Phiên chợ Tết chiều cuối năm, ở một góc chợ Bồng thuộc địa phận xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư (Thái Bình), bà Trần Thị Sửu tỉ mẩn bày biện chục quả bưởi vàng óng, vài nải chuối xanh, túi quất,… liên tục mời chào những người đi chơi chợ mua về bày mâm ngũ quả. Bà than thở, năm nay, do tác động của dịch Covid-19 những người buôn thúng bán bưng như bà cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
Đã 40 năm kể từ ngày về làm dâu đất Vũ Tiến, ngày nào bà Sửu cũng ngồi ở góc chợ đó buôn bán mấy thứ hoa trái, rau củ quê kiểng và quen thuộc, như rất nhiều người phụ nữ hồn hậu ở cái chợ này. Nhờ những mẹt hàng được bày biện đơn sơ, từ chõ bánh nóng hổi mỗi sáng, từ mỗi bát nước chè bốc khói nghi ngút,… những đứa trẻ đã lớn lên, đi ra khỏi lũy tre làng, vươn ra thế giới.
Chỉ có những bà, những mẹ bao năm qua vẫn vậy, những thay đổi của công nghệ, của đời sống dường như không mấy ảnh hưởng đến họ. Mỗi ngày, họ vẫn tảo tần nhặt từng mớ rau, làm từng chõ bánh, nấu nồi nước chè,… sáng sớm ra ngồi ở góc chợ quen thuộc, đến trưa hết hàng thì về. Họ là một phần linh hồn của những góc chợ quê, có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu, dù nắng hạn hay mưa rào, dù mùa đông rét mướt hay xuân về rực rỡ.
Trong khi đó, giữa lòng Tây Nguyên đầy nắng gió, nữ nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Thị Thảo ở Ia Grai (Gia Lai) vẫn ngày ngày lên mạng chốt đơn bán những sản phẩm cà phê do chính gia đình mình làm ra. Tự tay lựa từng hạt cà phê đạt chất lượng, phơi sấy, chế biến theo tiêu chuẩn, cộng với đa dạng hóa các hình thức bán hàng trực tuyến, online, dù dịch Covid-19 nhưng hương vị cà phê của gia đình chị Thảo vẫn bay đi muôn nẻo.
Cuối năm 2021, khi ra Hà Nội dự chuỗi sự kiện Tự hào nông dân Việt Nam, chị Thảo cũng trực tiếp mang cà phê ra pha mời các nông dân ở khắp mọi miền, tự hào khoe thành quả nay đã được công nhận sản phẩm OCOP có gắn sao.
Mẹt hàng nhỏ bé của bà Sửu ở góc chợ quê lúa hay gian hàng "ảo" trên mạng của chị Thảo giữa lòng Tây Nguyên đều là một phần làm nên bức tranh nông nghiệp, nông thôn đầy sinh động những năm qua, thể hiện sức sống mãnh liệt, bền bỉ vượt qua gian khó, kể cả những khó khăn chưa từng có tiền lệ.
Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng, chuỗi cung ứng nông sản ngay lập tức bị gián đoạn, đứt gãy. Vượt qua những lúng túng ban đầu, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, sự vào cuộc của doanh nghiệp, con đường nông sản lại được nối liền, vươn ra thế giới. Từ sự cần cù của nông dân, sự nỗ lực của doanh nghiệp, nông sản Việt đã mang về tới 48,6 tỷ USD, một kỷ lục chưa từng có.
Trong làn sóng những người từ các thành phố lớn tìm về nông thôn trong đợt dịch Covid-19 vừa qua đã có nhiều người chọn cách ở lại nông thôn khởi nghiệp với nghề nông hoặc làm nông gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đáng chú ý, ngày càng có nhiều người trẻ tìm về nông nghiệp và cách tiếp cận làm nông nghiệp của họ rất khác, chuyên nghiệp, hiện đại nhưng cũng bền vững, thân thiện với môi trường.
Mới đây, trong chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2021, tôi rất ấn tượng với một nữ nông dân 9X còn rất trẻ, bạn Nguyễn Thị Trâm ở Bắc Ninh. Bạn Trâm đầu tư mô hình trồng rau công nghệ cao đồng thời liên kết với nông dân trồng rau, củ phục vụ xuất khẩu.
Không chỉ chuyên nghiệp trong cách làm, đến cách bạn ấy xuất hiện để giới thiệu về mô hình, tiềm năng sản xuất của cơ sở cũng rất ấn tượng. Bạn ấy đến với chương trình, kể câu chuyện về hành trình khởi nghiệp, về dự án đầu tư của mình ở Hà Giang với bộ quần áo màu cà rốt vì dự án mà bạn ấy nói đến là trồng cà rốt xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Thế hệ nông dân khởi nghiệp với nông nghiệp hôm nay cũng rất nhanh nhạy thích ứng, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Nhiều nông dân đang dự hội nghị ở Hà Nội nhưng vẫn theo dõi đàn gà, đàn lợn qua điện thoại thông minh.
Đặc biệt, tư duy của họ trong việc kiến nghị các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng rất khác, không ngồi chờ các chính sách hỗ trợ để phát triển nông nghiệp, họ chủ động liên kết, kết nối để tạo sức mạnh. Một nông dân có nói với tôi: Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, muốn thuyết phục họ giải ngân vốn thì dự án của mình cũng phải có tính thuyết phục.
Như ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (tỉnh Đồng Nai), trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hợp tác xã của ông giảm tới 70% doanh thu. Nhưng may mắn là nhờ liên kết trong chuỗi chăn nuôi, HTX của ông không bị "đổ vỡ" trước tác động của dịch bệnh. Trên thị trường thời điểm đó, giá gà lông trắng rớt "thảm hại" còn 6.000 đồng/kg nhưng HTX vẫn giữ ở mức giá 28.000 đồng/kg nhờ liên kết với doanh nghiệp.
Do dịch bệnh, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ của ông Lê Văn Đạt - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 ở Bà Rịa - Vũng Tàu phải dừng hoạt động, công nhân thì bỏ về quê dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh rơi vào cảnh thất thu, doanh thu giảm tới 70%.
Nhưng như bao thế hệ nông dân đi trước, những thế hệ nông dân mới hôm nay vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, quyết tâm vượt khó. Khi dịch bệnh đi qua, họ lại tìm mọi cách để vượt lên, như ông Quyết, ngồi giữa Thủ đô vẫn "chốt đơn" bán mấy vạn con gà mỗi ngày, còn nữ nông dân 9X Nguyễn Thị Trâm đang tính chuyện đưa nông sản qua Mỹ, Nhật…
Nông dân ngày càng tính chuyện làm ăn lớn với tư duy mới, cách nghĩ mới. Nhưng vẫn như những mơ ước nghìn đời, dù chỉ có mẹt hàng nhỏ bé góc chợ quê như bà Sửu hay chuỗi trang trại khổng lồ như ông Quyết thì những mong ước đầu năm của họ cũng rất giống nhau. Họ mong một năm mưa thuận gió hòa, bán mua nông sản thuận lợi, được mùa được giá...