Thông điệp mở mắt từ 8 con hổ đã vĩnh viễn nhắm mắt

Lam Quân Thứ sáu, ngày 13/08/2021 09:41 AM (GMT+7)
Dù xót thương và tiếc nuối, song chúng ta vẫn phải thẳng thắn vào lúc dư luận, báo chí đang "dậy sóng" về vụ giải cứu hổ. Là những nhà báo tham gia điều tra vụ này từ cả năm trước và tận tay đưa nhiều thông tin tố cáo trực tiếp lên cơ quan công an, chúng tôi xin phép nói bằng tự sự của "người trong cuộc".
Bình luận 0

Lời Toà soạn: Thưa quý bạn đọc! Chuyên mục này của chúng tôi vốn luôn đi kèm ảnh chân dung tác giả như một "thương hiệu" và dấu ấn cá nhân đặc biệt của người viết. Tuy nhiên, hôm nay, chúng tôi xin phép thay "ảnh tác giả" bằng một gương mặt đẹp của hổ, loài quý hiếm được bảo vệ đặc biệt trên toàn cầu. Đó c ũng là một cách chân thành nhất để bày tỏ tình cảm và sự trăn trở với cái chết của 8 cá thể hổ trưởng thành vừa bị chết gần sau vụ giải cứu từ xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cách đây 1 tuần. Chúng tôi tin, các cá thể hổ cũng có linh hồn, cảm xúc, tình yêu và tình cảm gia đình; và còn tin hơn là không một ai trên thế gian này muốn các vị ấy cùng lúc nhắm mắt vĩnh viễn một cách xót xa như thế cả.

Trăn trở việc "ném đá" thiếu kiểm soát

Cần khẳng định: Những trách móc nặng lời với các cơ quan thực thi pháp luật liên quan đến vụ này là chưa thấu tình đạt lý. Nhiều bạn cũng "nói văng mạng" với những lời lẽ buốt lòng dành cho cơ quan bảo tồn động vật ngay trên trang web chính thức của các cơ quan đó hoặc bằng nhiều cách khác. Đó là điều đáng để trăn trở trên nhiều lẽ.

Khi chúng tôi đưa tài liệu tố cáo, ngay lập tức các cơ quan chức năng Nghệ An đã rất nhiệt tình; và khi phá án họ tuyệt mật. Đến khi cứu hộ hổ, theo chúng tôi, họ cũng cố gắng làm tương đối bài bản chứ không cẩu thả, tắc trách. Và kể cả nếu có gì chưa thật sự đúng quy củ so với đẳng cấp "cứu hộ quốc tế" dành cho động vật quý hiếm thì cũng là lý do khách quan, khi ở ta chưa có bộ quy chuẩn quốc tế đầy đủ về cứu hộ động vật trong các chuyên án liên quan, như Giám đốc Quốc gia của WCS Việt Nam đã nói rất kĩ trong bài trả lời phỏng vấn trên Dân Việt. Vậy, giả dụ có yếu tố nào đó chưa chu đáo như cần phải có trong cứu hộ (cái này chờ giám định và kết luận) thì cũng là ngoài mong muốn của ban chuyên án và các lực lượng hỗ trợ - như Công an Nghệ An đã nhiều lần trả lời báo chí.

Thông điệp mở mắt từ 8 con hổ đã vĩnh viễn nhắm mắt - Ảnh 1.

Những cá thể hổ được đưa ra khỏi nơi nuôi nhốt trái phép ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Cổng thôn tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An

Theo như những gì tôi được biết, một cuộc cứu hộ tiêu chuẩn mà các tổ chức bảo tổn danh tiếng vẫn thực hiện ở Việt Nam rất hoành tráng. Có sự tham gia của nhiều lực lượng: chuyên gia được đào tạo thú y về cứu hộ dã thú, nhiều chuyên gia người nước ngoài ở lĩnh vực này vẫn làm việc ở nước ta, nhiều người Việt được đào tạo quốc tế chuyên môn sâu. Và mỗi lần Tổ chức Động vật châu Á (tại Việt Nam) rồi Trạm cứu hộ Linh trưởng Cúc Phương đi cứu hộ, họ mang theo các chuyên gia uy tín, đem cả một cỗ xe tải đủ thiết bị chuyên dụng cao cấp. Qua trao đổi với Dân Việt, các đơn vị trên sẵn sàng hỗ trợ các ban chuyên án, khi có đề xuất.

