Ô nhiễm tại làng giấy Phong Khê: Người dân Bắc Giang bức xúc vì nước sông Cầu tiếp tục bị ô nhiễm

Ngọc Lê- Khương Lực Thứ hai, ngày 03/05/2021 22:22 PM (GMT+7)
Sau gần 1 tuần lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đồng loạt ra các tuyên bố cứng rắn xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở 2 làng nghề sản xuất giấy Phong Khê (TP Bắc Ninh) và Phú Lâm (Tiên Du), đến ngày 2/5 theo phản ánh của người dân huyện Việt Yên (Bắc Giang), nước sông Cầu vẫn ô nhiễm nặng...
Bình luận 0

Cụ thể, theo Báo Bắc Giang điện tử: Theo phản ánh của người dân, thời điểm này (ngày 2 và 3/5). nước sông Cầu, đoạn chảy qua địa bàn xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) dài hàng km có màu đen đục, đang bị ô nhiễm, bốc mùi hôi tanh nồng nặc.

Ô nhiễm tại làng giấy Phong Khê: Người dân Bắc Giang bức xúc vì nước sông Cầu tiếp tục bị ô nhiễm - Ảnh 1.

Nước sông Cầu, đoạn chảy qua địa bàn xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) dài hàng km có màu đen đục, đang bị ô nhiễm, bốc mùi hôi tanh nồng nặc chụp sáng 3/5. Ảnh: Báo Bắc Giang

Trả lời trên Báo Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Chiến- Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết: "Nguyên nhân của tình trạng trên là do ngày 2/5, tại khu vực cống xả Vạn An, thuộc tỉnh Bắc Ninh đã xả nước ra sông cầu với lưu lượng lớn, có màu đen lẫn hồng. Đến sáng 3/5, người dân ở các thôn trong xã đều bức xúc và lo lắng vì nước nước sông Cầu đen sẫm, nhất là các hộ đang sinh sống trên sông".

Được biết, cuối năm 2020 và những tháng đầu năm nay, nước sông Cầu chảy qua địa bàn huyện Việt Yên từng bị ô nhiễm tương tự như trên. Nguyên nhân là do nguồn nước thải của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh Bắc Ninh xả ra qua cống tiêu và trạm bơm chảy ra sông Cầu. Người dân tại xã Vân Hà từng phải mua nước sinh hoạt vì các doanh nghiệp cung cấp nước trên địa bàn phải tạm dừng lấy nước sông do ô nhiễm.

Ô nhiễm tại làng giấy Phong Khê: Người dân Bắc Giang bức xúc vì nước sông Cầu tiếp tục bị ô nhiễm - Ảnh 3.

Một đoạn sông Ngũ Huyện Khê ô nhiễm nồng nặc do các làng nghề giấy Phong Khê, Phú Lâm xả thải thẳng ra đây. Nước đọng tại đây, sau khi Công ty KTCT Thủy lợi Bắc Đuống mở cửa đập Phú Lâm đoạn thượng lưu sông sẽ cuốn theo nước thải tại đây hòa với nguồn nước từ phía trên sông Ngũ Huyện Khê đổ qua cống Vạn An ra sông Cầu và gây ô nhiễm nghiêm trọng cho lưu vực sông Cầu.

UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên. Tuy nhiên, đến nay nước sông Cầu vẫn bị ô nhiễm.

Lý giải về việc xả nước (tại buổi làm việc ngày 28/4), ông Nguyễn Văn Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống thanh minh: "Chúng tôi không sản xuất thì gây ra ô nhiễm thế nào được".

Để dẫn chứng, ông Ty đưa ra hình ảnh đối lập, khác nhau hoàn toàn về nước ở thượng lưu và hạ lưu tại đập điều tiết Phú Lâm: Bên thượng lưu cá bơi tung tăng, nước trong xanh có chỗ nhìn thấy cả đáy; bên hạ lưu nước đen đặc, nổi váng dày đặc, không một sinh vật nào sống nổi.

Và chính nguồn nước ô nhiễm hạ nguồn đập điều tiết Phú Lâm trên sông Ngũ Huyện Khê đang khiến công ty của ông Ty rơi vào thế khó: Khi sông Ngũ Huyện Khê thừa nước, nếu không bơm, tháo ra sông Cầu thì sẽ gây nhập úng lúa cục bộ và ảnh hưởng đến dân sinh. Thế nhưng, nếu bơm xả ra sông Cầu thì lại ảnh hưởng đến nguồn nước sạch của thành phố và các hộ nuôi cá lồng bè trên sông.

Trước đó, ngày 29/4, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn triển khai loạt biện pháp mạnh tay nhằm xử lý vấn nạn ô nhiễm do tình trạng xả thải vừa bãi từ hơn 320 cơ sở sản xuất giấy ở Phong Khê, Phú Lâm không qua xử lý ra sông Ngũ Huyện Khê. Trong đó, đình điểm là ngày 29/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định xử phạt hơn 2,5 tỷ đồng, đình chỉ sản xuất 9 tháng đối với 6 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy ở Phong Khê.

Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng giao UBND thành phố Bắc Ninh thành lập đoàn công tác thực hiện các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của UBND tỉnh Bắc Ninh, trong đó có nội dung đình chỉ hoạt động đối với 6 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy tại khu Châm Khê, phường Phong Khê.

Ô nhiễm tại làng giấy Phong Khê: Người dân Bắc Giang bức xúc vì nước sông Cầu tiếp tục bị ô nhiễm - Ảnh 5.

Bên trong cơ sở sản xuất của Công ty Viphaco. Đây là 1 trong 6 cơ sở bị buộc đình chỉ sản xuất 9 tháng do xả nước thải không qua xử lý ra sông Ngũ Huyện Khê.

Đoàn công tác có nhiệm vụ thực hiện các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của UBND tỉnh Bắc Ninh, trong đó có nội dung đình chỉ hoạt động đối với 6 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy tại khu Châm Khê, phường Phong Khê.

Trao đổi với DANVIET.VN, ông Nguyễn Song Hà, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh cho biết, việc xử lý vi phạm về ô nhiễm môi trường trước đây có hạn chế là không có thẩm quyền đình chỉ sản xuất. Để khắc phục, UBND thành phố Bắc Ninh đã báo cáo tỉnh những biện pháp mạnh và đã được tỉnh đồng thuận, ủng hộ cao, xử lý nghiêm các vi phạm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường Phong Khê.

Theo ông Hà, sau khi có các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có biện pháp bổ sung là đình chỉ sản xuất 6 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thành phố đã triển khai ngay. 

"Trong sáng ngày 30/4, đoàn công tác của thành phố Bắc Ninh đã niêm phong 6 cơ sở sản xuất giấy vi phạm và yêu cầu không sản xuất nữa. Các đơn vị đã dừng sản xuất"- ông Hà nói.

Thế nhưng, đó mới chỉ là kết quả bước đầu. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của thành phố Bắc Ninh sẽ tiếp tục kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm để xem xét, xử lý các vi phạm, đặc biệt là các vi phạm về xả nước thải, khí thải không đạt chuẩn ra môi trường, hay sản xuất giấy trái phép trên đất nông nghiệp.

Một nội dung quan trọng được Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn giao UBND thành phố Bắc Ninh là rà soát tát cả các cơ sở sản xuất giấy tại phường Phong Khê sử dụng nước ngầm chưa được cấp phép; tổ chức tháo dỡ các công trình này bổ sung vào hồ sơ đình chỉ sản xuất, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hà, Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê cho biết, từ khi cắt bỏ 11 đường ống khai thác nước mặt trái phép từ đập Phú Lâm (Tiên Du), đến nay gần như 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất giấy trên địa bàn sử dụng nước ngầm.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem