Dân Việt

TP.HCM: Giá rau, trứng đã hạ nhiệt

Hồng Phúc 13/08/2021 14:34 GMT+7
Tại TP.HCM, giá rau, trứng đã hạ nhiệt. Rau xanh các loại phổ biến còn từ 25.000 đồng/kg, trứng gia cầm cũng giảm 5.000 đồng/chục.

Giá rau, trứng đã hạ nhiệt

Sau khoảng 2 tuần thực hiện phát phiếu đi mua thực phẩm, hiện tình hình mua sắm hàng hóa tại TP.HCM đã dần ổn định hơn. Người dân đi mua hàng theo đúng khung giờ, ngày và khu vực quy định, không còn tâm lý đổ xô mua sắm nên cũng ít còn hiện tượng hết hàng cục bộ.

Ghi nhận của Dân Việt cho thấy, các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ lẫn siêu thị đang có phần phong phú hơn. Đặc biệt, giá cũng hạ nhiệt nhiều so với thời điểm cách đây khoảng nửa tháng.

TP.HCM: Giá rau, trứng đã hạ nhiệt - Ảnh 1.

Trứng gia cầm tại siêu thị VinMart Ba Tháng Hai (quận 10) ngày 13/8 đầy kệ nhưng cũng ít người mua. Ảnh: Hồng Phúc.

Tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), su su, củ sắn chỉ 15.000 đồng/kg, cải thảo, bắp cải 20.000 đồng/kg, su hào 25.000 đồng/kg, cải dúng, khoai tây, cà rốt 30.000 đồng/kg, các loại rau ăn lá cũng phổ biến ở mức từ 25.000 đồng/kg.

Sạp của chị Hồng tại chợ Nguyễn Tri Phương hầu như có đủ các loại rau củ quả. Từ khi chợ mở lại, nguồn rau chị lấy từ mối quen từ các tỉnh thành đưa về chứ không lấy trực tiếp tại các chợ đầu mối nữa, do hiện ba chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn tại TP.HCM vẫn còn ngưng hoạt động.

"Mức giá này tăng khoảng 5.000 đồng mỗi kg so với trước dịch", chị Hồng nhận định. Theo chị, giá rau tăng là do khâu vận chuyển gặp khó khăn nhưng thực tế, mức giá này đã giảm nhiều so với cách đây khoảng 1 tháng khi TP.HCM bắt đầu có hiện tượng thiếu rau xanh.

Tại các chợ truyền thống, nguồn cung mặt hàng trứng gia cầm cũng phong phú hơn. Giá cũng bắt đầu hạ nhiệt, giảm khoảng 5.000 đồng/chục so với trước. Tại chợ Bình Thới (quận 11), trứng gà còn khoảng 35.000 đồng/chục, trứng vịt 40.000 đồng/chục.

Tại kênh mua sắm hiện đại như siêu thị, cửa hàng thực phẩm, nhiều người cũng cho biết giá các loại rau xanh, bầu bí, khổ qua… gần đây cũng đã giảm vài nghìn đồng mỗi kg. Rau xanh các loại phổ biến từ 25.000 đồng/kg, bí xanh, bí đao, bí đỏ… từ 22.000 đồng/kg. Khổ qua, cà chua khoảng 30.000 đồng/kg.

Mặt hàng trứng gia cầm với giá bình ổn tại các siêu thị cũng dồi dào hơn. Một số nơi như siêu thị VinMart không còn giới hạn số lượng người mua.

Trên các sàn thương mại điện tử Tiki, giá các loại rau như cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, rau ngót, cải ngồng, tần ô chỉ 25.000 đồng/kg, trứng gà 32.000 đồng/chục, trứng vịt 38.000 đồng/chục. Người mua trên sàn này còn được giao ngay trong ngày, ngoài ra còn được giảm hoặc miễn phí giao hàng nếu giá trị đơn trên 149.000 đồng.

Thịt heo đã đầy kệ

Không chỉ rau củ quả, mặt hàng thịt gia súc, gia cầm tại TP.HCM cũng dồi dao hơn. Tại siêu thị VinMart trên đường Ba Tháng Hai (quận 10) vài ngày qua, quầy thịt heo còn khá nhiều, với nguồn hàng từ Vissan, Massan, đủ đáp ứng nhu cầu trong ngày của người dân. Các cửa hàng Vissan khu vực quận Bình Thạnh, nguồn cung thịt heo cũng nhiều hơn.

Tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, thịt gà đóng vỉ khá đa dạng với giá từ khoảng 50.000 đồng/nửa kg, tuỳ loại cũng được ưa chuộng.

TP.HCM: Giá rau, trứng đã hạ nhiệt - Ảnh 2.

Thịt heo tại các siêu thị cũng đã dồi dào hơn một tuần trước. Ảnh: Hồng Phúc.

Theo các siêu thị, việc lưu thông hàng hóa từ các tỉnh thành về TP.HCM những ngày qua đã thuận lợi hơn. Cùng với việc người dân mua sắm ổn định, việc hết hàng cục bộ đã trở nên ít hơn. Mới đây, UBND TP.HCM đã gỡ khó cho ngành bán lẻ, cho phép một số nhân viên siêu thị, cửa hàng kinh doanh được phép ra khỏi nhà từ 18h đến 6h hàng ngày để chuẩn bị cho nguồn hàng hôm sau. Việc này nhằm tiếp tục tháo gỡ, tạo điều kiện cho người dân mua sắm dễ dàng hơn.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã giao UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh việc triển khai thực hiện "phiếu mua hàng" hiệu quả, phù hợp với năng lực cung ứng hàng hóa của hệ thống phân phối nhằm bảo đảm kịp thời cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu đầy đủ cho người dân trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng khi người dân đến mua sắm.

Các địa phương được yêu cầu tổ chức phát phiếu đi chợ, siêu thị cho người dân cần ghi rõ thời gian đi và các địa điểm chợ, siêu thị, cửa hàng gần nhất để người dân mua sắm.

Đặc biệt, để mở rộng kênh phân phối, nhất là kênh phân phối truyền thống, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện bảo đảm an toàn.