Xin lỗi dân

Vũ Lân Thứ bảy, ngày 07/08/2021 18:45 PM (GMT+7)
Thời gian qua, nhiều vụ việc "tầy đình" xảy ra ở một số bộ, ngành, địa phương, cơ sở. Không ít tập thể, cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm khuyết điểm, có khi rất nghiêm trọng. Vậy mà người ta lại rất kiệm lời giải thích chứ chưa nói gì đến xin lỗi dân.
Bình luận 0

Cảm ơn hay xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội. Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, với tư cách là những người "đầy tớ trung thành", là "công bộc" của dân thì mỗi khi có sai lầm, khuyết điểm, mặc dù chưa biết nặng, nhẹ thế nào, cử chỉ đầu tiên là phải xin lỗi dân. Đó là thể hiện trách nhiệm trước dân, đồng thời, cũng là thể hiện nét văn hóa, sự văn minh, lịch sự trong giao tiếp, quan hệ với dân.

Chẳng thế mà, trong những năm vừa qua, nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương khi xây dựng Quy tắc ứng xử đều có quy định cán bộ, công chức cần "4 xin": Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Ông cha ta có câu: "Chả được ăn thịt, ăn xôi/Cũng được lời nói cho tôi bằng lòng". 

Trong những năm qua, "xin lỗi" ngày càng trở thành phép ứng xử quen thuộc trong đời sống hằng ngày của cán bộ, đảng viên, công chức và trong người dân với nhau. Cách đây mấy năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có lời xin lỗi dân khi để đoàn xe ô tô đưa đón mình đi vào phố cổ Hội An. 

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh có thư xin lỗi người dân, với tư cách người đứng đầu Bộ Công thương, liên quan đến việc để ôtô biển xanh vào đón người thân tại chân cầu thang máy bay ở sân bay Nội Bài

Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, đã gửi thư xin lỗi ông Trần Đình Bá, vì ông Bá có hành động "phản biện" Tổng Công ty Hàng không và do đó Bộ Giao thông- Vận tải có văn bản gửi tới một số cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra tư cách tiến sĩ của ông Bá.

Trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay, tuy người dân trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả, phiền toái, nhưng lại được "mát lòng, mát dạ" khi một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, đảng viên có những cử chỉ, lời nói chia sẻ, xin lỗi dân. Tối 25/7, trong cuộc họp Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy đã bày tỏ tình cảm, tinh thần trách nhiệm với dân khi phát biểu: "16 ngày qua, Thành phố đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng vẫn còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là nỗi đau chung, khuyết điểm của hệ thống chính trị, người đứng đầu các cấp. Chúng tôi xin nhân dân lượng thứ"!

Xin lỗi dân - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của Trần Văn Em và ông Phó Chủ tịch Phường Vĩnh Hoà (Nha Trang) đã kết luận "bánh mỳ không phải hàng thiết yếu".

Liên quan đến vụ việc ở phường Tấn Tài (TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) thu của người dân 10.000 đồng cho mỗi tấm giấy đi đường, tối 20/7, ông Bùi Văn Phú, Chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm đã gửi đến công dân phường Tấn Tài nói riêng và nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm nói chung, bức thư xin lỗi về sai phạm của cấp dưới. 

Cũng trong dịp này, trưa ngày 20/7, Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang, Khánh Hòa có thư gửi công dân Trần Văn Em, ở thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang để xin lỗi và nhận khuyết điểm trong công tác thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, đề nghị chủ dự án bố trí công việc cho thanh niên bị oan trong câu chuyện có cán bộ cho rằng "bánh mỳ không phải hàng thiết yếu". 

Còn tại Đại hội thể thao Olympic 2020 tại Tokyo Nhật Bản đã và đang diễn ra, thì thắng, thua là chuyện bình thường, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khi chúng ta "đem chuông đi đấm nước người". Đồng bào ta cũng không có mấy người trách móc gì các vận động viên, huấn luyện viên khi thành tích không như mong muốn. Ấy vậy mà, vào chiều 27/7, ông Lưu Văn Thắng, huấn luyện viên cử tạ, lại buồn khi đô cử Hoàng Thị Duyên lỡ cơ hội giành huy chương hạng 59 kg và nói: "Chúng tôi xin lỗi người hâm mộ đã luôn dõi theo, ủng hộ chúng tôi"! Những sự việc trên làm cho dân "được lời như cởi tấm lòng", còn những người "mắc lỗi" không vì thế mà xấu hổ hoặc có cơ hội nhìn nhận lại bản thân một cách nghiêm khắc. 

Trong khi đó, thời gian qua, nhiều vụ việc "tầy đình" xảy ra ở một số bộ, ngành, địa phương, cơ sở. Không ít tập thể, cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm khuyết điểm, có khi rất nghiêm trọng. Vậy mà người ta lại rất  kiệm lời giải thích chứ chưa nói gì đến xin lỗi. Chẳng hạn như tuần trước, một vị Giám đốc sở cùng một ông Cục phó bỏ đi chơi golf giữa lệnh giãn cách, giữa lúc cả tỉnh đang oằn mình chống dịch, vậy nhưng cũng không thấy hai ông quan chức lên tiếng xin lỗi người dân địa phương.

Mới tuần trước, một số địa phương chủ trương "mở cửa" để nhiều lao động, đồng bào cùng vợ chồng, con cái, người thân, bằng đủ phương tiện, ùn ùn kéo nhau về quê tránh dịch. Điều này làm ách tắc, ùn ứ nhiều tuyến đường, ai nấy rất vất vả, cực nhọc, đồng thời có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Mấy ngày nay các địa phương lại "đóng cửa" khuyên mọi người "ai ở nguyên chỗ ấy". Thế nhưng không có lấy một lời giải thích, để nhiều đồng bào ngơ ngác, khó hiểu. 

Cũng ít ngày trước, một số địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội, cho xe đi phun hóa chất, chất khử khuẩn trên nhiều tuyến phố. Thế mà, ngày 2/8, Bộ Y tế lại có Công văn gửi các địa phương đề nghị "không áp dụng biện pháp phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào, gồm cả biện pháp dùng máy phun trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn". "Việc sử dụng số lượng lớn hóa chất diệt khuẩn để phun ngoài trời còn có thể gây hại đến môi trường và làm lãng phí nguồn hóa chất dự trữ cho công tác phòng chống dịch".

Còn có những việc làm, hành động thiếu thống nhất trong cách chỉ đạo tại một số địa phương cơ sở, dẫn tới một số sai lầm nhưng cán bộ cũng không có lời với dân và các đối tượng chịu tác động. Chẳng hạn, việc cấm các shipper chuyển hàng hóa những ngày đầu bùng phát dịch cũng là một ví dụ... 

Đành rằng, trong quá trình phòng, chống đại dịch Covid-19, có những vấn đề còn phải mò mẫm, làm thử, rồi làm đi, làm lại, rút kinh nghiệm. Do đó, không thể tránh được lúng túng, sai sót, bất cập. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng, các địa phương, cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng nên "có lời", thậm chí xin lỗi dân, nhất là trong tình hình các phương tiện truyền thông rất thuận lợi, đa dạng, phong phú như hiện nay. Điều này chẳng những không mất đi uy tín của cán bộ, công chức, mà ngược lại rất được lòng dân!

Để kết thúc bài viết, xin trích ra đây câu chuyện về Bác Hồ xin lỗi dân do Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc, tỉnh Thái Nguyên giới thiệu:

"Tôi đến xin lỗi và cảm ơn mế!

Mùa luyện quân năm 1949, ở chân đèo Khế, có lần một bà mế người Cao Lan bắt gặp một anh bộ đội vô ý để tuột nửa bao ruột tượng gạo trắng xuống đường.

Mế liền hót hết số gạo lẫn cùng đất sỏi, lá mục ấy vào chiếc khăn đội đầu và mang đến nhà chủ tịch xã. Mế yêu cầu phải mang bọc gạo ấy đến tay Cụ Hồ.

Mế nói: Bộ đội mà không biết quý hạt gạo thì còn đói. Mình nói sao xuể. Phải để "chỉ huy" nó biết, mới nói được cho nhiều người nghe.

Chủ tịch xã đành vào khu Chính phủ, nhờ cảnh vệ chuyển đến tay Bác. Ít lâu sau, Bác tìm người dẫn mình đến nhà chủ tịch xã. Ông hết sức cảm động và luống cuống. Bác nói vui:

- Chủ tịch gặp chủ tịch có gì lạ đâu.

Khi tìm hiểu cặn kẽ, Bác nói:

- Chú đã làm được một việc tốt: Kịp thời phản ánh nguyện vọng của nhân dân lên Chính phủ. Làm đầy tớ nhân dân là phải chu đáo như vậy.

Rồi Bác cùng chủ tịch xã tới thăm nhà bà mế. Sau khi hỏi chuyện sức khỏe, chuyện làm ăn, Bác trân trọng trả lại chiếc khăn chàm và nói:

- Cám ơn mế đã cho tôi biết việc làm sai của bộ đội. Bộ đội, cán bộ có lỗi thì Ðảng cũng có lỗi, tôi cũng có lỗi. Tôi đến đây là để xin lỗi và cảm ơn mế.

Bà mế hết sức cảm động, giữ mãi chiếc khăn ấm hơi tay Bác Hồ…".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem