Dân Việt

Thái Nguyên: Đức thánh Đuổm Dương Tự Minh-người dân tộc Tày được làng Xuân La thờ làm thành hoàng

Hà Thanh - Kiều Hải 05/10/2021 07:00 GMT+7
Đình Xuân La (xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) là ngôi đình cổ thời nhà Lê, thờ thủ lĩnh người dân tộc Tày Dương Tự Minh. Ngoài lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cổ, đình Xuân La còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện trong thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm.

Clip: Ông Dương Văn Oanh - Phó Ban Quản lý di tích Đình Chùa làng Xuân La (xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) giới thiệu về lịch sử của đình 

Ngôi đình cổ thờ thành hoàng làng là thủ lĩnh dân tộc Tày

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phải có hơn 100 di tích (đền, đình, nghè, miếu) thờ Dương Tự Minh - người dân tộc Tày, thủ lĩnh phủ Phú Lương xưa, người anh hùng có công trấn ải biên cương phía Bắc thời nhà Lý, giữ bình yên cho nhân dân trong vùng.

Thái Nguyên: Ngôi đình cổ với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo có niên đại hơn 500 năm  - Ảnh 5.

Đình Xuân La ở xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Hà Thanh)

Trong đó, đình Xuân La là một trong những di tích thờ Dương Tự Minh tiêu biểu, đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đình Xuân La nằm giữa xóm Ngoài và xóm Giữa của xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Xưa kia là làng Xuân La bao gồm 3 xóm (xóm Ngoài, xóm Giữa và xóm Núi). Từ nhiều đời nay, đình Xuân La là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.

Thái Nguyên: Ngôi đình cổ với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo có niên đại hơn 500 năm  - Ảnh 2.

Trước cổng đình Xuân La là cây lim cổ thụ có tuổi đời hơn 500 năm. (Ảnh: Hà Thanh)

Cách đình khoảng 500m còn có 2 nghè thờ hai người vợ của Dương Tự Minh, một nghè thờ công chúa Diên Bình và một nghè thờ công chúa Thiều Dung.

Trước cửa đình có một cây lim cổ thụ có tuổi đời trên 500 năm, tạo nên không gian đậm nét cổ xưa. Còn phía sau đình là chùa Xuân La cũng có niên đại vài trăm năm.

Trong chùa cổ này có 32 pho tượng, 10 cột đá và một chiếc chuông đồng cổ. Đặc biệt, trước cửa chùa có một cây hương đá hàng trăm năm tuổi.

Thái Nguyên: Ngôi đình cổ với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo có niên đại hơn 500 năm  - Ảnh 3.

Chùa cổ phía sau đình Xuân La, tạo nên một quần thể di tích lịch sử giá trị. (Ảnh: Hà Thanh)

Thái Nguyên: Ngôi đình cổ với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo có niên đại hơn 500 năm  - Ảnh 4.

Nghè thờ công chúa Diên Bình - vợ của Đức thánh Dương Tự Minh (Ảnh: Hà Thanh)

Đình Xuân La có chiều dài 23m, rộng 12m, cao 6m, trước đây được làm toàn bộ bằng gỗ lim. 

Đình có 6 hàng cột, mỗi hàng có 8 cột, tổng số 48 cột, đường kính các cột từ 0,4m đến 0,5m, chân cột được kê trên tảng đá xanh. Mái đình được lợp bằng ngói mũi nhỏ. Các đầu kẻ, kèo được trạm trổ hoa văn tinh xảo, có giá trị rất lớn về mặt kiến trúc nghệ thuật.

Điểm đặc biệt của đình Xuân La là đao đình được làm bằng 4 cột gỗ lớn. Ở mỗi góc đình đặt 1 linh vật tương ứng với tứ linh là long, ly, quy, phụng.

Thái Nguyên: Ngôi đình cổ với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo có niên đại hơn 500 năm  - Ảnh 6.

Chân cột đình Xuân La được kê đá xanh (Ảnh: Hà Thanh)

Thái Nguyên: Ngôi đình cổ với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo có niên đại hơn 500 năm  - Ảnh 7.

Đao đình được dựng lên từ 4 cột gỗ lớn (Ảnh: Hà Thanh)

Đình được xây dựng theo kiểu chữ Đinh với "Đình trước, Chùa sau". Nóc đình có lưỡng long chầu nguyệt trông rất uy nghi. Trong đình có thượng cung để thờ cúng, trên thượng cung có bức hoành phi khắc dòng chữ Thánh cung vạn tuế.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, trước đây, đình là đình sàn chứ không phải nền đất như bây giờ, vì có dấu tích của việc lắp xà và kê ván trên các cột đình.

Trải qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa nhưng đình Xuân La vẫn giữ được những nét đặc trưng vốn có của kiến trúc thời Lê.

Thái Nguyên: Ngôi đình cổ với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo có niên đại hơn 500 năm  - Ảnh 10.

Các đầu kẻ, kèo được trạm trổ hoa văn tinh xảo, có giá trị lớn về mặt kiến trúc nghệ thuật (Ảnh: Hà Thanh)

Đến nay, đình Xuân La còn lưu giữ được nhiều di vật quý thuộc nhiều loại hình và niên đại khác nhau. 

Ví dụ như cuốn thần phả "Bản thôn thần thành hoàng sự tích" bằng chữ Hán Nôm được sao lại lần cuối năm 1883; 3 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn, 2 chiếc tàn, 2 lọng, 2 câu đối với nội dung ca ngợi đức thánh Dương Tự Minh; 1 y môn bằng vải thêu rồng chầu mặt nguyệt và đề tài tứ linh.

Ngoài ra, trong đình còn nhiều hiện vật điêu khắc nghệ thuật gỗ như: Tượng sơn mài tạc chân dung đức thánh Dương Tự Minh; 1 hương án gỗ chạm tứ linh, tứ quý...

Thái Nguyên: Ngôi đình cổ với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo có niên đại hơn 500 năm  - Ảnh 12.

Dấu tích trên cột đình cho thấy xưa kia đình là đình sàn. (Ảnh: Hà Thanh)

Đặc biệt, cỗ kiệu bát cống sơn son thiếp vàng hiện nay vẫn được dùng để rước kiệu vào mỗi dịp đại lễ của năm với 8 người khiêng. Trên mỗi tay kiệu có khắc một con rồng lớn và một rồng con quay phần đuôi lại với nhau trông rất lạ mắt.

Bên cạnh đó, ở đình Xuân La cũng còn lưu lại cây quán tẩy; 1 cửa võng kiểu diềm hoa lá hóa rồng chầu nguyệt; 4 bức tranh gỗ (2 quan văn và 2 quan võ).

Ghi dấu ấn trong thời kỳ cách mạng

Ngoài có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cổ, đình Xuân La còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện trong thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm.

Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đình Xuân La là nơi đầu tiên trong huyện Phú Bình tổ chức mít tinh làm lễ tế cờ chào mừng quân giải phóng.

Từ năm 1946-1948, đình Xuân La là nơi đóng quân của Bệnh viện Quân Y thuộc Quân Khu Việt Bắc xưa (nay là Quân khu I).

Từ năm 1949-1950, trường Quân chính của Quân khu Việt Bắc cũng sử dụng nơi đây làm nơi đào tạo, huấn luyện cán bộ trung đội, đại đội, bổ sung quân cho các chiến trường.

Năm 1951–1954, đình Xuân La lại đón trường Phổ thông Trung học Hàn Thuyên (Bắc Ninh) sơ tán về đây.

Thái Nguyên: Ngôi đình cổ với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo có niên đại hơn 500 năm  - Ảnh 13.

Cỗ kiệu bát cống sơn son thiếp vàng dùng để rước kiệu vào mỗi dịp đại lễ. (Ảnh: Hà Thanh)

Sau năm 1954, hòa bình lập lại, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, đình Xuân La là nơi được xã, huyện mở nhiều hội nghị triển khai các hoạt động của địa phương.

Còn trong thời kỳ kháng chống Mỹ từ năm 1965 - 1967, Trung đoàn 250 Quân Khu Việt Bắc đã chọn đình Xuân La làm trung tâm huấn luyện cán bộ, chiến sĩ để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thái Nguyên: Ngôi đình cổ với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo có niên đại hơn 500 năm  - Ảnh 15.

Đình Xuân La còn lưu giữ 1 bản hương ước và nhiều thần tích, thần sắc được ghi chép lại. (Ảnh: Hà Thanh)

Hằng năm, tại đình Xuân La vẫn tổ chức các nghi lễ và lễ hội cổ truyền với nhiều ý nghĩa khác nhau, thu hút đông đảo khách thập phương tham dự.

Trải qua thời gian, nhiều kiến trúc trong đình đã bị xuống cấp. Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có kế hoạch phân bổ 15 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo đình Xuân La, nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử và bản sắc dân tộc cho con cháu nhiều đời sau.