Quảng Nam: Khám phá linh địa Trà Kiệu-nơi từng có kinh đô Chăm Pa nay là xứ đạo bình yên và khá giả

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ sáu, ngày 04/06/2021 05:44 AM (GMT+7)
Linh địa Trà Kiệu là một địa danh nổi tiếng thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trà Kiệu từng là một trong những nơi có kinh đô của Chăm Pa đặt tại đây và bây giờ là bà con Công giáo tập trung sinh sống.
Bình luận 0

Song hành cùng với sự phát triển của xã hội, bà con giáo dân Trà Kiệu đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh, góp phần không nhỏ vào sự "thay da đổi thịt" của quê hương.

Quảng Nam: Khám phá linh địa Trà Kiệu-nơi từng có kinh đô Chăm Pa nay là xứ đạo bình yên và khá giả - Ảnh 1.

Toàn cảnh mặt trước của nhà thờ Công giáo Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Sức sống mới ở Trà Kiệu

Trà Kiệu xưa nay được biết đến là nơi sinh sống của đông đảo bà con theo đạo Công giáo. Nơi đây có bề dày lịch sử hình thành lâu đời với vẻ đẹp yên bình, hài hòa vốn có của vùng nông thôn vùng rừng núi.

 Quảng Nam: Linh địa Trà Kiệu thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày càng khấm khá - Ảnh 1.

Nhà thờ Công giáo ở Trà Kiệu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có hai tầng được thiết kế theo kiến trúc châu Âu cổ điển, tầng trên là Thánh đường, tầng dưới là nơi sinh hoạt tôn giáo.

Giới thiệu về xứ đạo Trà Kiệu, ông Lưu Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn nói: "Đạo Công giáo du nhập vào Trà Kiệu ở thế kỷ 18, Trà Kiệu cũng là một trong những nơi có kinh đô Chăm Pa đặt tại đây. Ngày nay, làng đạo Công giáo Trà Kiệu thuộc hai thôn Trà Châu và Kiệu Châu, chiếm khoảng 30% dân số của xã, các hộ gia đình công giáo ở hai thôn này có đời sống khá giả. Bà con giáo dân hiện nay chủ yếu làm nghề thương mại, dịch vụ".

Clip: Linh địa Trà Kiệu vốn xa xưa là kinh đô Chăm Pa, nay là một địa danh nổi tiếng của người Công giáo Việt Nam. Hiện nay, với việc chung tay xây dựng nông thôn mới, Trà Kiệu đang ngày càng "thay da đổi thịt", đời sống người dân ngày càng khấm khá.

Trước đây, bà con giáo dân Trà Kiệu sinh sống chủ yếu dựa vào làm nông nghiệp và lâm nghiệp. Khi tuyến đường quốc lộ 14H được mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ dân phát triển kinh tế ngành nghề dịch vụ - du lịch và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Đặc biệt, nhiều diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả được bà con địa phương chuyển đổi sang trồng sen lấy hạt cho thu nhập khá.

 Quảng Nam: Linh địa Trà Kiệu thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày càng khấm khá - Ảnh 2.

Nhà thờ Trà Kiệu là điểm đến tâm linh của người Công giáo trong vùng.

Ngoài ra, hệ thống giao thông nông thôn khu vực Trà Kiệu được đầu tư mở rộng, chợ Trà Kiệu được xây mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh buôn bán.

Ông Lưu Văn Tuấn cho biết thêm, bà con xứ đạo Trà Kiệu có mức sống khá giả hơn so với đại bộ phận dân cư tại xã Duy Sơn nhờ vào kinh doanh, buôn bán. 

Bà con Công giáo luôn thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của chính quyền, tham gia tích cực vào các phong trào vì an sinh xã hội và đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng quê hương Duy Sơn giàu mạnh.

 Quảng Nam: Linh địa Trà Kiệu thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày càng khấm khá - Ảnh 3.

Giao thông nông thôn ở xã Duy Sơn được đầu tư hoàn thiện, đường làng, ngõ xóm xanh – sạch – đẹp có sự đóng góp không nhỏ của bà con giáo dân.

Nhà thờ ở Trà Kiệu là một điểm đến tâm linh của người dân xứ đạo, Địa sở Trà Kiệu thuộc thôn Kiệu Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1772 ở một vị trí khác và sau đó chuyển đến vị trí như ngày nay vào năm 1865. 

Nhà thờ có hai tầng được thiết kế theo kiến trúc châu Âu cổ điển, tầng trên là Thánh đường, tầng dưới là nơi sinh hoạt tôn giáo.

 Quảng Nam: Linh địa Trà Kiệu thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày càng khấm khá - Ảnh 4.

Làng đạo Trà Kiệu thuộc hai thôn Trà Châu và Kiệu Châu, chiếm khoảng 30% dân số xã Duy Sơn.

Trong khuôn viên nhà thờ, có vườn cây cổ thụ quanh năm tỏa bóng mát, càng làm tôn lên vẻ đẹp cổ kính, yên bình cho nhà thờ. Ngoài ra, mộ phần của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi bên cạnh nhà thờ cũng là nơi được nhiều khách hành hương tìm đến kính viếng.

