Ngày 20/8, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền hơn 130.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 địa phương để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Các địa phương được nhận gạo từ nguồn dự trữ quốc gia gồm TP Hồ Chí Minh và 2 tỉnh Tây nguyên, 14 tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, 9 tỉnh khu vực Nam Trung bộ.
Trước đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.117,8 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 3 tỉnh Bình Phước, Bạc Liêu và Sóc Trăng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Tất nhiên việc xuất cấp gạo sẽ theo tiến độ nhu cầu của người dân, dùng đến đâu, xuất đến đó nhưng đây là những biện pháp ứng phó hết sức kịp thời của Chính phủ để giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn khi không có việc làm, thiếu thốn lương thực.
Dự trữ quốc gia là nguồn lực hết sức quan trọng do Nhà nước quản lý nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và phục vụ quốc phòng, an ninh. Việc đảm bảo luôn luôn đầy đủ hàng dự trữ quốc gia là điều hết sức quan trọng. Khi Nhà nước đã xuất cấp hàng trăm ngàn tấn gạo phục vụ chống dịch thì điều cần kíp ngay lúc này là cần phải nhanh chóng thu mua gạo dự trữ để bù vào khoảng trống trong kho.
Cũng vào đúng lúc này, lúa vụ hè thu ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang mùa thu hoạch rộ lại chới với khi giá đột ngột giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Người nông dân ngay từ đầu vụ vẫn chưa hết chưa hết choáng váng với giá vật tư tăng vọt, rồi sâu bệnh, thời tiết bủa vây nay lại đối mặt với nguy cơ thua lỗ, ngập trong nợ nần.
Theo thông tin từ Cục Trồng trọt, vụ lúa hè thu 2021, toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long gieo cấy được hơn 1,52 triệu ha, năng suất đạt 5,62 tấn/ha, sản lượng dự kiến đạt hơn 8,55 triệu tấn. Tuy nhiên thời điểm lúa hè thu chín rộ trùng vào cao điểm thực hiện giãn cách xã hội nên rất khó kiếm được lực lượng thu hoạch. Vì thế nhiều đám ruộng chín rục gặp vài trận mưa là ngã đổ, hạt lúa bị lên mọng, hao hụt. Lực lượng thu mua khó đi lại, ảnh hưởng đến khâu tiêu thụ đã dồn đẩy người nông dân vào thế khó.
Nông dân nhìn đồng lúa chín vàng của mình mà ngao ngán bởi chỉ sau 1 đêm, giá lúa giảm 400 đồng/kg. Mới hôm trước, thương lái đồng ý mua với giá 5.300 - 5.500 đồng/kg lúa (tươi), nhưng qua hôm sau đột ngột hạ giá xuống còn 5.000 đồng/kg, thậm chí còn 4.700đ. Với giá phân bón, tăng bình quân 30%, đặc biệt là phân ure tăng trên 55% trong năm nay và năng suất 5,6 tấn/ha, công sức, tiền của mà cả gia đình người nông dân một nắng hai sương đổ ra trên cánh đồng trong 3 tháng mỗi công lúa lỗ 400 ngàn đồng. Nếu trồng tới 3ha, con số lỗ không dưới 12 triệu đồng - một con số khủng khiếp với người nông dân vốn chỉ trông chờ từ lợi nhuận cây lúa.
Nguyên nhân của tình trạng này là do giá gạo của hai cường quốc "đối thủ" của gạo Việt Nam là Ấn Độ và Thái Lan đang giảm theo đà giảm giá của đồng tiền quốc gia của họ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo tính toán của một số chuyên gia nghiên cứu độc lập nông nghiệp ở Đồng Tháp, 5 tháng qua, Việt Nam đã nhập 1,6 triệu tấn lúa từ Campuchia và trên 300 ngàn tấn gạo từ Ấn Độ.
Đặc biệt, giá gạo Ấn Độ rẻ bình quân 100 USD/tấn so với gạo cùng loại của Việt Nam, do quốc gia này trúng mùa, và đến thời điểm xả kho gạo dự trữ, lại còn được hưởng thuế suất 0% theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) vì thế đã tạo nên sức ép rất lớn đối lúa gạo Việt Nam.
Cũng theo thống kê của Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính thì giá chào gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất một năm qua, hiện giá dao động khoảng 390 USD/ tấn (giảm khoảng 100 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước). Tại thị trường trong nước, giá thóc gạo nội địa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm liên tục trong nhiều tuần qua, giá lúa tươi đến ngày 5/8 giảm xuống chỉ còn 4.700 đồng/kg.
Dù lúa có thể bảo quản, lưu trữ lâu hơn so với nhiều loại hoa màu, nhưng gần như người trồng lúa rất khó có thể lưu trữ chờ thời cơ giá cao để bán. Bởi điều này, đòi hỏi rất nhiều công sức và mặt bằng kho chứa và vốn – là những điều rất khó đối với người nông dân khi mà họ phải chịu áp lực trả tiền mua sắm vật tư trước đó, cũng như trang trải cuộc sống.
Vì thế ngay lúc này vai trò của nhà nước là hết sức quan trọng. Dự trữ quốc gia vừa xuất cấp hàng trăm ngàn tấn gạo thì cũng có nhu cầu ngần ấy để bù đắp vào khoảng trống trong kho.
Lúa, gạo vụ hè thu thường có chất lượng dự trữ không tốt bằng lúa vụ chiêm xuân, nhưng trong tình hình hiện nay, có lẽ hơn lúc nào hết, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Dự trữ Quốc gia đẩy mạnh thu mua lúa gạo từ nông dân để bù vào khối lượng đã xuất cấp sẽ giải quyết được bài toán bình ổn giá lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long đồng thời đảm bảo được an ninh lương thực. Xuất cấp gạo cứu trợ người dân chống Covid-19 đã trúng một đích, rất cần tiếp tục trúng đích thứ hai.