Dân Việt

Long An: Vì sao nhà cổ Trăm cột hơn 100 tuổi là của tư nhân mà nhà nước lại bỏ tiền ra trùng tu?

Quế Lâm 27/07/2021 18:45 GMT+7
Trải qua hơn 100 năm, nhà Trăm Cột (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) vẫn là một địa chỉ thu hút du khách đến tham quan. Mọi người đều tỏ ra thích thú khi được tham quan ngôi nhà cổ nổi tiếng của Cần Đước.

Trong ngôi nhà cổ kính, trầm mặc, bà Trần Thị Ngỏ - chủ nhà, vui vẻ pha ấm trà mời khách.

Long An: Vì sao nhà cổ Trăm cột hơn 100 tuổi là của tư nhân mà nhà nước lại bỏ tiền ra trùng tu? - Ảnh 1.

Nhà cổ Trăm cột ở xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Bà mở hết cửa, bật đèn trong nhà và chia sẻ: “Nhà này của ông nội tôi xây, được chạm khắc tinh xảo. Gọi là nhà trăm cột nhưng nhà có 120 cột. Bao nhiêu năm rồi, nhà vẫn nguyên vẹn, không hề hư hỏng, không bị chiến tranh tàn phá”.

Long An: Vì sao nhà cổ Trăm cột hơn 100 tuổi là của tư nhân mà nhà nước lại bỏ tiền ra trùng tu? - Ảnh 2.

Hầu như ngày nào cũng có khách đến tham quan nhà Trăm cột.

Nhà Trăm cột được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, trở thành địa điểm được nhiều du khách ghé thăm.

Nhà Trăm cột thu hút không chỉ vì tên gọi mà còn vì kiến trúc đặc biệt của căn nhà rường xứ Huế giữa đất Nam bộ. 

Nhìn trên bình đồ nhà có hình chữ Công, kết cấu nhà rường (xuyên trính) 3 gian, 2 chái, được xây dựng vào đầu những năm 1900. 

Riêng phần chạm khắc trong nhà do nhóm thợ nổi tiếng tài hoa thực hiện.

Nhà Trăm cột được xem là kho tư liệu phong phú, sinh động cho việc nghiên cứu loại hình nghệ thuật điêu khắc. 

Từ kỹ thuật chạm đến cách trình bày cũng như bố cục đều hết sức sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách Huế, Nam bộ và mỹ thuật phương Tây. 

Xen lẫn giữa các hình trái cây của địa phương miền Tây như mãng cầu xiêm, măng cụt,... là các hình chạm khắc mang văn hóa phương Tây như hoa hồng, con sóc và chùm nho vô cùng hài hòa.

Để thực hiện được các hoa văn trên, nhóm thợ phải bắc thang chạm trực tiếp trên gỗ.

Long An: Vì sao nhà cổ Trăm cột hơn 100 tuổi là của tư nhân mà nhà nước lại bỏ tiền ra trùng tu? - Ảnh 3.

Xen lẫn giữa các hình trái cây của địa phương miền Tây như mãng cầu xiêm, măng cụt,... là các hình chạm khắc mang văn hóa phương Tây như hoa hồng, con sóc và chùm nho vô cùng hài hòa.

Trải qua hàng trăm năm nhưng hệ thống kèo, cột trong nhà vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Hàng cột gỗ sau bao năm đã “lên nước” trơn bóng. 

Nền nhà lót bằng gạch tàu lục giác vẫn vẹn nguyên như cũ. Bà Ngỏ cho biết, ngôi nhà đã được trùng tu 1 lần bằng ngân sách nhà nước. Hiện tại, gia đình ngăn ngừa mối mọt để bảo quản nhà được tốt nhất.

Nhà đang có người sinh sống nên giữa không gian cổ kính vẫn xen lẫn nét hiện đại với những dây đèn màu trang trí bàn thờ, những khung ảnh cưới, ảnh gia đình treo quanh nhà, vài chậu kiểng trước nhà cũng là loại cây kiểng quen thuộc, thông dụng ở các gia đình hiện nay. 

Tất cả những điều đó khiến ngôi nhà có thêm sinh khí, tạo một nét riêng cho di tích nhà Trăm cột so với các nhà cổ khác.

100 năm qua, nhà Trăm cột vẫn vẹn nguyên, trầm mặc, được con, cháu trong dòng họ giữ gìn để thế hệ sau có thể chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đặc trưng, nổi bật ở địa phương. Nếu có dịp về Cần Đước, nhà Trăm cột là một địa điểm nhất định phải đến một lần.