Vào ngày 31/5 hằng năm, Giáo phận Đà Nẵng tổ chức Đại hội hành hương tại Đức Mẹ Trà Kiệu, vì thế Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu ngày càng thu hút các đoàn hành hương đến đây, thúc đẩy dịch vụ - du lịch, kinh doanh buôn bán phát triển mạnh.

Giáo xứ Trà Kiệu giàu đẹp

Là hộ giáo dân có kinh tế khá giả điển hình ở Trà Kiệu, bà Phạm Thị Thu Phương (63 tuổi, trú thôn Kiệu Châu) bộc bạch: "Nhờ có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương mà tôi có điều kiện thuận lợi để buôn bán vật liệu xây dựng (VLXD). Trung bình mỗi năm, tôi thu lãi hơn 300 triệu đồng, nhờ đó kinh tế gia đình ngày một đi lên, xây nhà cửa khang trang, nuôi 3 con ăn học tử tế".

 Quảng Nam: Linh địa Trà Kiệu thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày càng khấm khá - Ảnh 5.

Mộ phần của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi bên cạnh nhà thờ là nơi được nhiều khách hành hương tìm đến kính viếng.

Hiện nay, cửa hàng kinh doanh VLXD của bà Phương tạo việc làm cho 10 lao động có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. 

Trong số các lao động có anh Nguyễn Đình Linh (45 tuổi), cũng là người Công giáo tại Trà Kiệu, vợ chồng anh đau ốm liên miên, thuộc hộ nghèo của xã, kinh tế khó khăn. Nhưng nhờ có bà Phương tạo điều kiện làm việc, mà anh có thu nhập ổn định trang trải cuộc sống.

 Quảng Nam: Linh địa Trà Kiệu thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày càng khấm khá - Ảnh 6.

Bà Phạm Thị Thu Phương trò chuyện cùng phóng viên về đời sống Công giáo ở Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

 Quảng Nam: Linh địa Trà Kiệu thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày càng khấm khá - Ảnh 6.

Cửa hàng VLXD của bà Phương luôn đông khách, đem lại mức lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

Bên cạnh việc tham gia làm thư ký Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Trà Kiệu và Hội Caritas của giáo phận (tổ chức cứu trợ nhân đạo và phục vụ phát triển xã hội), bà Phương còn tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, đóng góp vào phong trào vì an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 Quảng Nam: Linh địa Trà Kiệu thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày càng khấm khá - Ảnh 7.

Đời sống bà con giáo dân ở Trà Kiệu ngày một khấm khá, nhà cửa được xây dựng khang trang.

Nói đến sự đổi thay của xứ đạo Trà Kiệu, không thể không nhắc đến anh Nguyễn Trường Sơn (49 tuổi, trú thôn Trà Châu) với Công ty thu mua nông sản Trường Sơn. 

Công việc chính của anh là lái xe và thu mua nông sản các loại như: ớt, sắn, bắp, kiệu, lúa… của nông dân quanh vùng về sơ chế, xuất bán cho nhiều đầu mối, hoặc xuất khẩu đi Hàn Quốc, Trung Quốc. Trung bình mỗi năm, anh Sơn thu lãi khoảng 500 triệu đồng.

 Quảng Nam: Linh địa Trà Kiệu "thay da đổi thịt", đời sống người dân ngày càng khấm khá - Ảnh 10.

Mùa ớt năm nay, có ngày anh Sơn thu mua hơn 30 tấn ớt nguyên liệu cho bà con trồng ớt trong vùng.

Anh Sơn chia sẻ: "Tôi rất vui khi công việc của mình giải quyết được phần nào đầu ra cho nông sản của bà con quê mình, đặc biệt là trong bối cảnh đời sống bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Cùng với đó, hoạt động thu mua và sơ chế nông sản của công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, riêng lao động thời vụ vào vụ mùa có khi lên khoảng 100 người".

 Quảng Nam: Linh địa Trà Kiệu thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày càng khấm khá - Ảnh 9.

Bên cạnh việc giúp đỡ thu mua nông sản của người dân, anh Sơn còn tích cực thực hiện tốt các công tác xã hội tại địa phương.

Mùa ớt năm nay, có ngày anh Sơn thu mua hơn 30 tấn ớt, giúp bà con giáo dân nói riêng và nông dân trồng ớt nói chung không bị bế tắc về đầu ra. Dự định trong thời gian tới, anh chọn sản phẩm ớt khô Duy Xuyên để đầu tư phát triển thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. 

Trà Kiệu thủa xa xưa từng là một trong những địa danh đặt kinh đô của Chăm Pa thì ngày nay Trà Kiệu đang là một trong những địa phương của huyện Duy Xuyên năng động, sáng tạo trong phát triển.

Sự đổi thay của Trà Kiệu hôm nay là công sức đóng góp của cả đồng bào Công giáo và đồng bào các tôn giáo, tín ngưỡng khác, thể hiện sự đoàn kết bền chặt, cũng đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.\

Về thăm Trà Kiệu hôm nhận thấy đời sống của người dân làng đạo đã thay đổi rất nhiều, đời sống kinh tế khấm khá, trở thành nơi giao thương nhộn nhịp của cả một vùng. Những ngôi nhà cao tầng, khang trang cứ thế mọc lên san sát, phố sá rộn ràng với khung cảnh đường làng xanh – sạch – đẹp đã "tô điểm" thêm cho vẻ đẹp Linh địa Trà Kiệu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem