Theo thông tin từ Công thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu được thành lập ngày 9/11/2018. Công ty có trụ sở tại số 143 Trích Sài, phường Bưởi, Quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Người đại diện pháp luật, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu là ông Bùi Văn Việt (sinh năm 1953). Ông Bùi Văn Việt có hộ khẩu thường trú tại Chương Mỹ, TP. Hà Nội và là một trong những cổ đông góp vốn sáng lập.
Vốn điều lệ của "siêu" công ty trong đăng ký kinh doanh năm 2018 "vỏn vẹn" 132 tỷ đồng, gồm 5 cổ đông sáng lập.
Trong đó, bà Phạm Thị Thành có số vốn góp cao nhất hơn 47,5 tỷ đồng (tương đương 36% vốn). Ông Bùi Văn Việt - Tổng Giám đốc công ty góp 18% vốn. 2 cá nhân khác cũng góp 18% vốn là ông Đào Xuân Hậu và ông Đỗ Công Đảng góp 18%. Cá nhân Trần Đức Thủ góp 10% vốn còn lại.
Đến tháng 6/2019, "siêu" công ty này đột ngột tăng vốn lên 127.902,5 tỷ đồng (khoảng 5,5 tỷ USD), tức là tăng tới 969 lần so với số vốn đăng ký lần đầu.
Trong đó, vốn của các cá nhân trong nước chiếm tỷ lệ 60%, với 76.741,5 tỷ đồng và 40% cổ phần, tương ứng 51.161 tỷ đồng là vốn nước ngoài được góp bởi ông David Aristotle Phan (Mỹ).
Cùng với tăng vốn "khủng", ngành nghề chính trong đăng ký cũng được điều chỉnh. Theo đó, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà không để ở, cụ thể là dịch vụ xây dựng nhà xưởng, bệnh viện, trường học, nhà làm việc, khách sạn, cửa hàng, nhà hàng, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe.
"Siêu" công ty vốn 128.000 tỷ này còn đăng ký các ngành nghề khác như lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống sưởi và điều hòa không khí; đúc sắt, thép; xây dựng công trình cấp, thoát nước; chuẩn bị mặt bằng, lắp đặt hệ thống điện; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại…
Thời điểm mới thành lập, "siêu" công ty này đăng ký hoạt động chính là bán lẻ hàng vàng, bạc, đá quý và đá bán quý; Bán lẻ đồ trang sức bằng vàng, đá quý và đá bán quý; Bán lẻ nước rửa trang sức.
Tính đến cuối năm 2020, vốn điều lệ của "siêu" công ty vốn 128.000 tỷ này (tương đương 5,5 tỷ USD) gần ngang ngửa với vốn chủ sở hữu của Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (khoảng gần 5,9 tỷ USD), nhưng gấp tới 3,7 lần vốn góp chủ sở hữu của Vingroup.
So với giá trị tài sản ròng của các tỷ phú USD trong bảng xếp hạng của Forbes tính đến thời điểm hiện tại, vốn góp của Công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu tương đương với tài sản của tỷ phú Trần Đình Long và Nguyễn Thị Phương Thảo cộng lại.
Tiểu sử của David Aristole Phan - cá nhân đăng ký góp 40% vốn tại "siêu" công ty vốn 128.000 tỷ đồng này - đăng tải trên LinkedIn cho thấy, vị doanh nhân Việt Kiều này tham gia nhiều hoạt động trong hàng loạt lĩnh vực bao gồm tài chính quốc tế, giao dịch ngoại hối, ngân hàng, đầu tư bảo hiểm, quỹ phòng hộ, quản lý vốn… tại hàng loạt quốc gia trên thế giới từ những thành phố lớn của châu Âu như Zurich, Geneva, London, Paris, Copenhagen, các trung tâm tài chính của Mỹ như New York, San Francisco, Los Angeles, Las Vegas, Houston cho đến các quốc gia châu Á bao gồm Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Brunei…
Cũng theo hồ sơ trên LinkedIn, ông David Aristole Phan từng được đào tạo tại 3 trường học nổi tiếng của Mỹ bao gồm đại học Illinois (giai đoạn 1976-1978, lĩnh vực Nghiên cứu khoa học máy tính), Viện Công nghệ Massachusetts (giai đoạn 1978-1982, lĩnh vực Nghiên cứu khoa học máy tính), Đại học Missouri-Columbia (giai đoạn 1982-1987, lĩnh vực Nghiên cứu vật lý ứng dụng). Ông này tự nhận có nền tảng học thuật và kinh nghiệm trong hàng loạt lĩnh vực như lý thuyết vật lý, quang học, vũ trụ học, khoa học máy tính, toán ứng dụng, lượng tử, tài chính quốc tế, đầu tư ngân hàng, cổ phiếu, giao dịch ngoại hối, quỹ phòng hộ, phát triển phần mềm ngân hàng không dùng tiền mặt...
Với khả năng thông thạo 4 ngôn ngữ bao gồm Pháp, Đan Mạch, Đức và Trung Quốc; ông David Aristole Phan cũng tự giới thiệu bản thân với nhiều vai trò chuyên môn nổi bật trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhà tài trợ, sản xuất và biên tập phim 3D/4D/phim tài liệu cho đến nhà nghiên cứu năng lượng nhiệt hạch hay sáng chế lý thuyết ứng dụng chống trọng lực…
Hiện vị doanh nhân Việt Kiều đang giữ vai trò Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sophy Investments Ltd., một doanh nghiệp được giới thiệu là "có tổ chức như một mạng lưới tài chính toàn cầu".
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Việt kiều David Aristole Phan lập tài khoản LinkdedIn chỉ đơn thuần đưa thông tin lên rồi thôi, không có bất kỳ hoạt động hay bình luận nào trên tài khoản này. Các mục hoạt động đều rỗng và thông tin để liên hệ. Chỉ có website công ty và link của chính cái trang linkedin này.
Theo thông tin trên website chính thức, doanh nghiệp này thành lập vào năm 2006 tại Cộng hòa Seychelles trước khi được tái hợp nhất tại Quần đảo Virgin thuộc Anh vào năm 2007. Kể từ khi thành lập đến nay, Sophy Investments Ltd. được giới thiệu đã có những bước phát triển đáng kể thông qua các thương vụ mua lại và sáp nhập chiến lược tại các trung tâm tài chính tiền tệ lớn trên toàn cầu.
Mục tiêu chiến lược mà doanh nghiệp này hướng đến là thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiệu quả, tích hợp trên quy mô quốc tế dựa trên triết lý kinh doanh mang tính xây dựng; mang đến lợi nhuận cho khách hàng thông qua năng lực chuyên môn, công nghệ vượt trội cũng như nguồn lực mạng lưới rộng khắp toàn cầu của nó.
Với "sự hiện diện rộng khắp tại tất cả các khu vực pháp lý và trung tâm tài chính lớn ở nước ngoài", Sophy Investments Ltd. được cho là có khả năng huy động vốn và tiếp cận thị trường vốn quốc tế một cách cởi mở.
Lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp bao gồm quản lý tài chính, công cụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ chuyển tiền thông qua các nền tảng tài chính DTC, S2S, SWIFT; quản lý và giao dịch trái phiếu, cổ phiếu; quản lý lợi nhuận đầu tư vào cổ phiếu, tiền tệ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp; tín dụng doanh nghiệp; giao dịch quyền chọn; tư vấn đầu tư và đầu tư mạo hiểm; tiền điện tử…
Trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, Sophy Investment thậm chí cam kết lợi nhuận lên đến 20%/ tháng và 300% trong vòng 15 tháng cho nhà đầu tư.
Đáng chú ý, theo thông tin trên website chính thức của doanh nghiệp, Sophy Investment có liên hệ mật thiết với Swiss Mutual Fund, một quỹ được thành lập vào năm 1948 và hiện có trụ sở tại Cộng hòa Dominica. Mặc dù có tên Swiss Mutual Fund (Quỹ tương hỗ Thụy Sĩ), hay còn gọi là Swisscash; nhưng rất ít thông tin cho thấy quỹ này có bất kỳ liên hệ nào đáng kể với Thụy Sĩ.
Quỹ này bị nghi ngờ có liên quan đến vụ lừa đảo đầu tư tại Malaysia vào những năm 2006-2008. Năm 2006, Ủy ban chứng khoán Malaysia cùng Ngân hàng Negara đã phát đi loạt cảnh báo công chúng không nên đổ tiền vào Swiss Mutual Fund, kèm theo phán quyết của Tòa án Tối cao đối với ba bị cáo liên quan đến vụ lừa đảo đầu tư vào quỹ này. Phán quyết yêu cầu nhóm bị cáo hoàn trả 83 triệu USD để bồi thường cho nhà đầu tư.
Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Kuala Lumpur cũng phải lên tiếng khẳng định: "Swiss Mutual Fund (1948) và Swiss Cash không phải là các công ty đăng ký ở Thụy Sĩ".
Swiss Mutual Fund cũng bị loại khỏi Danh sách các công ty kinh doanh quốc tế của Dominica. Ủy ban Giám sát Tài chính của Dominica từng ban hành một thông cáo báo chí, trong đó khẳng định Swiss Mutual Fund, hay còn được biết đến với tên gọi Swisscash thực tế không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào tại đảo quốc này.