Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã xử phạt hành chính nghiêm khắc, áp dụng mạnh mẽ việc đình chỉ hoạt động đối với hàng chục hộ kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất giấy ở phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du.
Với động thái mạnh mẽ, quyết liệt này, các cơ sở sản xuất giấy ở phường Phong Khê và cụm công nghiệp Phú Lâm đã ý thức đầu tư tiền tỷ xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Đáng chú ý, nhiều cơ sở làm nhà máy trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi, đất cây xanh... cũng đã đầu tư xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải (3-5 cơ sở làm chung một hệ thống xử lý). Vấn đề đặt ra là những cơ sở sản xuất giấy vi phạm về đất đai có được phép tồn tại hay phải đóng cửa?
Qua rà soát, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh hiện có 297 cơ sở sản xuất, kinh doanh giấy đang hoạt động. Trong đó, có 70 cơ sở hoạt động tại cụm công nghiệp Phong Khê I, 48 cơ sở hoạt động tại cụm công nghiệp Phong Khê II, 179 cơ sở nằm trong khu dân cư, trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi và đất cây xanh…
Riêng số cơ sở, nhà máy giấy xây dựng trên đất nông nghiệp, đất cây xanh và đất thủy lợi là 97 cơ sở. Một trong giải pháp tỉnh Bắc Ninh đưa ra để xử lý đối với các cơ sở sản xuất giấy tại phường Phong Khê xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là ngừng cung cấp điện, thời gian xong trước 30/8/2021.
Trong tháng 6/2021, UBND thành phố Bắc Ninh cùng Công ty Điện lực Bắc Ninh và các cơ quan, đơn vị liên quan đã ngừng cung cấp điện đối với 14 cơ sở sản xuất giấy xây dựng nhà máy trái phép trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi, đất cây xanh.
Đối với những cơ sở chưa thực hiện xử lý theo việc cắt điện, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu để rút giấy phép đầu tư, rút giấy phép kinh doanh.
"Rút giấy phép kinh doanh là hình thức có thể nói mạnh mẽ nhất đối với doanh nghiệp" - ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh Bắc Ninh diễn ra ngày 18/6.
Tuy nhiên, việc quyết định đóng cửa các cơ sở sản xuất giấy sử dụng đất sai mục đích hay tạo điều kiện cho phép các cơ sở này tiếp tục tồn tại lại chưa được thể hiện rõ ràng. Chính vì thế, nhiều cơ sở sản xuất giấy vi phạm về đất đai đã đầu tư xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải với mong muốn được cho phép hoạt động trở lại.
Đã hơn 2 tháng qua, ông Nguyễn Văn Trang, chủ cơ sở sản xuất giấy Vương Cường (phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh) tự giác dừng hoạt động sản xuất để đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Do chi phí đầu tư lớn, khoảng hơn 3 tỷ đồng, nên ông Trang và 3 cơ sở sản xuất giấy nằm gần nhau cùng đầu tư xây dựng chung một hệ thống xử lý nước thải. Dự kiến, đến ngày 10/8, hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn này sẽ hoàn thành.
"Nay mai đi vào hoạt động không có nước xả thải ra ngoài mà toàn bộ nước qua hệ thống xử lý được thu hồi để tận dụng, sử dụng tiếp" – ông Trang nói và mong muốn tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện tháo gỡ để cơ sở sớm hoạt động trở lại.
Theo ông Trang, hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn này được xây dựng trên mảnh đất rộng 2.000m3, trong đó có 1.600m3 đất sử dụng lâu dài của nhà ông Trang. Trong khi đó, 3 cơ sở sản xuất giấy cùng tham gia đầu tư hệ thống xử lý nước thải với ông Trang nằm đất nông nghiệp.
Ông Ngô Văn Tiến, chủ cơ sở sản xuất giấy Tiến Tú – người góp vốn chung với ông Trang cho biết, dù nhà máy làm trên đất nông nghiệp nhưng vẫn phải cố gắng góp vốn để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với mong muốn tỉnh Bắc Ninh, các sở, ngành và thành phố Bắc Ninh tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Với công suất 20 tấn/ngày đêm, dây chuyền sản xuất giấy của gia đình ông Tiến tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động với mức thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng. Để xây dựng nhà máy này, gia đình ông Tiến đã phải vay mượn ngân hàng, đầu tư khoảng 15-20 tỷ đồng.
Cách đó không xa, hệ thống xử lý nước thải của gia đình ông Ngô Văn Phương cũng đã hoàn thành với giá trị khoảng 1 tỷ đồng. Toàn bộ nhà xưởng, dây chuyền và hệ thống xử lý nước thải của gia đình ông Phương đều nằm trên đất nông nghiệp.
Theo ông Phương, do việc sản xuất giấy của gia đình ở trong nhà chật chội quá trong khi đất nông nghiệp không sử dụng được vì cấy lúa mùa không thì không có nước, mùa mưa thì ngập. Vì thế, bà con trong làng nghề Phong Khê cứ tự phát xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, đến nay đã được hơn chục năm.
Liên quan đến việc xử lý các cơ sở sản xuất giấy vi phạm về đất đai, trong thông báo kết luận số 81/TB-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp giao ban lãnh đạo UBND tỉnh ngày 29/7, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao các sở, ngành và địa phương liên quan tham mưu, đề xuất quan điểm, chủ trương xử lý, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh, trước ngày 5/8/2021.
Ngày 6/8, trao đổi với Dân việt về vấn đề này, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, Sở đã chủ trì họp với các sở, ngành và địa phương liên quan cho ý kiến đề xuất quan điểm, chủ trương xử lý đối với các cơ sở sản xuất xen kẹt trong khu dân cư và các cơ sở xây dựng trái phép, lấn, chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích. Tuy nhiên, tại cuộc họp, các đơn vị chưa thống nhất và chốt được phương án xử lý cuối cùng.
Trong chương trình công tác tháng 8/2021, UBND tỉnh giao Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND thành phố Bắc Ninh và UBND huyện Tiên Du thực hiện kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất trên địa bàn phường Phong Khê và cụm công nghiệp Phú Lâm với tiêu chí “các cơ sở sản xuất giấy có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và đặc biệt là các quy định của pháp luật về môi trường thì mới được phép hoạt động, các trường hợp khác cấm không cho phép hoạt động”, thực hiện xong trong tháng 8/2021.
Hiện đang có 3 phương án để ngỏ để xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai ở phường Phong Khê, đó là: Đóng cửa toàn bộ các cơ sở; Đóng cửa các cơ sở lấn chiếm đất nông nghiệp và đất thủy lợi và cho phép các cơ sở trong khu dân cư hoạt động theo lộ trình đến 30/12/2024; Cho phép các cơ sở thuộc nhóm này được tồn tại hoạt động theo lộ trình đến 30/12/2024.
Trong chương trình công tác tháng 8/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND thành phố Bắc Ninh và UBND huyện Tiên Du thực hiện kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất trên địa bàn phường Phong Khê và cụm công nghiệp Phú Lâm.
UBND tỉnh Bắc Ninh đưa ra thông điệp "cứng rắn", đó là: các cơ sở sản xuất giấy có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và đặc biệt là các quy định của pháp luật về môi trường thì mới được phép hoạt động, các trường hợp khác cấm không cho phép hoạt động, thực hiện xong trong tháng 8/2021.
Cùng với đó, UBND tỉnh giao các sở, ngành và địa phương liên quan lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt theo thẩm quyền, từng đợt 10 ngày một. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ kiểm điểm người đứng đầu các cơ quan trên nếu không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.
Báo điện tử DANVIET.VN sẽ tiếp tục thông tin về quan điểm, chủ trương xử lý đối với các cơ sở sản xuất xen kẹt trong khu dân cư và các cơ sở xây dựng trái phép, lấn, chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích ở phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.