Dân Việt

Giá cau xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao, một nông dân tỉnh Vĩnh Phúc làm nghề đơn giản này mà thu tiền tỷ

Nguyễn Hường 27/10/2021 13:10 GMT+7
Thu mua những quả cau tươi để sấy khô rồi xuất khẩu sang Trung Quốc, một hướng đi có phần khác lạ với nhiều người nhưng lại đang đem về cho gia đình anh Nguyễn Tiến Đường, ở xã Văn Quán, Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) khoản thu nhập “khủng” mỗi năm.

Đến nhà anh Đường đúng thời điểm cau đang vào vụ thu hoạch chính. Nhìn cảnh người tới mua cau tấp nập, phần nào cũng cảm nhận được hiệu quả của mô hình kinh tế khá mới mẻ này. 

Mặc dù, nghề sấy cau còn xa lạ với nhiều người, song với gia đình anh Đường thì không hẳn là một nghề mới.

Giá cau xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao, một nông dân tỉnh Vĩnh Phúc làm nghề đơn giản này mà thu tiền tỷ - Ảnh 1.

Mô hình sấy cau khô xuất khẩu của gia đình anh Nguyễn Tiến Đường (xã Văn Quán, Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) giải quyết việc làm cho 15 -20 lao động. Ảnh: Chu Kiều


Chia sẻ với chúng tôi, anh Đường cho biết: Gia đình anh làm nghề buôn cau từ hàng chục năm nay. Trước đây là bố anh, sau tới anh. Từ chỗ phải đi khắp nơi, gõ cửa từng nhà để thu mua từng buồng cau, năm 1993, gia đình anh mở đại lý, nhận thu mua cau tươi.

Thời gian đầu, lượng giao dịch mỗi ngày chỉ khoảng 5 -15 tấn cau tươi. Nhờ làm ăn uy tín, quy mô đại lý lớn dần, có thời điểm gia đình anh thu mua lên tới 60 - 70 tấn cau tươi/ngày.

Sau thời dài lăn lộn trong nghề buôn cau, sẵn nguồn cau tươi, cũng như quen biết với nhiều mối hàng, 7 năm trước, anh Đường cùng gia đình quyết định đầu tư xây dựng lò sấy, bắt đầu đi theo hướng sấy cau khô xuất khẩu.

Anh Đường cho biết: Sấy cau không khó, nhưng phải trải qua nhiều công đoạn. Cau tươi sau khi đem về sẽ được lựa chọn, phân loại, vệ sinh sạch sẽ. Sau đó được đem đi luộc qua, để ráo rồi mới cho vào lò sấy khô.

Trung bình, cứ 5 tấn cau tươi sẽ ra được 1 tấn cau khô. Tất nhiên, sau khi cau được sấy khô lại tiếp tục trải qua một đợt sàng lọc kỹ càng, chỉ những quả đạt chất lượng mới được xuất bán sang Trung Quốc phục vụ chế biến kẹo cau.

Vì làm mang tính thử nghiệm nên quy mô lò sấy khi ấy còn khá nhỏ, lượng cau sấy không nhiều. Cau thu mua về chủ yếu vẫn dành bán lại cho các lò sấy ở các nơi. Sau một thời gian vận hành, nhận thấy hiệu quả của hướng đi mới này, anh tiếp tục nâng sản lượng cau sấy khô.

Năm 2020, gia đình anh mạnh dạn đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống tời cẩu, bếp lò, quạt… để sấy cau. Với công suất lò sấy lên tới 20 tấn/ngày, thay vì đổ buôn cho các lò như trước, toàn bộ lượng cau thu mua về từ các đại lý đều anh được đưa vào sấy phục vụ xuất khẩu.

Sản lượng cau sấy được nâng lên, doanh thu cũng nhờ đó mà tăng nhanh. Chỉ tính riêng năm 2020, doanh thu từ hoạt động sấy cau của gia đình anh đã lên tới 100 tỷ đồng. 

Bước sang năm 2021, dù mới chớm vào vụ chính, song doanh thu của xưởng cũng đã đạt 50 tỷ đồng. Những con số có thể nói là mơ ước của nhiều người.

Với kinh nghiệm 7 năm trong nghề sấy cau xuất khẩu, anh Đường cho biết: “Sấy cau khô xuất khẩu là một nghề có lãi suất cao, tuy vậy nghề này cũng khá mạo hiểm.

Mặc dù bắt đầu mỗi vụ cau, chúng tôi đều ký hợp đồng với thương lái Trung Quốc, tuy nhiên họ chỉ đảm bảo sản lượng tiêu thụ, còn giá cả lại phụ thuộc vào thị trường.

Trường hợp mình mua cau tươi giá cao nhưng bán ra cau khô giá thấp thì sẽ lỗ nặng. Do đó, người làm nghề cần phải nhanh nhạy trong việc nắm bắt sự thay đổi của thị trường”.

Mạo hiểm là vậy, song với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề buôn cau, suốt thời gian làm nghề, gia đình anh gần như chưa khi nào chịu cảnh thất thu. Không chỉ đem lại nguồn lợi không nhỏ cho gia đình, xưởng sấy cau của gia đình anh Đường tạo việc làm ổn định cho 15 - 20 lao động tại xưởng.

Chia sẻ về định hướng trong tương lai, anh Đường cho biết: “Trên cơ sở công nghệ, máy móc sẵn có, bên cạnh hoạt động của xưởng sấy cau, hiện gia đình tôi cũng đang bắt đầu sản xuất thêm một sản phẩm mới là phân bón cho hoa lan.

Theo đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thành lập HTX, làm các thủ tục liên quan tới bảo hộ nhãn hiệu và tập trung phát triển sản phẩm mới này”.

Đánh giá về mô hình kinh tế của gia đình anh Đường, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Quán cho biết: “Không chỉ đem thu nhập cao, mô hình kinh tế của gia đình anh Đường còn góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Với một xã thuần nông vốn quen thuộc với trồng trọt, chăn nuôi như Văn Quán, thì đây là một hướng đi khá mới lạ, áp dụng được tiến bộ KHCN vào sản xuất. Đó cũng là hướng sản xuất mà Đảng ủy và chính quyền xã đang khuyến khích, thúc đẩy”.