Mặc dù vậy, chúng ta cần có cái nhìn cảm thông, rành mạch: Chuyên án triệt phá nạn nuôi hổ trái phép tại Đô Thành vừa qua đã thành công. Việt Nam chưa từng có vụ nào thu giữ được một số lượng "Chúa Sơn Lâm" to lớn và lớn đến thế. Trong chuyên án vừa qua, các lực lượng chức năng đã mời tới 2 đơn vị có chức năng cứu hộ đi cùng. Không thể nói là những người đánh án đã hoàn toàn cẩu thả. 

Song ngay cả cán bộ gây mê, cứu hộ khi trao đổi với Dân Việt cũng thừa nhận họ chưa từng làm một vụ nào lớn và nguy hiểm thế, bí mật 3 giờ sáng họp và lên đường "người ngựa ngậm tăm" với lực lượng vũ trang phá án. Họ không biết trọng lượng và số lượng chính xác của số hổ; vào đến nơi thì chuồng trại chật hẹp, tối tăm dưới lòng đất. Các đối tượng nuôi hổ và "bà con" chung quanh của họ vô cùng manh động. Hầm nuôi sâu hun hút, lối xuống bé xíu. Lối đi này chỉ dùng để vận chuyển hổ sau khi gây mê (hoặc giết chết) đem đi giết nấu cao, giờ gây mê vận chuyển hổ đi cứu hộ cần "nắn nót", thì bối cảnh trên là cực kỳ khó khăn…

Những chuyên án như thế này không chỉ là vấn đề bảo vệ pháp luật, bảo vệ người dân mà còn là bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học quý báu. Nếu chúng ta áp đặt, quá khích nói bừa, thật sự rất tai hại cho việc cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm trong thời gian tới, có thể tạo nên rào cản vô hình làm chậm lại các chuyên án tương tự trong tương lai. Không dễ gì lần ra manh mối những "làng nuôi hổ" khét tiếng hàng chục năm qua khi chúng được đồng lòng "nguỵ trang" rất cẩn thận bởi mối lợi quá lớn.

Trên hết, góp ý cần cầu thị và cái chết của đàn hổ sẽ "mở mắt" cho chúng ta nhiều điều nhân ái và bao dung.

Bài toán áp dụng "cứu hộ động vật tiêu chuẩn" trong chuyên án "quá nóng"

Cách đây gần chục năm, người viết bài này và đại diện một tổ chức bảo tồn lớn đã quay video cảnh hổ nuôi nhốt trái phép tại nhà ở Nghệ An rồi đề nghị cơ quan chức năng  Nghệ An vào cuộc xử lý. Song, công an Nghệ An ở thời điểm đó đã không có cách để ra đời một chuyên án giải cứu 17 hổ hiệu quả như bây giờ (cả khởi tố, bắt giam đối tượng sai phạm).

Thông điệp mở mắt từ 8 con hổ đã vĩnh viễn nhắm mắt - Ảnh 3.

Các cá thể hổ bị tịch thu ở Đô Thành đều có trọng lượng trên 200kg. Ảnh: Lam Quân.

Có một vụ "kinh điển" khác trong làng cứu hộ dã thú bị nuôi nhốt trái phép mà "người trong cuộc" cả nước vẫn nhắc đến như một nỗi ám ảnh, một bài học về tính phức tạp của "các làng nuôi hổ, nuôi gấu". Ấy là khi các nhà bảo tồn và cơ quan hữu trách bị quây kín xe, bị côn đồ đe dọa hung hãn ở huyện Quỳnh Lưu. Đặc biệt, trả lời báo chí, người trực tiếp đánh án cho biết, họ phải huy động tới khoảng 200 cảnh sát chưa kể lực lượng chức năng hỗ trợ liên ngành và nhiều cấp.

Thẳng thắn mà nói, chuyên án cần tuyệt mật, việc huy động rầm rộ nhiều lực lượng ở nhiều đơn vị tấn công vào một "thành trì" nuôi hổ đã tồn tại nhiều năm là không đơn giản chút nào. Trinh sát chỉ có thể bí mật điều tra biết nhà ai nuôi hổ, chứ không thể cân thử mỗi con hổ nặng bao nhiêu ký lô và vào chuồng tối dưới hầm ngầm ngoằn ngoèo soi đèn pin đếm số hổ một cách chuẩn xác.

