Tỉnh Bắc Ninh ra "tối hậu thư" cho làng giấy Phong Khê, Phú Lâm: Không xử lý môi trường thì đóng cửa

Khương Lực Thứ bảy, ngày 08/05/2021 09:45 AM (GMT+7)
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất giấy trên địa bàn xã Phú Lâm (Tiên Du) và phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) đang đứng trước hai lựa chọn: Muốn tiếp tục hoạt động thì phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí khải đạt tiêu chuẩn; nếu không sẽ bị xử phạt nặng kèm chế tài bổ sung là đình chỉ hoạt động.
Bình luận 0

Ghi nhận của phóng viên DANVIET.VN từ cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du) và phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nơi đây đang dần được cải thiện. Một số doanh nghiệp giấy, hộ kinh doanh đã tạm dừng hoạt động hoặc hạn chế sản xuất để giảm xả nước thải, khí thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Bắc Ninh: Doanh nghiệp giấy Phú Lâm, Phong Khê hết thời kiếm lợi nhuận kếch xù từ xả thải độc hại ra môi trường - Ảnh 1.

Trao đổi với DANVIET.VN, ông Trương Minh Việt - bố Giám đốc Công ty TNHH Viphaco Trương Minh Nam như thấy "ngấm đòn" xử phạt vi phạm hành chính khi bị phạt nặng tới 695 triệu đồng và đình chỉ sản xuất 9 tháng.

Bị phạt vẫn nghĩ mình bị 'làm điểm"

Lần đầu tiên tỉnh Bắc Ninh đã có những động thái mạnh, cứng rắn như "tối hậu thư" đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất giấy trên địa bàn phường Phong Khê và xã Phú Lâm. Đó là việc tháo dỡ toàn bộ đường ống xả thải trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê và các đường ống lấy nước mặt trái phép từ đập Phú Lâm (Tiên Du).

Bắc Ninh: Doanh nghiệp giấy Phú Lâm, Phong Khê hết thời kiếm lợi nhuận kếch xù từ xả thải độc hại ra môi trường - Ảnh 2.

 

Bắc Ninh: Doanh nghiệp giấy Phú Lâm, Phong Khê hết thời kiếm lợi nhuận kếch xù từ xả thải độc hại ra môi trường - Ảnh 3.

Tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo lực lượng chắc năng cắt bỏ và tháo dỡ toàn bộ đường ống lấy nước mặt trái phép từ đập Phú Lâm (Tiên Du)

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký quyết định xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động 9 tháng đối với 6 đơn vị là hộ kinh doanh, công ty sản xuất giấy ở Phong khê do không có báo cáo đánh giá tác động về môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra ngoài môi trường.

Cụ thể, Công ty TNHH Viphaco sản xuất giấy Kraft bị phạt 695 triệu đồng. Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thoa bị phạt 275 triệu đồng. Hộ kinh doanh Nguyễn Bá Chứ bị phạt 275 triệu đồng. Hộ kinh doanh Nguyễn Trọng Sơn bị xử phạt 275 triệu đồng. Hộ kinh doanh Nguyễn Trọng Du bị phạt 362,5 triệu đồng. Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoàn bị phạt 347,5 triệu đồng.

Tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các công ty và các hộ kinh doanh phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt và báo cáo kết quả khắc phục hậu quả vi phạm về UBND tỉnh Bắc Ninh.

Đối với cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải và khí thải (trừ trường hợp mua hơi thương phẩm) thì bị đình chỉ hoạt động đến khi thực hiện xong việc vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn, thời gian xong trước ngày 30/5/2021, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, trước ngày 5/5/2021.

Thông báo kết luận số 43/TB-UBND của Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn tại buổi làm việc vè xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh.

Có mặt tại sơ sở đang bị đình chỉ sản xuất 9 tháng, ông Trương Minh Việt - bố Giám đốc Công ty TNHH Viphaco Trương Minh Nam như thấy "ngấm đòn" xử phạt vi phạm hành chính. Thấy cảnh công nhân xuống lấy tiền công đang tụm lại trong khi dây chuyền sản xuất bị "đắp chiếu", ông lại càng thấy nóng ruột hơn.

Ông Việt chia sẻ, sự cạnh tranh trong sản xuất giấy ở Phong Khê hiện nay rất lớn. Để tránh bị các doanh nghiệp lớn trong cụm công nghiệp giấy Phong Khê 1 và Phong Khê 2 "đè bẹp", gia đình ông đã phải vay ngân hàng tổng số 40 tỷ đồng để xây dựng, mở rộng sản xuất. Nay nhà máy đóng cửa, đã làm xáo trộn rất lớn đến việc làm ăn, kinh doanh.

Chính vì thế, ông Việt cho biết, gia đình ông đang chuẩn bị đầu tư xây dựng khu bể chứa và hệ thống hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn -  nước được tái sử dụng, không thải ra môi trường. Khi hệ thống hoàn thiện, ông mong các cấp chính quyền sớm cho phép nhà máy hoạt động trở lại.

Quan sát tại cơ sở sản xuất của công ty ông Việt, chúng tôi nhận thấy dù xưởng sản xuất rộng tới cả nghìn m2 nhưng công ty này không hề bố trí, xây dựng một m2 bể chứa để chứa chất thải, toàn bộ nước thải bao năm qua đều được xả thẳng ra kênh mương gần đó (bằng chứng là đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt).

Nói về việc quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ông Việt cho biết, từ xưa đến nay các khu sản xuất giấy ở Phong Khê, ai cũng thải ra môi trường. "Chẳng qua tôi nghĩ chắc tỉnh cũng làm điểm thôi, chứ trong đấy (các cơ sở sản xuất trong khu dân cư và cụm công nghiệp Phong Khê 1 và Phong Khê 2 - PV)  thải ra một ngày 500m3 thì ngoài này chỉ có mấy chục m3  vì công suất nhỏ" - ông Việt nói.

Điều ông Việt và nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tái chế giấy mong muốn là sự công bằng, minh bạch trong xử lý vi phạm hành chính. Bất cứ trường hợp nào vi phạm cũng phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đầu tư hệ thống xử lý nước, khí thải đạt chuẩn hoặc đóng cửa

Những yêu cầu "rắn" được nêu ra trong thông báo kết luận số 43/TB-UBND ngày 28/4/2021 của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - ông Vương Quốc Tuấn khiến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh giấy ở Phong Khê và Phú Lâm phải chọn lựa một trong hai phương án: Đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí khải đạt tiêu chuẩn hoặc dừng sản xuất.

Bắc Ninh: Doanh nghiệp giấy Phú Lâm, Phong Khê hết thời kiếm lợi nhuận kếch xù từ xả thải độc hại ra môi trường - Ảnh 5.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh giấy ở Phong Khê và Phú Lâm phải chọn lựa một trong hai phương án: đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí khải đạt tiêu chuẩn hoặc dừng sản xuất.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thanh, Giám đốc Sở Tài Nguyên và môi trường tỉnh Bắc cho biết, khu vực làng nghề giấy Phong Khê có 167 cơ sở sản xuất. Trong cụm công nghiệp Phong Khê 1 và Phong Khê 2 có 123 cơ sở.Tính đến thời điểm hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh đã cấp được 79 phê duyệt đánh giá tác động môi trường, trong đó mới có 6 cơ sở thực hiện xây dựng hệ thống công trình bảo vệ môi trường, còn lại chưa làm.

Trong khi đó, theo báo cáo của UBND thành phố Bắc Ninh, phần lớn nước thải không được qua xử lý mà xả trực tiếp ra hệ thống công trình thủy lợi (sông Ngũ Huyện Khê, kênh tiêu Vạn An, hệ thống thoát nước thải nội đồng và sinh hoạt...).

Đối với cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du), toàn cụm có khoảng 30 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động sản xuất tái chế giấy các loại với tổng lượng nước phát sinh khoảng 4.000m3/ngày đêm. Thế nhưng, hiện nay mới có khoảng 5 doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Các doanh nghiệp ở Phong Khê sản xuất giấy vô hình chung lấy môi trường, lấy việc xử lý môi trường làm lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hà, Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh

Trước việc xả thải trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê và các công trình thủy lợi gây ô nhiễm nghiêm trọng, ông Nguyễn Đại Đồng, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đã nghiêm cấm các cơ sở sản xuất có hành vi xả nước thải, khí thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Hiện các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh giấy ở cụm công nghiệp Phú Lâm đang cam kết với Chủ tịch UBND huyện Tiên Du tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải, tuần hoàn nước thải trong sản xuất để hạn chế tối đa lượng nước thải phát sinh thải ra môi trường trong thời gian sớm nhất (khoảng 3 tháng).

Là một doanh nghiệp lớn, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, ông Lương Quốc Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giấy và Bao bì Phú Giang cho biết, chi phí đầu tư một dây chuyền xử lý nước thải rất lớn, từ 20-30 tỷ đồng. 

"Các doanh nghiệp bây giờ bỏ ra 20-30 tỷ đồng, bằng cả một dây chuyền, không đời nào người ta cố gắng đầu tư" - ông Toản nói và cho biết chi phí điện, nhân công, hóa chất để xử lý 1 tấn giấy vào khoảng 800.000 đồng nữa. 

Chính vì thế, để tạo sự công bằng và tránh bất công, ông Toản đề xuất khi doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì phải lắp đặt hệ thống giám sát online gửi toàn bộ quy trình vận hành về Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính minh bạch trong vận hành.

Người dân và dư luận đang trông chờ những hành động quyết liệt tiếp theo của các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh để sớm phá vỡ "tảng băng chìm" trong vi phạm nghiêm trọng về xả nước thải, khí thải ở Phú Lâm và Phong Khê ra môi trường.

Báo điện tử DANVIET.VN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này cũng như việc lập lại trật tự về an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy và xử lý nghiêm những trường hợp xây dựng nhà máy sản xuất giấy trái phép trên đất nông nghiệp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem