Chùa Nôm-ngôi chùa lưu giữ hồn quê Bắc bộ với bộ tượng bằng đất cổ xưa nhất Việt Nam

Nguyễn Hải Tiến-Quang Trần Thứ hai, ngày 14/06/2021 05:31 AM (GMT+7)
Là ngôi đại tự có tiếng ở Bắc bộ còn lưu giữ được nhiều nét xưa. Chùa Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) không những là nơi lễ Phật, còn là di sản văn hóa cho khách thập phương chiêm ngưỡng.
Bình luận 0

Clip: Khám phá chùa Nôm và quần thể di tích làng Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1994. (VIỆT PHÚ thực hiện)

Chùa Nôm xưa

Chùa Nôm còn gọi là Linh Thông Cổ Tự nằm trong quần thể di tích văn hóa làng Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Chùa Nôm là ngôi đại tự nổi tiếng ở đồng bằng Bắc bộ còn lưu giữ được nhiều nét xưa. 

Theo tác giả Nguyễn Đại Đồng, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Chùa Nôm được xây dựng cách nay cả nghìn năm. Chùa Nôm khởi thủy là một am thờ nhỏ nằm giữa rừng thông, trải qua thời gian rừng thông nay không còn. 

Theo truyền thuyết về đức Thánh gắn với câu chuyện ghi trong Ngọc phả về việc xây dựng chùa Nôm vào thời kỳ sơ khởi của Phật giáo, chuyện kể rằng: Trong một đêm mưa bão, có một bè gỗ lim trôi trên sông rồi ghé vào bờ. Dân làng đẩy ra nhưng bè gỗ lim vẫn tự quay lại như một điềm lành.

Dân làng bèn vớt lên để xây dựng ngôi chùa thiêng. Do vậy mà chùa nôm mới có tên, Linh Thông Cổ tự.

Chùa Nôm - chốn linh thiêng cổ tự - Ảnh 1.

Cổng chùa cổ xưa

Linh Thông Cổ Tự là nơi thờ đức Thánh Tam Giang. Theo người dân làng Nôm truyền lại. Sinh thời tướng Tam Giang là một người văn võ thao lược tài năng. Vào những năm đầu Công nguyên, nước Việt bị nhà Hán chiếm đóng, với chính sách đô hộ cực kỳ tàn bạo. 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng, ông đã cùng trai tráng trong làng, đứng lên diệt giặc cứu dân giúp nước, khôi phục bờ cõi nước Nam. 

Trong một trận chiến đấu chống lại quân nhà Hán, ông đã hy sinh anh dũng. Sau khi mất, ông đã được dân làng phong làm đức Thánh Tam Giang và xây chùa đời đời thờ phụng. Mẹ ông cũng là người rất mộ đạo Phật. 

Hiện trong khuôn viên chùa, đã xây lại được Miếu thờ mẹ Thánh Tam Giang, cùng Phu nhân của Thánh Tam Giang.

Chùa Nôm - chốn linh thiêng cổ tự - Ảnh 2.

Giếng cổ trong khuôn viên chùa Nôm (xã Đại Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).

Và chùa Nôm ngày nay

Trải qua nhiều biến đổi thăng trầm của lịch sử đất nước, chùa Nôm đã rất nhiều lần trùng tu. Hiện tại, chùa Nôm là một quần thể di tích nằm trên khu đất rộng 50.000m2, có chùa cổ và phần tôn tạo, phục dựng mới. 

Chùa cổ vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn, còn giữ được hơn 100 pho tượng đất cổ xưa nhất Việt Nam, như Tam Thánh, Tam Thế, A Di Đà, Phật Bà, Bát Bộ kim Cương, Thập Bát La Hán và Giếng cổ,… có niên đại nhiều trăm năm tuổi.

Phần tôn tạo, phục dựng mới, ngoài tường đá ong bao quanh, xây dựng rất tinh tế, tạo được nét cổ kính cho ngôi chùa. Còn có Cổng Tam Quan bằng gỗ cao 25m (cổng tam quan chùa lớn nhất Việt Nam) được chạm khắc tinh xảo. Tam quan dựng theo lối kiến trúc hai tầng tám mái, gồm: Không quan, mang bản thể, gốc của muôn loài.

Chùa Nôm - chốn linh thiêng cổ tự - Ảnh 3.

