Dân Việt

"Tọa độ lửa" Ngã ba Cò Nòi trong hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hồi ức cựu thanh niên xung phong

Kiều Thanh Tâm 23/08/2021 05:25 GMT+7
Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Ngã 3 Cò Nòi là một cửa ải tất cả những người ra trận đều phải vượt qua". Ngã 3 Cò Nòi (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) hôm nay tạo ấn tượng với điểm nhấn là tượng đài Thanh niên xung phong sừng sững, uy nghiêm.

Clip: Tượng đài Thanh niên Xung phòng Ngã 3 Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La).

Với cách mạng Việt Nam, chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã góp phần quan trọng mang lại thắng lợi quyết định của cuộc kháng chiến chống Pháp. 

Trong chiến dịch ấy, Ngã 3 Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự. 

Đây là địa bàn cửa ngõ Tây Bắc, vì thế Ngã 3 Cò Nòi ngày ấy trở thành một trong những tâm điểm của cuộc chiến. 

Thực dân Pháp và đồng minh của họ muốn giữ được Điện Biên Phủ cũng như giữ vị thế ở Đông Dương thì phải chặn được huyết mạch Cò Nòi, không cho "dòng máu cách mạng Việt Nam" đổ về Điện Biên Phủ. 

Còn phía cách mạng Việt Nam thì nhất tâm dồn lực về Điện Biên Phủ để sau đó làm nên chiến thắng "Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu".  

Tượng đài Thanh niên Xung phong Ngã 3 Cò Nòi - Biểu tượng Anh hùng cách mạng trở thành tín ngưỡng - Ảnh 2.

Cụm tượng đài sừng sững trên ngọn đồi thông nơi Ngã 3 Cò Nòi lịch sử. (Ảnh: Quốc Tuấn)

Ký ức bi hùng

Ngã 3 Cò Nòi cách thành phố Sơn La khoảng 45km về phía Đông Nam. Nơi đây là giao điểm nối giữa đường 13 (quốc lộ 37) với đường 41 (quốc lộ 6 ngày nay).  

Để chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ, một mạng lưới vận tải phục vụ chiến dịch gồm 3 tuyến chính được hình thành: Tuyến từ Việt Bắc xuống qua Ba Khe - Cò Nòi - lên Điện Biên Phủ; tuyến từ Khu IV xuất phát từ Nghệ An - Thanh Hóa - Suối Rút qua Mộc Châu - Cò Nòi đến Điện Biên Phủ và tuyến từ Liên khu III - Nho Quan - Hòa Bình - Suối Rút qua Mộc Châu - Cò Nòi lên Điện Biên Phủ.

Như vậy, cả ba tuyến vận tải chính hướng lên Điện Biên Phủ đều phải qua Ngã 3 Cò Nòi. Cò Nòi được chọn là điểm tập kết, trung chuyển lớn nhất cho chiến trường Điện Biên Phủ. 

Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Ngã 3 Cò Nòi là một cửa ải tất cả những người ra trận đều phải vượt qua".

Tượng đài Thanh niên Xung phong Ngã 3 Cò Nòi - Biểu tượng Anh hùng cách mạng trở thành tín ngưỡng - Ảnh 3.

Ngã 3 Cò Nòi, nơi từng được coi là “tọa độ lửa” trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược năm 1953 - 1954. (Ảnh: Quốc Tuấn)

Cách đây 67 năm, vào thời điểm địch bắn phá cao điểm, khu vực Ngã 3 Cò Nòi có khoảng 1.000 thanh niên xung phong và các lực lượng của 5 đơn vị thuộc Đội 34 và 40 trực tiếp làm nhiệm vụ tại đây. 

Ông Đinh Xuân Tôn, cán bộ lão thành cách mạng (xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, Sơn La), tâm sự: Để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta mở rộng tuyến đường 13 từ Phù Yên- Bắc Yên đi Cò Nòi. 

Đầu bên này của thị trấn Bắc Yên là cánh rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trú quân (Gia Phù, huyện Phù Yên); đầu bên kia của thị trấn là cả ngàn thanh niên xung phong, bà con dân bản hăng say mở đường, đảm báo giao thông thông suốt. 

Do gấp rút và quan trọng nên lực lượng mở đường vừa lớn, vừa làm ngày, làm đêm. Bởi thế, thực dân Pháp cũng dễ đánh hơi và chúng đã sử dụng máy bay ném bom, biến tuyến đường Bắc Yên - Cò Nòi thành vùng đất lửa.

Tượng đài Thanh niên Xung phong Ngã 3 Cò Nòi - Biểu tượng Anh hùng cách mạng trở thành tín ngưỡng - Ảnh 4.

Ông Hồ Ngọc Toàn kể lại những năm tháng hào hùng của thanh niên xung phong tại “tọa độ lửa” Ngã 3 Cò Nòi. (Ảnh: Quốc Tuấn).

Ông Hồ Ngọc Toàn (88 tuổi đời, 63 tuổi Đảng), bồi hồi nhớ lại: Khoảng tháng 2/1954, khi ấy, tôi mới tuổi đôi mươi. Thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, tôi cùng 9 thanh niên của xã Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An)  gia nhập Đội Thanh niên xung phong chi viện cho Tây Bắc...".

Sau gần 1 tháng hành quân bộ, ông Toàn và những người bạn mới đến được Cò Nòi. Nhiệm vụ được giao là đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ chi viện, tiếp tế nhân lực, lương thực phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. 

"Tôi được giao là Tiểu đội trưởng thanh niên xung phong của Đội 40, Đại đội 408. Nơi ấy, có những ngày cao điểm, địch thả xuống hàng trăm tấn bom, mìn các loại xuống và đã có hàng trăm thanh niên xung phong ngã xuống. Vất vả, hy sinh không kể siết, nhưng tinh thần của chúng tôi luôn phấn chấn, lạc quan và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc...".

Ông Thái Hữu Hoành, 84 tuổi, nguyên là thanh niên xung phong thuộc Đại đội 292 được phân công đảm bảo giao thông tại cầu Tà Vài (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), người đã 4 lần được cấp trên tăng cường chi viện cho Ngã 3 Cò Nòi, nhớ lại: Ngày 13/3/1954, khi nhận được lệnh cấp trên, 2 trung đội 1 và 2 hành quân đi bộ cấp tốc 28 km, từ cầu Tà Vài (Yên Châu) lên Ngã 3 Cò Nòi. 

"Khi chúng tôi đến nơi chứng kiến cảnh tượng đường sá bị băm nát, những hố bom chằng chịt…Lúc đó, chúng tôi đã nhanh chóng tham gia cùng các lực lượng khẩn trương phá bom, san đất đá cho xe của bộ đội, dân công vượt qua...", ông Hoành kể.

Đến rạng sáng ngày 14/4/1954, ông Hoành và một số đồng chí tiếp tục được giao nhiệm vụ đi tìm kiếm di vật, các phần thi thể của thanh niên xung phong bị bom tàn sát trong ngày hôm trước. Thương vong lớn quá, ông Hoành và các đồng chí không cầm nổi nước mắt trước sự hy sinh anh dũng của đồng đội mình.

Tượng đài Thanh niên Xung phong Ngã 3 Cò Nòi - Biểu tượng Anh hùng cách mạng trở thành tín ngưỡng - Ảnh 5.

Cựu thanh niên xung phong Thái Hữu Hoành chia sẻ về 4 lần tham gia chi viện cho Thanh niên xung phong ở Ngã 3 Cò Nòi trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Quốc Tuấn).

Để tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ và lực lượng thanh niên xung phong hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 21/4/2000, UBND tỉnh Sơn La quyết định khởi công xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong tại Ngã 3 Cò Nòi. 

Ngày 7/5/2002, Đài tưởng niệm được khánh thành và đưa vào sử dụng. Đài tưởng có diện tích 20.000m2. Nhóm tượng 3 thanh niên xung phong ở tư thế khác nhau được tạo từ chất liệu đá xanh, cao 12 mét, đặt trên bệ khối đá nặng 280 tấn. 

Bên dưới còn có hai bức phù điêu thể hiện hình ảnh toàn dân ra trận chiến đấu chống thực dân Pháp. Mỗi bức phù điêu có diện tích 42m2, nặng 52 tấn, được phủ bằng kim loại. Bức phù điêu bên phải thể hiện nội dung "Tất cả cho tiền tuyến". 

Bức phù điêu bên trái thể hiện nội dung "Tất cả để chiến thắng". Các bức phù điêu tái hiện lại hình ảnh quân và dân chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ, sức mạnh của lực lượng thanh niên xung phong trong việc san lấp hố bom, thông đường, kéo pháo…

Di tích lịch sử Ngã 3 Cò Nòi đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định 16 ngày 29/4/2004 nhân dịp Kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Tượng đài Thanh niên Xung phong Ngã 3 Cò Nòi - Biểu tượng Anh hùng cách mạng trở thành tín ngưỡng - Ảnh 6.

Ngày 14/7/2021, tỉnh Sơn La đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 Khu tâm linh Ngã ba Cò Nòi. (Ảnh: Quốc Tuấn).

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đi vào lòng người

Ông Nguyễn Vũ Điền, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La khẳng định: Ngã 3 Cò Nòi là một nét son, là điểm chốt của con đường vận chuyển chi viện cho Tây Bắc, vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử chấn động địa cầu. 

Việc tôn tạo, tu bổ, nâng cấp, mở rộng di tích để trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tuyên truyền, quảng bá, làm cho mọi người dân đến với Sơn La đều biết ý nghĩa lịch sử, truyền thống cách mạng của Ngã 3 Cò Nòi là việc làm quan trọng và hết sức cần thiết. 

Việc tôn tạo, tu bổ, nâng cấp, mở rộng di tích đáp ứng tâm nguyện của thanh niên xung phong, cán bộ, nhân dân địa phương, vừa là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp lớp thế hệ mai sau.

Năm 2020, Di tích lịch sử tiếp tục được quan tâm trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, với tổng diện tích quy hoạch hơn 10 ha, gồm 3 khu chức năng chính: Chủ đề tưởng niệm, khu công viên chứng tích và đất giao thông. 

Đến nay, việc triển khai giai đoạn 1 Dự án đã cơ bản hoàn thành. Tượng đài tưởng niệm sừng sững trên sườn đồi thông quanh năm xanh màu lá biếc, tiếng gió xào xạc như ai đó đang thầm kể chuyện xưa. Hàng ngày, nơi đây luôn có ánh mắt nhìn lên của cả ngàn lữ khách qua đường; có lời khấn cầu của những lữ khách dừng chân thắp nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ… 

Đặc biệt, với những người dân đang sống ngay bên dưới chân Tượng đài Ngã 3 Cò Nòi này như gia đình ông: Lò Văn Chiến, Lò Văn Thanh, Lò Văn Liên…thì mỗi sáng ngày ra, ngước mắt nhìn lên thấy Tượng đài, là trong lòng lại trỗi lên bài học về truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đức hy sinh, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tượng đài Thanh niên Xung phong Ngã 3 Cò Nòi - Biểu tượng Anh hùng cách mạng trở thành tín ngưỡng - Ảnh 7.

Tượng đài anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong Ngã 3 Cò Nòi đã trở thành điểm dừng chân của nhiều lữ khách. (Ảnh: Quốc Tuấn).

Lão nông Lò Văn Nghiền, 55 tuổi, ở bản Cò Nòi, tâm sự: Những người dân quanh khu vực Tượng đài như chúng tôi, trong nhiều năm qua đều được tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa lịch sử của Ngã 3 Cò Nòi, của Tượng đài liệt sỹ Thanh niên Xung phong. Chúng tôi cũng đã thấy bao con người qua đây kính cẩn nghiêng mình, ngả mũ, dâng hương trước Tượng đài Liệt sỹ. 

Theo ông Nghiền, cũng từ những hiểu biết về Tượng đài này, bà con các dân tộc ở Cò Nòi đã hiểu thêm rằng: Những chiến thắng lớn lao của cách mạng nước ta đã phải đổi bằng máu và nước mắt, bằng hành động cách mạng cụ thể. 

Người nông dân muốn có nương ngô nhiều bắp, cây xoài nhiều quả, no bụng hơn, quần áo đẹp hơn thì phải lao động, phải học tập và ứng dụng nhiều cái tiến bộ hơn. "Không có ông thần, ông thánh nào có thể mang lại cho chúng ta những thắng lợi lớn lao hay cả những bữa cơm no, những manh áo đẹp...".