Khi ấy ông tỷ phú trồng mai Mã Thanh Phương là chàng thanh niên chăn bò nghèo khó. Đối với ông, trồng mai không chỉ để mưu sinh hay làm giàu, mà sắc vàng tươi tắn của mai dường như đã ngấm vào máu thịt ông với niềm đam mê vô tận.
Chính vì vậy mà trong gần 30 năm trồng mai, dù trải qua bao bận khó khăn, ông Phương vẫn bám trụ với nghề trồng cây cảnh.
Trong cái nắng oi bức của những ngày cuối năm, chúng tôi được chị Trương Thị Đẹp, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hiệp Bình Chánh hướng dẫn đường đến nhà người nông dân Mã Thanh Phương.
Nhà ông nằm trong khu vực nông thôn không khác gì nhiều làng quê Nam bộ yên ả với cạnh nhà là cây cầu, dòng sông và những mảng cỏ dại mọc quanh.
Chỉ khác chăng khu đất bao quanh ngôi nhà của ông là một vườn mai rộng lớn, đang được xuống lá, kết những chùm nụ xanh mơn, lác đác đã có những chùm mai nở vàng rực…
Lúc chúng tôi gặp, ông vẫn tất bật cùng nhân công săn sóc mai ngoài vườn. Ông Phương cho hay, từ nay đến Tết là coi như “ăn ngủ” suốt ở vườn cây cảnh với đủ thứ việc phải làm, canh từng ngày để bón phân, tưới nước, chăm sóc để hoa nở đúng ngày Tết…
Dù người đang mệt thấm ướt mồ hôi, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về chuyện trồng mai, ông Phương như quên hết mệt nhọc, say sưa kể về những thăng trầm trong sự nghiệp trồng cây cảnh của mình.
Ông cho hay, cũng như nhiều nông dân khác ở đây, từ nhỏ ông cũng làm ruộng, trồng mía, nhưng có năm được - năm thất mùa, thu nhập bấp bênh.
Ông nghĩ rằng nếu cứ kéo dài tình trạng này thì vẫn cứ kham khổ, phải chuyển đổi hình thức cây trồng. Thời điểm này thấy nhiều người trồng mai, ý tưởng lóe lên nhưng tay không đồng vốn, ông chẳng thể đi mua mai về để trồng như người ta, nên ý nghĩ đó cứ cất mãi trong đầu mà chưa thực hiện được.
Rồi trong những lần đi chăn bò, lúc cắt cỏ cho bò ăn, ông đã nhổ những cây mai đất, mai dại mọc ven đường, mọc chen trong các lùm cây.
Cứ mỗi ngày đi chăn bò tới đâu mà tìm thấy mai mọc hoang là ông nhổ đem về. Những cây mai nhỏ chừng tháng tuổi thân bằng que tăm, ông tập hợp lại dăm cây xuống đất, trồng khoảng 3-5 tháng sau thì tuyển lại, chọn cây khỏe để chiết ra dưỡng tiếp...
“Trong khi lúc đó người ta bán mai lớn thân to khoảng cùm tay trồng trong hai năm thì có thể trổ bông thu hoạch rồi, nhưng mình không có vốn nên đi nhổ mót mai như vậy, nhưng tỉ lệ mai sống trụ lại rất ít, rồi tôi lại kiên nhẫn đi nhổ, lứa này nối tiếp lứa kia, tìm hiểu kỹ thuật trồng mai, học hỏi người ta để khắc phục…Kéo dài như vậy khoảng 5 năm sau thì thu hoạch lứa mai đầu tiên”, ông Phương tâm sự.
Mặc dù vậy nhưng lúc đó do trồng nhỏ lẻ, lại không có kinh nghiệm nhiều nên những cây mai của ông Phương trồng không đẹp như ý, đem bán lúc được lúc không, khá bấp bênh, dẫu vậy cũng có ít tiền để trang trải, nên ông có động lực làm tiếp.
Ông Phương chia sẻ, khi bắt đầu trồng mai ông khoảng 30 tuổi, cho đến 10 năm sau thì vẫn còn khó khăn, thời điểm đó người ta trồng mai lớn trong khi ông vẫn làm nhỏ lẻ nên không bằng được họ.
Đặc tính của mai không giống những cây trồng, cây kiểng khác, thời gian nuôi dưỡng rất lâu nhưng chỉ thu hoạch có một mùa Tết.
Nếu chẳng may vì thời tiết thất thường hay người trồng thiếu kinh nghiệm thì coi như năm đó mất trắng, phải làm lại. Thậm chí khi mai nở đẹp, đúng ngày nhưng thị trường cạnh tranh, quá nhiều người bán thì cũng rớt giá…
Nhớ lại những ngày tháng bấp bênh đó, ông Mã Thanh Phương nói nếu không phải vì sự đam mê, vì đã dành quá nhiều tình cảm cho loài cây mang cái hồn, cái cốt cách của người Nam Bộ này, thì có lẽ ông đã chuyển đổi nghề từ lâu rồi.
Trong những lúc cực nhọc khó khăn đó, nhưng mỗi lần có người đến mua, họ trầm trồ khen ngợi mai nở đẹp quá, thì ông cảm thấy mãn nguyện, bao khó khăn cực nhọc trước đó như tan biến hết, để ông có nghị lực làm tiếp.
Trở lại câu chuyện trở thành tỉ phú nhờ trồng mai, ông Phương cho biết, sau thời gian dài trồng mai đất thấy không mấy khả thi vì không cạnh tranh được, mai đem ra bán luôn “lép vế” với những nhà nông trồng lâu năm. Đến năm 2005, ông chuyển sang mai ghép.
So với mai thường chỉ có năm cánh, thì mai ghép có thể tới 10 cánh hoặc hơn, cánh tròn đều và to hơn, lại khỏe và lâu rụng...
Tuy nhiên, vài ba năm đầu cũng ì ạch do chưa có kinh nghiệm. Vậy là ông tiếp tục mày mò học hỏi những người đi trước. Rồi dần dần, tình hình có khả quan hơn.
“Lúc này thu nhập mỗi năm 70-80 triệu đồng, đà này phấn khởi rồi, qua năm sau thu nhập lên 120 triệu, rồi 150 triệu đồng. Đến năm 2010 là ổn định nguồn khách, thu nhập lúc đó 300-400 triệu, rồi năm 2012 lên 700-800 triệu, năm 2014 thu nhập từ mai được 1 tỉ đồng, năm 2015 khoảng hơn 1,2 tỉ đồng. Đỉnh điểm năm 2017 thu nhập được 2,6 tỉ đồng nhưng năm 2018 giảm còn 2,2 tỉ, năm 2019 cũng tiếp tục giảm”, ông Phương cho biết.
Ông Phương tâm tư, thách thức hiện nay đối với bản thân ông và những nông dân trồng cây cảnh nói chung và trồng mai nói riêng là nhu cầu chơi mai không nhiều như vài năm trước, vì vậy mà nhiều người cũng đã bỏ nghề, hoặc chuyển đổi kinh doanh, thu hẹp diện tích trồng mai.
Tuy nhiên, theo ông Phương, so với trước đây thì hiện nay nhờ có các chính sách hỗ trợ vốn và kỹ thuật từ nhà nước mà người nông dân nói chung và những người trồng mai như ông dù thu nhập không còn cao nhưng có thể yên tâm kinh doanh, trồng trọt hơn.
Theo bà Trương Thị Đẹp, Chủ tịch Hội Nông dân Phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TPHCM), trên địa bàn phường hiện còn khoảng 100 hộ trồng mai, trong đó có 4 hộ trồng mai với diện tích lớn, số còn lại mỗi hộ có từ 100-300 gốc mai.
Được biết, ông Phương hiện có 1.500 gốc mai lớn nhỏ, đứng vị trí nhất, nhì trong phường về số lượng. Trong vườn, có những cây mai tuổi đời 60-70 năm với gốc rất to, giá lên tới cả trăm triệu, riêng giá cho thuê trong hai tuần để trưng Tết của những gốc mai này đã vài chục triệu…
Ông Phương bộc bạch: “Trồng mai không chỉ là kỹ thuật hay kinh nghiệm mà còn đòi hỏi người trồng cây cảnh phải đem hết tấm lòng để chăm sóc thì mới được. Bởi chỉ khi nào thật sự yêu thương thì dù có khó khăn hay thất bại, người ta mới cố gắng bám trụ để đi đến thành công”.
Không chỉ giỏi trồng mai cho mình, ông Phương còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trồng mai với nông dân các tỉnh, thành phố, tạo công ăn việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương, đồng thời trợ cấp thường xuyên cho 3 hộ nghèo của xã…
Với những đóng góp và kết quả đạt được liên tục trong những năm qua, ông Mã Thanh Phương đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” năm 2016. Để nhận được Bằng khen cấp Trung ương, trước đó ông đã có 5 năm liên tục đạt danh hiệu này cấp Thành phố.