Phú Thọ: Chôn lợn bị dịch tả đầu nguồn nước, dân bức xúc phản đối

Ngô Hùng Thứ năm, ngày 05/09/2019 06:16 AM (GMT+7)
Trong 2 ngày mùng 2 và 3/9, hàng chục hộ dân ở khu 1, xã Cáo Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã tập trung phản đối việc chính quyền chôn lợn chết ở ngay đầu nguồn nước, gần nhà dân và gây ô nhiễm.
Bình luận 0

Đến xã Cáo Điền vào ngày 3/9, phóng viên ghi nhận nhiều bức xúc của người dân khi chính quyền xã và một số hộ dân không thực hiện việc tiêu hủy lợn đúng quy định.

img

Theo người dân, vị trí chôn lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở ngay đầu nguồn nước và gây ô nhiễm nặng nề.

Cụ thể, theo người dân, từ ngày 29/8 đến 1/9, tại khu 1 của xã đã xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi làm hàng chục con lợn bị chết, với tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy gần 2 tấn. Điều đáng nói ở đây là chính quyền xã và cơ quan chức năng của huyện Hạ Hòa đã cho tiêu hủy lợn bằng cách chôn lấp trên thửa ruộng cấy lúa và ngay gần cống thoát nước bên cạnh đường dân sinh.

Sau 2 ngày tiêu hủy, địa điểm chôn số lợn nhiễm bệnh có hiện tượng bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân xung quanh.

Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường, ngày 31/8, hàng chục người dân đã kéo đến khu vực tiêu hủy lợn, thể hiện sự băn khoăn về quy trình tiêu hủy lợn bệnh và hướng chỉ đạo, khắc phục hậu quả của địa phương.

img

Ngày 31/8, người dân thấy có mùi hôi thối bốc lên từ địa điểm chôn lợn nhiễm bệnh và băn khoăn về quy trình tiêu hủy lợn chết của chính quyền. 

"Vị trí tiêu hủy lợn bệnh ở cánh đồng và ngay gần cống thoát nước, nhà tôi ở cách đây không đáng bao xa, họ chôn ở đây thì nguồn nước sẽ chảy về phía đằng nhà tôi và các hộ xung quanh khác. Không những thế, mùi hôi thối nồng nặc ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Chúng tôi không hiểu quy trình tiêu hủy được thực hiện như thế nào mà máu lợn tràn lên cả mặt ruộng. Địa phương định rắc vôi bột, lấp đất lên để hạn chế mùi hôi thối, nhưng chúng tôi không đồng ý, đề nghị phải di chuyển toàn bộ số lợn chết sang vị trí khác", bà Trần Thị Chanh (khu 1, xã Cáo Điền) bức xúc.

Cùng chung nỗi bức xúc, ông Đoàn Văn Đức, khu 1, cho biết: Từ khi chính quyền cho đào hố chôn lợn chết ở khu ruộng cấy lúa và nơi có mạch nước chạy qua, nhiều người dân đã có ý kiến, tuy nhiên, việc này vẫn được thực hiện. Đến ngày thứ hai, từ hố chôn lợn mùi hôi thối bốc lên nồng nặc bay khắp các xóm xung quanh khiến chúng tôi mất ăn, mất ngủ.

Sau khi sự việc xảy ra, một số hộ đã có ý kiến phản ánh lên UBND xã, sau đó chính quyền cho xe tải chở đất đến đắp thêm vào hố chôn nhưng mùi hôi vẫn còn. Đặc biệt, người dân lo lắng việc nguồn bệnh sẽ hòa theo nguồn nước lan rộng ra các khu vực khác.

img

Bức xúc, hàng chục người dân đã tập trung để phản đối và yêu cầu chính quyền phải di chuyển số lợn chết này đi địa điểm khác, tránh gây ô nhiễm nguồn nước và không để bốc mùi hôi thối.

Bức xúc trước việc này, bắt đầu từ ngày 2/9, hàng chục người dân đã tập trung lại để phản đối. Thậm chí, ngay cả ban đêm, người dân cũng dựng bạt, cắt cử người trông nom ở gần hố chôn lợn.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Vi Tài, Chủ tịch UBND xã Cáo Điền cho biết: Khi xuất hiện tình trạng lợn chết do nhiễm dịch, chúng tôi đã tiến hành đưa lợn đi tiêu hủy mà chưa họp thống nhất vị trí với người dân. Xã đã bố trí địa điểm chôn lấp tại khu vực ruộng nhà ông Tôn hiện đang canh tác, khu vực này cách xa khu dân cư. Khi tổ chức đào hố chôn lấp, chúng tôi thực hiện đúng hướng dẫn về độ sâu, chiều rộng, có lót bạt, rắc vôi và lấp đất... Song, sự cố đáng tiếc vẫn xảy ra do ảnh hưởng của cơn bão số 4, mưa nhiều nên ruộng úng nước.

Đây là lần đầu tiên địa phương thực hiện tiêu hủy lợn, khi đào hố chôn lấp, ruộng rất khô ráo nên không lường hết sự cố xảy ra. Ngay sau khi phát hiện sự việc, địa phương đã chỉ đạo lấp đất lên trên, song, nhân dân cản trở, không cho làm và đề nghị phải di chuyển lợn chết đến địa điểm khác.

Cũng theo ông Tài, số lợn chết được chôn ở đây không phải hàng chục con, mà chỉ có 2 con lợn nái và 4 con lợn con. Đây là số lợn chết do dịch tả lợn châu Phi của 2 hộ gia đình nhà ông Trịnh Xuân Tố và Nguyễn Bình Lương ở khu 1.

img

Thậm chí vào ban đêm, người dân cũng cắt cử người để trông nom khu vực chôn lợn chết. Ảnh CTV

Trước sự việc người dân tụ tập đông người phản đối, lãnh đạo huyện Hạ Hòa đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo địa phương hướng giải quyết cụ thể, đảm bảo xử lý dứt điểm vụ việc. Ngay trong ngày 3/9, nhiều lực lượng và phương tiện đã được huy động đến để di chuyển toàn bộ số lợn chết đang chôn lấp ở cánh đồng lên khu vực đồi, gò cao ráo hơn. Tại đây, các quy trình chôn lấp được thực hiện bài bản, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh.

Qua sự việc trên cho thấy, công tác chỉ đạo, hướng dẫn tiêu hủy lợn bệnh cần được chính quyền địa phương quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa, nhất là việc quy hoạch, lựa chọn địa điểm phù hợp. Trong khi việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, thì việc tiêu hủy lợn bệnh cần phải tiến hành thận trọng hơn, tránh vội vã, qua loa, bởi như vậy sẽ làm gia tăng các nguy cơ lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem