TP.HCM linh hoạt mở lại chợ, thêm xe buýt bán lưu động để người dân dễ mua thực phẩm
TP.HCM: Linh hoạt mở lại chợ, thêm xe buýt bán lưu động để người dân dễ mua thực phẩm
Hồng Phúc
Chủ nhật, ngày 08/08/2021 14:00 PM (GMT+7)
Nhiều chợ tại TP.HCM đã thực hiện các biện pháp phòng dịch và linh hoạt mở lại, từ thắt chặt tiểu thương được phép kinh doanh, bán hàng dã chiến, bán theo combo, thậm chí bán lưu động để người dân dễ mua thực phẩm.
Nhanh tay lấy cho khách rau xanh các loại, chị Hồng, tiểu thương rau củ quả tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) cho biết sau ít ngày đóng cửa, chợ mở bán trở lại, chị và người dân ai cũng mừng. Chợ Nguyễn Tri Phương là một trong số ít các chợ tại TP.HCM bền bỉ và linh hoạt lên phương án phòng dịch, mở lại khi đủ điều kiện an toàn.
Mở lại lần này, sạp rau của chị Hồng chỉ có chị và chồng đứng bán, cả hai đều phải xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính. Chị cho biết ban quản lý kiểm tra tiểu thương rất gắt gao, không phải ai cũng được vào bán mà phải qua xét nghiệm để đảm bảo an toàn cho chính mình và khách đi mua hàng.
Đại diện Ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương cũng cho biết, so với lần mở bán lại trước đó, số lượng tiểu thương lần này giảm rất nhiều. Nếu tính luôn cả người bán và phụ bán thì chỉ khoảng 60 người. Các ngành hàng được bán là thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thịt cá các loại.
Để kiểm soát chặt, chợ Nguyễn Tri Phương tiến hành làm thẻ đeo cho tiểu thương, trang bị màn chắn tại các sạp. Cứ khoảng hơn 7h, khi chợ bắt đầu mở cửa, ban quản lý sẽ điều tiết mỗi lượt 10 khách vào bên trong mua hàng nhằm thực hiện nghiêm giãn cách.
Chợ Bình Thới (quận 11) hoạt động lại được khoảng một tuần nay, kể từ khi tạm đóng hôm 24/7. Chợ này áp dụng một mô hình mới toanh: Không bán trong nhà lồng mà dựng các bàn di động ngay trước sân chợ để tận dụng không gian thông thoáng, nhiều ánh sáng.
Hình thức mua sắm cũng thay đổi ứng biến trong giai đoạn dịch bệnh. Khách chỉ đi theo một chiều, hạn chế tối đa việc quay lại. Tiểu thương cho rau củ, thịt heo… vào từng túi theo khối lượng 1-2 kg để mua nhanh, bán nhanh. Ngoài ra, chợ còn tổ chức 3 đội bán hàng lưu động. Các phường có nhu cầu sẽ đăng ký với quận, mỗi ngày đội sẽ đem cá thịt, rau củ quả… đến địa điểm phường bố trí phục vụ người dân.
Chợ dã chiến, xe buýt lưu động ở nhiều nơi
Các quận huyện vùng ven cũng tăng cường mở lại chợ truyền thống để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người dân. Sau khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng dịch, nhiều chợ tại huyện Bình Chánh đã hoạt động trở lại.
Riêng huyện Củ Chi đưa vào hoạt động 3 chợ dã chiến tại các xã Phước Vĩnh An, Hòa Phú và Bình Mỹ. Chợ dã chiến tại huyện Củ Chi tận dụng các khoảng đất trống rộng rãi ngoài trời, có cây xanh bên trên để tạo độ thông thoáng thay vì không gian chật bên trong lồng chợ truyền thống. Địa phương cũng chủ động phân chia ô, sạp tại các chợ dã chiến này cho tiểu thương bán hàng.
Quận 12 cũng áp dụng hình thức này và tổ chức một số điểm bán trên đường vắng trong thời gian giãn cách xã hội, thời gian qua đã phát huy hiệu quả tốt.
Từ ngày 6/8, một doanh nghiệp tại TP.HCM đưa vào hoạt động chuyến xe buýt lưu động bán thực phẩm, hàng ngày đi đến một số khu dân cư bán với giá bình ổn. Trước đó, một doanh nghiệp khác cũng đã phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM để vận hành những chiếc xe buýt lưu động này để bán rau củ quả. Số lượng đầu xe bán hàng lưu động những ngày qua tại TP.HCM cũng được tăng cường lên gấp đôi để hỗ trợ nhu cầu hàng hóa, thực phẩm cho người dân tại các quận huyện.
Theo phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương: Sở đã hướng dẫn các địa phương tăng cường xây dựng phương án mở lại điểm bán lương thực thực phẩm, thiết yếu tại chợ truyền thống với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch.
Với mô hình mẫu đang triển khai, Sở Công Thương đánh giá đảm bảo an toàn và đang tích cực đôn đốc các quận huyện triển khai theo mô hình thí điểm. Trường hợp các chợ không đủ điều kiện mở lại thì sẽ tổ chức điểm bán ở khu vực lân cận.
Ông cũng cho hay, trong lúc TP đang hạn chế đi lại giữa các quận huyện, các siêu thị chỉ được hoạt động từ 6h sáng đến 17h chiều, Sở sẽ tăng cường tổ chức bán hàng lưu động tại một số điểm thực sự khó khăn, người dân không được cung ứng hàng hóa kịp thời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.