gửi đến.

Nước mắt bênh vịnh Mân Quang - Ảnh 4.

Ông Huỳnh Cu là một trong những hộ dân nuôi cá lồng bè tại vịnh Mân Quang. Ảnh: D.B

Cả đời bám bè, các hộ dân nơi đây hiểu hơn ai hết những mặt trái của nghề. Nhưng bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng, họ vẫn "nhắm mắt" xuống giống. 

Tương lai nào cho hàng trăm hộ dân nuôi lồng bè nuôi cá?

"Chúng tôi thiết tha mong thành phố sớm quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản để hàng trăm người dân nuôi cá lồng bè trái phép được nuôi hợp lý. Bởi hiện nay nhiều tỉnh, địa phương đã quy hoạch mặt nước, ban hành các quy chuẩn về lồng bè, cá nuôi trong lồng bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm…

Đây là cách khuyến khích sản xuất, phát huy lợi thế, tăng thu nhập cho người dân. Chúng tôi sẽ dỡ, chắc chắn dỡ. Chỉ mong chính quyền để bà con thu hoạch hết vụ, bán lồng bè nhằm thu hồi vốn đã bỏ ra. Tiền vay nợ nằm đây cả" chị Nguyễn Thị Thanh Ly lau nước mắt nói.

Nước mắt bênh vịnh Mân Quang - Ảnh 5.

Nguyễn Thị Thanh Ly lo lắng về tương lai sắp tới. Ảnh: D.B

Đằng sau kế sinh nhai cho bà con tại đây là rất nhiều hệ lụy. Chính quyền địa phương khẳng định, không thể phủ nhận một bộ phận người dân có thêm thu nhập, sống qua ngày là nhờ nuôi cá lồng bè. 

Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy hải sản trái phép vẫn còn ngổn ngang hệ lụy để lại mà việc giải quyết vẫn loay hoay, kéo dài từ nhiều năm đến nay.

Theo thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Đà Nẵng, tại Vịnh Mân Quang hiện có 484 lồng bè, 110 rò nghêu, 106 chòi canh, nhà tạm của 234 hộ nuôi trồng thủy sản các loại, chủ yếu là các loại như: cá, hàu, vẹm, nghêu, bợp bợp…

Trong đó, chủ yếu là người dân phường Thọ Quang có 128 hộ nuôi; phường Nại Hiên Đông có 109 hộ, hơn 200 khẩu là người dân địa phương mưu sinh bằng việc nuôi cá lồng bè.

Nước mắt bênh vịnh Mân Quang - Ảnh 6.

Đa số người dân nuôi cá lồng bè trái phép tại đây đều mong thành phố sớm quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản để ổn định đời sống. Ảnh: D.B

Thời gian qua, UBND TP Đà Nẵng có nhiều văn bản yêu cầu chấm dứt việc nuôi cá bằng lồng, bè trên các sông và vịnh Mân Quang để  bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị. 

Các phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang đều nhiều lần mời các hộ dân nuôi thủy sản trái phép gặp mặt, vận động các hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép tự tháo dỡ lồng bè. 

Chính quyền tiến hành cho các hộ ký cam kết không được thả con giống mới, không sửa chữa, làm mới và sang nhượng lồng bè. Khu vực quanh vịnh Mân Quang cũng sẽ được quy hoạch đầu tư dự án khu đô thị sinh thái. 

Nước mắt bênh vịnh Mân Quang - Ảnh 7.

Ngườin dân nuôi cá lồng bè trên vịnh Mân Quang.

Hai tuần qua, chính quyền địa phương đã ra quân cưỡng chế, tháo gỡ tất cả các lồng bè đang hoạt động tại Vịnh Mân Quang ở khu vực gần bờ.

 Ngoài ra, UBND quận Sơn Trà cũng ban hành 25 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 625 triệu đồng đối với các hộ nuôi trồng thủy sản trái phép tại vịnh Mân Quang. 

Nước mắt bênh vịnh Mân Quang - Ảnh 8.

Quyết định tháo dỡ lồng bè nuôi thủy sản trái phép tại vịnh Mân Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Ảnh: D.B

Trao đổi với Dân Việt, một lãnh đạo UBND quận Sơn Trà cho hay, việc quyết liệt tháo dỡ toàn bộ số lồng bè trên vịnh Mân Quang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận trong năm 2021. 

Việc nuôi trồng thủy sản của ngư dân đều tự phát, trái phép buộc phải tháo dỡ toàn bộ và sẽ không được hỗ trợ bất cứ nguồn kinh phí nào. Nhưng "bài toán" chuyển đổi ngành nghề, quy hoạch vùng nuôi phù hợp để người dân có thể tiếp tục mưu sinh, vị lãnh đạo này còn bỏ dở...