Long An: Loài cây mọc dại trước chỉ mong bỏ đi thật nhanh mà giờ làm cách này ai cũng thích mà lại có tiền
Long An: Loài cây mọc dại trước chỉ mong bỏ đi thật nhanh mà giờ làm cách này ai cũng thích mà lại có tiền
Thứ ba, ngày 08/06/2021 19:05 PM (GMT+7)
Tận dụng lục bình trên các kênh, rạch, sông ngòi ở khu vực Đồng Tháp Mười, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) đã “hô biến” lục bình thành phân hữu cơ, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và hướng đến nền nông nghiệp sạch.
Vĩnh Hưng là một trong những địa phương lục bình sinh sôi nảy nở rất nhanh dẫn đến ngăn cản dòng chảy, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy và ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu. Trước tình trạng này, nhiều địa phương tập trung diệt lục bình bằng nhiều giải pháp từ thủ công đến máy móc. Chung tay cùng chính quyền địa phương giải quyết vấn nạn lục bình, đồng thời giảm chi phí sản xuất cho nông dân, hướng đến nền nông nghiệp sạch, HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm tiến hành nghiên cứu để biến lục bình thành phân bón hữu cơ.
Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm - Bùi Văn Tuấn cho biết: “Mỗi năm, HTX phải nhập gần 200 tấn phân bón hữu cơ với giá khoảng 6.000 đồng/kg. Thấy vậy, năm 2020, HTX bắt đầu nghiên cứu làm phân hữu cơ từ cây lục bình. Ban đầu khi sản xuất phân hữu cơ từ lục bình, nhiều thành viên không dám sử dụng vào sản xuất, sợ không đạt chất lượng sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Trước tình hình này, Ban Giám đốc HTX vận động các thành viên nòng cốt sử dụng bón thử trên các loại cây trồng xung quanh nhà. Sau thời gian sử dụng và nghiên cứu, nhiều nông dân đánh giá phân hữu cơ làm từ cây lục bình do HTX sản xuất chất lượng rất tốt, nhất là giá thành thấp. Đến nay, HTX sản xuất đại trà cung cấp phân hữu cơ cho trên 150ha lúa của các thành viên”.
Để làm ra phân hữu cơ từ cây lục bình phải trải qua nhiều công đoạn như vớt lục bình lên, xay nhuyễn. Sau đó, đem lục bình ủ từ 15-21 ngày; phơi lục bình trong kho sao cho không quá nóng, vì nóng quá sẽ chết các loại vi sinh và làm giảm độ đạm; bổ sung thêm đạm cá, phân gà, kẽm, lân; cuối cùng đem ép thành viên và đóng gói. Được biết, để làm ra 1kg phân hữu cơ cần 10kg lục bình tươi. Hiện nay, HTX thu mua lục bình tươi từ nông dân với giá 2.500-3.500 đồng/10kg.
Anh Nguyễn Thái Hòa (thành viên HTX) cho biết: “Sau thời gian sử dụng cho trên 35ha lúa, gia đình tôi nhận thấy phân bón hữu cơ từ lục bình có tác dụng phục hồi đất, làm giàu hệ sinh vật, hạn chế bệnh hại trên cây trồng, vì trong phân hữu cơ từ lục bình có chứa lượng lớn vi sinh vật có ích. Đặc biệt, giá phân hữu cơ từ HTX bán cho thành viên thấp hơn so với bên ngoài từ 30-40%, góp phần giúp thành viên giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác”.
Khi chất lượng phân bón hữu cơ từ cây lục bình được khẳng định cũng là lúc HTX băn khoăn về trang thiết bị sản xuất phân hữu cơ, bởi thực tế hiện nay, HTX chỉ có 1 máy nén viên với công suất thấp, trong khi đó nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ của HTX rất lớn, không đủ đáp ứng cho các thành viên. Anh Bùi Văn Tuấn cho biết thêm: “Nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ từ lục bình thì HTX không sợ thiếu nhưng lo lắng nhất là trang thiết bị. Bởi hiện nay, HTX chỉ có thể sản xuất phục vụ khoảng 200ha, còn nhiều hơn nữa phải đầu tư thêm trang thiết bị và vốn ban đầu để thu mua lục bình tươi từ nông dân về ủ. Hy vọng thời gian tới, HTX sẽ nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, góp phần cho việc sản xuất phân hữu cơ phát triển rộng rãi ra thị trường”.
Bằng sự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm, HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm không chỉ giải quyết một phần vấn nạn lục bình mà còn góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho thành viên, nhất là tạo thói quen sản xuất sạch, an toàn, tăng sức cạnh tranh của ngành lúa gạo trên thị trường./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.