Thế nên sai số về lượng hổ và cân nặng (dẫn đến gây mê vận chuyển chưa thật sự khoa học) - nếu sau này kết luận như thế - cũng là không quá khó hiểu. Trong bối cảnh các đối tượng rất manh động, buộc các lực lượng phải "đánh nhanh rút gọn". Làm sao có thời gian cân rồi bắn thuốc mê với các thông số chuẩn chỉ đến từng ký lô trọng lượng cơ thể của hổ. Ngoài ra thật khó để ổn định đám đông huyên náo, có nhiều người phẫn nộ, để chờ 1 tiếng sau cho các cá thể hổ tỉnh lại trong lồng nhốt, rồi mới lăn bánh xe, như quy định. Lại thêm, nếu đúng cứu hộ tiêu chuẩn, trước khi gây mê cần cho hổ ăn ít và tránh stress, lúc đi đường cần đắp khăn tối màu cho hổ khỏi bị hoảng loạn khi tỉnh, có kế hoạch hỗ trợ hô hấp cho hổ khi vận chuyển nếu khám thấy nó có dấu hiệu kém về đường thở. Đó là những điều mà một chiến dịch giải cứu phức tạp như ở Đô Thành khó có thể làm.

Các thách thức đang thôi thúc những người phá án có lương tâm hiện nay là phải mở rộng điều tra. Hổ này mang từ đâu về? Bóc gỡ cả đường dây xuyên tỉnh thành, xuyên quốc gia thế nào? "Làng nuôi hổ" khét tiếng mà chính quyền và các tổ chức thường xuyên đi vận động không nuôi và hãy tố giác sai phạm, đâu chỉ có một hai hộ! Không quá khó khăn để làm điều này với các nhà điều tra lão luyện trong lực lượng công an.

"Cái chết nhân đạo" hay dấu hỏi về giá trị bảo tồn của 17 cá thể hổ

Trước hết cần khẳng định lại cho kín kẽ: 8 cá thể hổ đã chết rất đáng thương xót và tiếc nuối.

Nhưng nói gì thì nói, phải thẳng thắn:

Cơ bản, hầu hết các cá thể trong đàn hổ 24 con vừa được cứu hộ sau phá án kia, chúng đến từ đâu? Theo tài liệu đích đáng hiện nay, hầu như chắc chắn chúng đến từ các trang trại hổ ở nước ngoài hoặc trang trại hổ trái phép nào đó ở Việt Nam. Lời khai của kẻ nuôi hổ là họ mua hổ con từ Lào về, tài liệu điều tra độc lập của Dân Việt (đã gửi công an trước khi họ phá án khoảng 2 tháng) cũng cho thấy như thế.

Thông điệp mở mắt từ 8 con hổ đã vĩnh viễn nhắm mắt - Ảnh 4.

Một con hổ bị nuôi nhốt trong chuồng ở Đô Thành, Nghệ An. Ảnh: Lam Quân.

Chúng tôi từng đến nhiều thủ phủ nuôi hổ khét tiếng ở Lào và ở các nước lân cận, cả vùng Tam Giác Vàng. Nhận định cơ bản của các tổ chức uy tín như WWF, WCS, ENV, SVW… và các chuyên gia hàng đầu đang giám định vụ việc này, cho rằng, hổ đứng trước nguy cơ cao được sinh ra ở trang trại sau quá trình giao phối cận huyết, không có bất cứ sự kiểm soát khoa học nào; nhiều con ra đời trong ngục tối dưới lòng đất bẩn thỉu, chật hẹp như như ở Đô Thành; thức ăn cho chúng trộn nhiều thứ hóa chất vỗ béo để bằng mọi giá hổ nặng nhất khi bán. 

Lũ hổ cũng chưa từng trông thấy ánh sáng mặt trời suốt cả đời. Với đủ loại bệnh tật, lại hầu như không có chút tập tính hoang dã của loài nào cả, không thể thả chúng vào tự nhiên được.  Và nếu "cố đấm ăn xôi" để thả thì cũng lây bệnh sang "cộng đồng" hổ còn sót lại và các loài hoang dã khác ngoài tự nhiên. Việt Nam chưa từng có chuyện tái thả hổ vào hoang dã sau cứu hộ, kể cả con hổ đó vốn nguồn gốc từ tự nhiên. Thức ăn truyền thống của hổ ở ngoài tự nhiên không còn đủ (từ hoẵng, hươu, nai… -  các loại thú móng guốc) và bao giờ chúng mới phục hồi để phục vụ đàn hổ sẽ được thả vào hoang dã kia?

Một chuyên gia nhấn mạnh: Con hổ nặng 3 tạ, nuôi bấy nhiêu năm to béo "không vận động", lại tiềm tàng nguy cơ dịch bệnh. Thêm cả thời gian dài vừa rồi không xuất chuồng được (vì Covid-19), tối thiểu, tính theo "tuổi người" nó cũng phải là ông bà lão 60-70. Nếu đem "cụ" đi nuôi nhốt trưng bày phục vụ tham quan giáo dục cũng không dễ, các cơ sở này sẽ chỉ chọn các cá thể trẻ khỏe và chọn số lượng có hạn thôi.

Safari chẳng hạn, họ nuôi 10 con hổ khỏe để phục vụ tham quan, không lẽ nuôi 300 con cũng để phục vụ tham quan, tiền đâu mà nuôi chúng hết đời như thế? Bài toán "nuôi nhân đạo" hay "cái chết nhân đạo" cho các cá thể già yếu, "lỗi" nguồn gene, hay những con hổ trang trại mà chúng sống chỉ như kéo dài thêm cái đau khổ sau chuỗi bi kịch sinh ra lớn lên từ "ngục tối"? Đó là câu hỏi khó mà nhiều chuyên gia đã kiến nghị đến chúng tôi; ở thời điểm nhạy cảm này, chúng tôi chỉ dám nói đến thế.        

Trong bảo tồn quốc tế có một khái niệm "cái chết nhân đạo" cho động vật. Ông Tilo Nadler và vợ là bà Thu Hiền, sau hơn hai thập niên liên tục làm việc, cứu hộ, chữa bệnh và tái thả động vật quý của Việt Nam và Đông Dương về hoang dã, họ đã phải nhiều lần tiêm thuốc đưa ra cái chết nhân đạo cho động vật. Có con vật, sau 3 lần phẫu thuật ở BV Việt Đức, bị cắt từng bộ phận đã nhiễm trùng do bẫy, bắn và buôn bán trái phép ở Việt Nam, cuối cùng phải đưa ra "cái chết nhân đạo".

Nuôi hổ trái phép trong dân và những hiểm họa

Dù thế nào thì Luật Hình sự và các luật liên quan ở Việt Nam đều coi hành vi nuôi hổ (như ở Đô Thành vừa qua) là trái phép và cần bị xử lý. Theo Công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, vi phạm liên quan đến hổ, có thể chịu mức án tù 15 năm, như luật Việt Nam hiện nay. Và không bao giờ được có sự lẫn lộn, trà trộn, nấu cao rồi lại tuồn hổ con vào nuôi để nấu cao. Mỗi con hổ có vằn trên mặt với các đặc trưng riêng, như "vân tay" hay chứng minh thư của mỗi người. Có thể quản lý chặt được, thậm chí gắn chip điện tử cho chúng được.  

Nếu để ai đó nuôi hổ sinh sản, bán ra thị trường thì sẽ là hiểm họa trong điều kiện Việt Nam hiện nay bởi các trò ma mãnh: Họ sẽ tuồn hổ từ ngoài tự nhiên, hổ bị buôn lậu từ nước ngoài vào trang trại "rửa nguồn gốc" và bán. Đừng nói Việt Nam hầu như không còn hổ thì sợ gì hổ tự nhiên bị tuồn vào trang trại. Thiên nhiên của chúng ta đang phục hồi, các tổ chức cũng đang nỗ lực với sáng kiến tái thả hổ. Vả lại, sẽ xuất hiện bài toán: Quý như hổ còn cho nuôi, thì ta sẽ nuôi nốt báo, tê tê, sơn dương và lại một vòng tròn đem thú rừng từ thiên nhiên vào trang trại và đưa lên bàn tiệc.

Mọi việc không đơn giản tí nào!

Các cá thể hổ chết và vụ 17 con hổ ầm ĩ này đã "mở mắt" để chúng ta phải nghiêm túc xem lại:

Vấn nạn hổ nuôi nhốt hiện nay đang rất nan giải do không xử lý dứt điểm từ đầu, làm vấn đề ngày càng trầm trọng thêm. Để cho dân nuôi thì các cơ quan công quyền sẽ vi phạm, không hoàn thành trách nhiệm công vụ. Nếu bắt giữ hết các hổ vi phạm trong dân, thì bài toán đau đầu là xử lý số lượng hổ ngày càng nhiều này như thế nào? Nếu không bắt sớm, nó sẽ nhiều lên thì bài toán càng khó giải. Bài học về đang "nuôi cứu hộ" số lượng gấu khổng lồ (và rất tốn kém) hiện nay đang là nhãn tiền. Cái này sẽ cần cấp Trung ương vào cuộc, bàn bạc và có phương án rõ ràng. Đấy là chưa kể những rủi ro không nhỏ khi thực hiện công vụ, đặc biệt với các chuyên án lớn và nhạy cảm vì nhiều lẽ như vụ việc ở Nghệ An hiện nay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem