Nông dân Vĩnh Phúc: Sống khỏe nhờ bí lai

Thứ ba, ngày 18/02/2014 10:20 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, những mô hình trồng bí xanh, bí đỏ thế hệ lai đã góp phần giúp nông dân Vĩnh Phúc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, thay đổi tập quán canh tác và có thu nhập vượt trội so với trồng lúa.
Bình luận 0
Nhanh thu hoạch, lãi cao

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã diễn ra tại Vĩnh Phúc từ hàng chục năm trước. Thời gian gần đây, tỉnh này tiếp tục đưa nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, như đậu tương, lạc, bí xanh, bí đỏ… Trong đó, bí đỏ là một trong những loại cây màu ngắn ngày được nông dân Vĩnh Phúc vô cùng “ưu ái”, nhiều hộ thu nhập cả trăm triệu đồng/vụ từ cây bí đỏ đã không còn là chuyện hiếm.

Trồng bí xanh thế hệ lai giúp nông dân Vĩnh Phúc có thu nhập khá.
Trồng bí xanh thế hệ lai giúp nông dân Vĩnh Phúc có thu nhập khá.

Phòng NNPTNT huyện Vĩnh Tường cho biết, trước đây, nhiều diện tích đất bãi trên địa bàn huyện chủ yếu trồng bí ngô, năng suất thấp, thu nhập chẳng đáng là bao, nhưng từ năm 2006 đến nay, phong trào trồng bí đỏ tại Vĩnh Tường phát triển rất mạnh, diện tích tăng lên gấp nhiều lần. Từ 36ha trồng chủ yếu ở 4 xã Vĩnh Sơn, Kim Xá, Yên Lập, Vũ Di, đến nay cây bí đỏ đã được trồng tập trung ở 11 vùng của huyện, diện tích từ 600-700ha/vụ, chưa kể hàng chục ha bí xanh.

Điều đáng chú ý là thời gian gần đây, nông dân trong huyện liên tục đưa các giống bí lai thế hệ mới như bí đỏ F1 Gold Star 998, F1-868, Dream 968; hay các giống bí xanh lai F1 như Fuji 868, Tara 888… vào sản xuất nên cây bí phát triển mạnh, ít sâu bệnh, tỷ lệ đậu quả cao, năng suất vượt trội.

Anh Phan Minh Thanh ở thôn Xuân Lai, xã Vũ Di (huyện Vĩnh Tường) cho biết: Vụ đông năm 2013, gia đình tôi trồng 2 sào bí xanh Fuji 868, chỉ sau 2 tháng bí đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 2 tấn/sào.

Hầu hết bí xanh được gia đình bán hết ngay tại ruộng, với giá 10.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 20 triệu đồng, trừ chi phí lãi 12 triệu đồng/sào/vụ. Do nhu cầu dùng bí làm thực phẩm, trà bí đao ngày càng cao nên chúng tôi thu hoạch đến đâu, tiểu thương mua hết đến đó, nhàn hơn so với trồng lúa nhiều.

Theo ông Đỗ Mạnh Toàn – Chủ tịch UBND xã Vũ Di, bí đỏ hiện là cây vụ đông chủ lực của xã, với tổng diện tích gieo trồng năm 2013 khoảng 105ha, ngoài ra còn có 5ha bí xanh. Thực tế cho thấy, trồng bí “ngon ăn” hơn so với trồng lúa vì dễ làm, ít sâu bệnh, nhanh thu hoạch.

Bắt tay với doanh nghiệp

Trò chuyện với phóng viên, anh Thanh tâm sự: “Làm nông bây giờ tuy chưa hết vất vả, nhưng sướng hơn xưa nhiều vì được Nhà nước, tỉnh quan tâm hỗ trợ; có sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp. Họ liên tục đưa ra các loại giống mới ngắn ngày, năng suất cao, hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật gieo trồng mới và bao tiêu sản phẩm. Với cây bí, đến nay hầu hết bà con đều áp dụng kỹ thuật làm giàn leo, năng suất, chất lượng đều cao gấp đôi so với bò đất”.

Sau 7 năm triển khai vùng sản xuất bí đỏ hàng hóa, Vĩnh Phúc đã xây dựng được hơn 100 vùng trồng bí đỏ tập trung với tổng diện tích 1.500ha, năng suất bình quân 500 - 600kg/sào, bà con thu lãi 2 - 2,5 triệu đồng/sào.

Ông Nguyễn Hải Thọ - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) cho biết: Nhiều năm nay, Vinaseed đã đồng hành cùng nông dân đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất, trong đó có nhiều mô hình Vinaseed tham gia từ khâu hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm.

Tại Vĩnh Phúc, các mô hình trình diễn giống bí lai đều được công ty hỗ trợ 100% giống, phân bón, quy mô khoảng 0,5 – 1ha/mô hình.

Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc - ông Nguyễn Tiến Phong cho biết thêm: Để khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo hướng hàng hóa, UBND tỉnh đã hỗ trợ bà con với mức 5,4 triệu đồng/ha bí đỏ, 6 triệu đồng/ha bí xanh, cà chua 7 triệu đồng/ha, dưa các loại 6 triệu đồng/ha… Trong đó, vụ đông năm 2013 tỉnh đã cấp vốn hỗ trợ cho 581,5ha bí đỏ và 12ha bí xanh.
Minh Huệ (Minh Huệ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem