Chen chân đi siêu thị

Nhật Lệ Chủ nhật, ngày 22/08/2021 12:45 PM (GMT+7)
Nhìn dòng người chen chúc đi siêu thị, nhà thuốc, các cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM hôm qua 21/8, mua như chưa bao giờ được mua, nhiều người sợ rằng những nỗ lực chống dịch sẽ quay lại từ đầu. Nhưng sống ở thành phố qua 3 tháng giãn cách sẽ hiểu họ cần được thông cảm chứ không hẳn là đáng trách.
Bình luận 0

Cũng giống như những kệ hàng trống rỗng từng thấy ở Mỹ, ở Úc, ở Pháp khi lần đầu tiên giãn cách xã hội năm ngoái, hay ở Hà Nội khi xuất hiện bệnh nhân 17. Chỉ đáng tiếc là TP.HCM năm nay mới phải dùng biện pháp này, và cũng đã qua nhiều đợt giãn cách, mà vẫn không rút kinh nghiệm, không chuẩn bị đủ để trấn an tinh thần cho dân trước khi siết chặt "ai ở đâu yên đó" để quyết chiến với đại dịch.  

Con người, trước những biến cố, thường là gắng tích trữ những gì có thể, tạm quên cả nỗi ám ảnh dịch bệnh đang thường trực và bào mòn tinh thần, cũng là cách phản ứng không tránh khỏi trước những thay đổi vốn liên tục trong thời gian giãn cách xã hội ngày càng tăng tính nghiêm ngặt gần đây. 

Có người nói, vì sao dân Sài Gòn thiếu ý thức như thế, dịch bệnh tha hồ len lỏi trong đám đông bất chấp nắng nóng, mồ hôi và nỗi lo nhiễm Covid-19 kia.

Chen chân đi siêu thị - Ảnh 1.

Người dân ùn ùn đi siêu thị sáng sớm 21.8 tại TP.HCM. Ảnh: thanhnien.vn

Nhưng, hơn 2 tháng qua, có những gia đình trải qua nhiều mất mát, đến hôm nay, ai còn sống đó vẫn còn ngơ ngác với những tai ương bất ngờ ập xuống nhà mình.

Sống sót trong những ngày này được đã là kỳ tích. Ai hỏi hay so sánh, trách móc cũng chẳng đáng làm gì.

Thành phố lớn nhất cả nước, có giàu có hoa lệ nhưng cũng có hàng triệu người lao động nhập cư,làm bao nhiêu gửi về quê nuôi gia đình; đến khi cửa hàng, phố xá tạm đóng cửa, họ lại rơi vào cảnh thiếu tiền trọ, tiền ăn, nheo nhóc.

Mặc dù chính quyền, không ít tổ chức, đoàn thể và các tỉnh thành ra tay, song với thành phố đông dân này dường như không xuể. Thì đã có người dân và các tổ chức tình nguyện giúp nhau liên tục trong những ngày tháng khó quên này. 

Ngay cả những người ở lại thành phố, những người trung lưu, cũng nhiều lúc, nhiều nơi mua không đủ đồ ăn cần thiết những đợt giãn cách vừa rồi, dù dã tùng tiệm hơn trong "thời chiến" với giặc Covid.

Người ta ra đường vì phải sống và cũng vì không yên tâm. Càng giãn cách, càng phải tích trữ thực phẩm, thuốc men, nhưng làm sao khi các chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng hóa không về kịp là có thật, khi vật giá leo thang và các y bác sĩ tuyến đầu kiệt sức?

Nếu nhắc lại, cũng chỉ vì tụ họp đông đúc không đáng có cùng các đợt siết không chặt… mà ngày hôm nay quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện, số ca nhiễm tăng không ngừng ở thành phố kinh tế năng động nhất nước này. Một thành phố nộp ngân sách lớn nhất giờ phải xin tài trợ…

Tất cả, cũng vì cách truyền thông không chu toàn, tươm tất khiến người dân khó có thể yên tâm. Hôm trước báo đưa tin không phát phiếu đi chợ cho dân, mà các lực lượng phòng chống dịch, quân đội, thanh niên, phụ nữ sẽ cung cấp thực phẩm, khiến người dân lo phải bao nhiêu lực lượng cho đủ! Sáng hôm sau dân ùn ùn kéo nhau hàng nghìn người đi siêu thị. Chiều hôm sau Ban chỉ đạo mới khẳng định siết chặt không phải là phong toả, không thực hiện tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, và mới công bố phân vùng xanh vàng đỏ, trong đó có các nhóm người dân được đi chợ và các nhóm nhận gói hỗ trợ an sinh. Sao các thông tin về giải pháp không công bố từ sớm? Chỉ cần thông tin đầy đủ, cải thiện lại các kênh phân phối hàng hoá hiệu quả, thì đương nhiên người ta tin tưởng và không lo tích trữ.

Dẫu trải qua nhiều mất mát, người dân vẫn sẵn sàng chấp nhận một đợt siết chặt mọi hoạt động trong thành phố triệt để hơn các lần trước, để tìm cách giảm các con số lo âu hàng ngày, giảm tỉ lệ bệnh nhân nặng qua đời, tiêm vaccine để sớm trở lại cuộc sống bình thường mới. 

Quân đội vào cuộc chủ trì để kiểm soát vùng đỏ, giám sát giãn cách, cùng với các tổ chức thanh niên, phụ nữ đưa lương thực thực phẩm và gói an sinh đến người dân, giúp dân tiếp cận y tế - đó là điều được nhiều người mong đợi, rằng với sự quy củ, tổ chức, kỷ luật thì mọi việc sẽ thông suốt hơn… Hơn 70 nghìn tấn gạo sẽ được phát đến người dân, cùng gói cứu trợ 26 nghìn tỷ đồng và hơn nữa… Nhưng bằng cách nào để đến đúng người, đúng địa chỉ, còn là chiến lược được lên kế hoạch cụ thể, khoa học.

Người dân nào cũng mong muốn góp tay đẩy lùi dịch bệnh và mọi công sức của thành phố trở nên có hiệu quả. Vì thế họ mong thành phố  thông tin đầy đủ để họ lo liệu, và đừng bỏ sót những người dễ tổn thương nhất trong thời gian này, kể cả nhóm không có tạm trú, tạm vắng. Và làm gì cũng nên dựa vào dân, chẳng ai hơn tổ dân phố, shipper, các nhóm thiện nguyện từ dân, họ nắm vững từng nhà, từng con đường, từng hoàn cảnh.

Cũng có người đưa ra giải pháp mà các nước đã khống chế được dịch bệnh, cụ thể như ở Ba Lan và một số nước khác ở Bắc Âu, như ngay cả khi phong tỏa, chính phủ vẫn không đóng cửa các siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc, của hàng bán đồ vệ sinh gia đình, hiệu sách... 

Lượng khách sẽ giãn ra theo từng đợt, theo giờ, có siêu thị mở từ 5h sáng đến 1h sáng hôm sau. Và còn có cả khung giờ vàng cho người già trên 60 tuổi.

Các quán ăn vẫn được mang về ở mức độ nào đó. Bên cạnh đó, mọi tổ chức hoạt động đều online, từ bộ máy chính phủ, quyết định hành chính, ngay cả việc xét nghiệm, tiêm chủng, xin trợ cấp của chính phủ cũng online, đủ điều kiện chuyển thẳng luôn vào tài khoản!

Bác sĩ kiêm nhà văn Nguyễn Bảo Trung – Vô Thường, viết: "Bạn thấy đó, những ngày này trên mạng hay ngoài đời, người ta vẫn đang tranh cãi ầm ĩ về những mặt hàng thiết yếu, nên phong tỏa, cách ly hay không, điều trị thế nào là đúng, miễn dịch cộng đồng đạt được hay không..., trong khi đó, dịch bệnh thì âm thầm, virus lây lan không tiếng động, cái chết không báo trước…"

Và anh đặt câu hỏi: "Có bao giờ chúng ta nghĩ đến những gì thiết yếu nhất của cuộc đời mình - mạng sống, tình thâm, công việc, bạn bè… Chúng ta sẽ dần chết khi không có đồ thiết yếu thôi, thiết yếu bây giờ, thời điểm này là tránh lây bệnh cho bản thân và người xung quanh và giữ được hơi thở bình an.

Biết được những gì thiết yếu, chúng ta mới có thể sắp xếp lại mọi thứ".

Ngày mai sẽ là một đợt giãn cách mới, siết chặt hơn nhưng cũng nhiều hy vọng hơn khi có quân đội hỗ trợ mọi việc trong thành phố, khi thông tin đã rõ ràng hơn, vaccine tiêm được nhiều hơn, cả nước chung tay chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía nam. Mong mỏi rằng dịch lên tới đỉnh rồi sẽ đi xuống.

Rồi hy vọng sẽ nhiều hơn là nỗi ám ảnh dịch bệnh hay thiếu thốn. Chỉ cần mỗi người cố gắng giữ hơi thở bình an, tuân thủ 5K, hành động giúp nhau và suy nghĩ tích cực hơn. Và thay vì chỉ trích, hãy tặng nhau nhiều hơn những yêu thương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem