Lá mì xào cà đắng vốn là món ăn thường ngày của người dân bản địa ở Gia Lai. Thế nhưng, nhiều năm nay món ăn này đã trở nên quen thuộc đối với những người con của mảnh đất đỏ bazan và thực khách ngoại tỉnh.
Từng chỉ là món ăn thường ngày của người dân bản địa, nhiều năm nay lá mì xào cà đắng đã trở thành đặc sản ở nhiều hàng quán tại Gia Lai. Không chỉ phục vụ thực khách trong tỉnh, lá mì xào cá đắng còn ghi dấu ấn khó phai đối với các thực khách phương xa.
Chị Rơ Châm Lan, người Jrai(trú tại làng Ốp, TP.PLeiku, Gia Lai) cho hay: "Nguyên liệu không thể thiếu trong món lá mì là hoa, lá cây đu đủ đực, ớt hiểm. Để tăng thêm vị béo cho món ăn, bà con thường bỏ thêm thịt ba chỉ, cá trích… Bà con Jrai chúng tôi thường chọn hái những lá mì non ngay từ lúc sáng sớm để món đặc sản có hương vị ngon lành nhất. Những đọt lá mì non được hái từ sáng sớm rồi đem rửa sạch, để ráo nước".
"Giai đoạn vất vả nhất của món ăn chính là vò hoặc giã lá mì cho thật nhuyễn. Lá mì càng vò nát sẽ càng ngon, vị bùi hơn. Nếu số lượng nấu nhiều thì bà con thường dùng cối để giã trong nhiều giờ. Cà đắng rửa sạch, ớt xanh cắt nhỏ hoặc để nguyên quả".
Theo chị Lan, khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu sẽ đổ tất cả vào một chiếc chảo lớn. Khi xào, lá mì và hoa đu đủ, cà đắng sẽ hòa quyện vào nhau. Món lá mì được xào nhanh trên lửa lớn rồi nhỏ lửa. Bí quyết để món lá mì xào ngon là cách giữ lửa liu riu để lá mì chín nhưng không khô, cà chỉ chín tới, hoa đu đủ còn giòn tươi.
Đánh giá về món ăn này, anh Nguyễn Đông Hưng (sống tại Đà Nẵng) nhận xét: "Mình sinh ra ở vùng biển nên rất thích những món ăn mang đậm hương vị núi rừng và lá mì xào cà đắng là món ăn đầu tiên mình thưởng thức. Ban đầu ăn có vị đắng, nhưng rất béo và ngon.
Quan sát người Jrai hoàn thành món ăn này, mình thấy không quá cầu kỳ nhưng khá lâu ở giai đoạn vò lá. Lá mì xào cà đắng mang đến vị lạ miệng với thực khách.
Khi thưởng thức, vị đắng của lá mì, cà và hoa đu đủ đực quyện với vị béo ngậy của mỡ heo, cá khô. Đặc biệt, món ăn muốn ngon phải có thêm vị cay của ớt hiểm tạo nên sự kích thích, lạ miệng ngay từ miếng đầu tiên".
Đối với người dân Gia Lai nói riêng hay các du khách phương xa đến với mảnh đất cao nguyên nói chung đều tìm bằng được những quán ăn đậm chất bản địa để thưởng thức đặc sản lá mì xào cà đắng.
Gà sa lửa chấm muối lá é, ăn kèm cơm lam
Bên cạnh lá mì xào cà đắng, gà nướng (gà sa lửa) cơm lam từ lâu cũng được biết đến là món ăn phổ biến của bà con người dân tộc Jrai tại Tây Nguyên. Thường khi lên nương rẫy, bà con người Jrai lại gùi thêm gạo. Sau những giờ lao động mệt nhọc, nghỉ trưa họ thường dùng cây tre, nứa làm nồi để nấu cơm, nấu thịt.
Những ống cơm lam vừa thổi, vừa ăn với hoa chuối, cá, suối, rau đắng, đặc biệt là gà nướng, thịt nướng đã xua tan những vất vả, lo toan của người dân bản địa. Từ đó gà sa lửa chấm muối lá é, ăn kèm cơm lam ở Gia Lai có mùi vị riêng, đậm chất của núi rừng.
Theo kinh nghiệm của người Jrai, gà nướng chỉ nên chọn những con gà tơ trên dưới 1kg. Gà nướng được pha từ hành tím, sả, tỏi giả nhuyễn trộn với ngũ vị hương, mật ong, tiêu, nước mắm, muối và các loại lá rừng… Gà ướp khoảng 30 phút đến một tiếng thì cho vào giữa cây tre non chẻ đôi, kẹp chặt rồi đặt lên bếp nướng. Ăn kèm với gà nướng không thể thiếu muối lá é. Một loại lá có mùi thơm gần giống với rau húng quế.
Lớn lên từ những bữa cơm lam trong rừng sâu, vì vậy anh A Ngưi (trú tại làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai) luôn muốn giới thiệu đến mọi người khắp cả nước biết đến những món ăn, bản sắc của dân tộc.
Chia sẻ với chúng tôi, anh A Ngưi cho biết: "Món cơm lam thể hiện sâu sắc tính cộng đồng, gắn kết chặt chẽ với nhiều chi tiết liên quan đến đời sống của người dân. Nó tiện cho bà con trong mỗi chuyến đi nương rẫy dài ngày. Tôi mong muốn có thể nâng cấp món ăn cơm lam, gà nướng trở thành một món ăn phục vụ trong những nhà hàng lớn, văn hóa ẩm thực của dân tộc để được nhiều người biết hơn".
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều nhà hàng, homestay đã đưa món cơm lam, gà nướng vào thực đơn những món chính.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.