Tượng Thập bát La Hán tại chùa Nôm. Những bức tượng tại chùa được đánh giá là mang đậm nét dân dã, thuần Việt và thoát tục. Chùa Nôm cũng được ghi nhận là nơi có nhiều tượng đất cổ xưa nhất Việt Nam. Thượng tọa Thích Đồng Huệ, trụ trì chùa cho biết, những bức tượng đã được người dân làng đóng góp tu sửa, sơn mới vào năm 1997.

Kiểu kiến trúc này mang yếu tố Dịch học (Cả tòa nhà tượng cho Thái cực. Tầng mái trên tượng Dương. Tầng mái dưới tượng Âm. Hội tụ lại thành Lưỡng Nghi. Bốn phía mái là Tứ Tượng. Tám mái là Bát Quái. Từ đó mà phát sinh muôn loài, đảm bảo phát triển phúc lành). Theo đó, bước vào Tam quan là hòa vào đạo Phật, được hưởng phúc lộc tràn đầy.

Lầu chuông và lầu trống xây đối diện nhau ngay sau cổng chùa. Cạnh lầu chuông có hồ nước xanh, tô điểm cho không gian thanh tịnh của chùa. Giữa hồ là Lầu Quan Âm đẹp tựa bông sen trắng khổng lồ.

Chùa Nôm - chốn linh thiêng cổ tự - Ảnh 4.

Miếu thờ mẹ và phu nhân đức Thánh Tam Giang

Nhà tổ dựng theo lối chồng rường, đầu sen trên chóp, chạm khắc tinh xảo, với 12 cột lim, cột lớn nhất đường kính lớn tới 1m.

Bên trái là thủy đình 8 mái. Giữa có tượng Phật Quan Âm Bồ Tát ban phúc. Từ ngoài vào thủy đình phải qua cầu đá mui rùa, 2 bên có 27 cột đá hình bông sen. Ngoài chính điện, chùa Nôm còn có khu vườn mộ tháp làm từ đá ong, vẫn giữ nguyên được những nét nguyên sơ từ thế kỉ 18.

Clip: Vườn Thượng Uyển trong chùa Nôm

Vườn Thượng Uyển mới phục dựng ở phía sau Lầu Quan Âm, bên cạnh Nhà tổ. Vườn rộng trên 10.000m2, tạo lập trên nền đất cao hơn mặt bằng xung quanh khoảng nửa mét. Có quần thể giả sơn bằng đá nguyên khối góc cạnh tự nhiên, cao hơn chục tầm tay với, nặng tới hàng trăm tấn. Có đồi đất cao ngang nóc nhà. 

Chùa Nôm - chốn linh thiêng cổ tự - Ảnh 5.

Một góc quần thể chùa Nôm

Có bình nguyên cùng thảm cỏ xanh tốt quanh năm. Trong đó trồng rất nhiều hoa mẫu đơn. Dưới mỗi mỗi gốc hoa mẫu đơn là một khối đá gồ ghề, hốc hoác tự có. Vườn Thượng Uyển có thể ví như không gian thu nhỏ núi, đồi, trung du ở miền Núi phía Bắc nước ta.

Thượng tọa Thích Đồng Huệ (Trụ trì chùa Nôm) cho hay: Các khối đá tượng cho sự tu hành khó nhọc. Mẫu đơn đang hoa, hiện thân cho tu hành đắc đạo. Chọn hoa mẫu đơn làm cây trồng chủ đạo cho vườn Thượng Uyển, bởi, mẫu đơn là một trong những cây cảnh cổ xưa nhất Việt Nam. Và không thể thiếu trong khuôn viên các chùa, bên cạnh cây hoa đại, hoa sen và tùng la hán,…

Chùa Nôm - chốn linh thiêng cổ tự - Ảnh 6.

Nhà Tổ trong chùa Nôm.

Giếng cổ trong chùa được xây bằng đá xanh, bấy lâu nước vẫn trong lành. Theo phong thủy, giếng nước là huyệt đạo của đất, trời, nhờ đó mà âm dương không cách trở, giúp mảnh đất dựng chùa được tụ phúc và phát triển. 

Đặc biệt, chùa vẫn giữ được khá nhiều tượng cổ tinh xảo bằng đồng, nhìn rất bắt mắt như, tượng đức Phật Tổ Như Lai, tượng Cửu Long Phật Đản. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ được nhiều bài khấn nôm cổ, có giá trị lịch sử và giá trị nghiên cứu cao.

Chùa Nôm - chốn linh thiêng cổ tự - Ảnh 7.

Cổng Tam Quan nhìn từ bên trong

Đáng chú ý, trong khuôn viên chùa được tái tạo rất nhiều hồ nước, vừa làm cho không gian chùa đẹp như bức tranh thủy mạc, vừa giúp điều hòa môi sinh, để du khách đến viếng thăm, luôn có cảm giác mát lành, thanh thản, tôn nghiêm.

Không chỉ là nơi giải tỏa tâm linh

Chùa Nôm - chốn linh thiêng cổ tự - Ảnh 8.

Khu Mộ tháp cổ trong chùa Nôm

Phát huy truyền thống "Linh Thông Cổ Tự". Chùa Nôm hiện tại, không chỉ là nơi giải tỏa tâm linh, mà còn là điểm giáo dục đạo đức, lối sống và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Liên tục từ hàng chục năm qua. Chùa Nôm đã là cơ sở khởi nguồn phong trào học Hán Nôm của huyện Văn Lâm nói riêng, tỉnh Hưng Yên nói chung. 

Chùa Nôm - chốn linh thiêng cổ tự - Ảnh 9.

Lầu Quan Âm nhìn xa

Để có được phong trào này. Năm 2003 Đại đức Thích Đồng Huệ (nay là Thượng tọa Thích Đồng Huệ) đã đứng ra mở lớp, mời thầy uyên thâm Hán Nôm từ Bắc Ninh về truyền dạy. Đã đào tạo được một lớp học viên nòng cốt để làm thầy dạy lại Hán Nôm các học viên trong khu vực.

Chùa Nôm - chốn linh thiêng cổ tự - Ảnh 10.

Cầu đá xưa từ làng nôm sang chùa. Lối vào chùa Nôm là cây cầu đá 9 nhịp đầu rồng đã có từ hơn 200 năm trước, bắc qua sông Nguyệt Đức. Đây cũng là cây cầu đá bắc ngang sông duy nhất còn lại ở Hưng Yên.

Nhờ vậy, huyện Văn Lâm đã xây dựng được Câu lạc bộ (CLB) Hán Nôm, gồm 150 hội viên. Được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận, cấp tư cách pháp nhân. 

Theo đó, CLB đã mở được 4-5 lớp học Hán Nôm thường xuyên. Thu hút được gần 200 học viên đến từ khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nội dung học khá phong phú. 

Bên cạnh học chữ Hán Nôm là chính. Các học viên còn được học về Phong thủy, Thư pháp, Ngũ hành, những nét tinh hoa văn hóa của người Việt.

Chùa Nôm - chốn linh thiêng cổ tự - Ảnh 11.

Lớp học Hán Nôm chuyên đề Phong thủy trong chùa trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Thầy Nguyễn Ngọc Chấn (được học Hán Nôm khóa đầu ở chùa, nay là giảng viên đứng lớp) cho biết: Sau học Hán Nôm 3 năm. Các học viên có thể đọc hiểu và viết được 3.000 từ (Tam tự kinh). Bao gồm, đọc và hiểu được nghĩa các hoành phi câu đối, một số gia phả, phả thần, viết được thư pháp và cho chữ. 

Ông Đỗ Danh Phương (học viên lớp Hán Nôm) ở xã Đình Dù, Văn Lâm, chia sẻ: Nhờ học Hán Nôm, tôi đã dịch được một số phả thần, hiểu thêm về ký ức của các bậc tiền nhân, từng bước rèn được tính kiên kỳ, nhẫn nại, tránh được đầu óc bị trì trệ tuổi già, lớp học thực sự là một sân chơi bổ ích và lý thú,…

Chùa Nôm - chốn linh thiêng cổ tự - Ảnh 12.

Thượng tọa Thích Đồng Huệ (áo nâu).

Ngoài thúc đẩy phong trào học Hán Nôm trên địa bàn. Mỗi năm, chùa Nôm còn ủng hộ quỹ an sinh xã hội địa phương sở tại, các gia đình chính sách và hộ nghèo ở các tỉnh miền Núi phía Bắc, tổng trị giá trên 2 tỷ đồng. Mới đây, nhà chùa còn hỗ trợ kịp thời 31 tấn gạo, hơn 3.000 thùng mì ăn liền, cho các xã bị ảnh hưởng dịch Covid-19 của huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Và trên 200 tấn gạo cho các địa phương thuộc tỉnh Hưng Yên.

Chùa Nôm và quần thể di tích làng Nôm, đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1994.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem