Trước thời khắc giao thừa, điều khó nhất là làm mới bản thân mình từ trong thân tâm, để cảm nhận được sự mới mẻ của mùa Xuân. Thầy tôi nói, hành trình "làm mới" đó thường bắt đầu từ mùa Xuân trước.
Sáng mùng Một Tết. Lũ trẻ ùa vào nhà, trên tay những phong bì đỏ chót, nhao nhao đòi mừng tuổi. Mẹ tôi mặc áo mới, ôm cháu, mắt cười. Chị tôi từ xa gọi điện về rộn ràng chúc Tết. Bên hàng xóm cũng lao xao tiếng chúc nhau "bình thường mới". Năm mới đã sang.
Mới tuần trước, nhà nào nhà nấy còn bận bịu sắm sửa, dọn dẹp cửa nhà, sắm cành mai cành đào, nấu nồi bánh chưng bánh tét, rủ nhau thịt chung con lợn, tíu tít tặng nhau giỏ quà. Ai có nợ nần tiền bạc, phải cố trả cho xong, còn việc gì dở dang cố làm sao hoàn thành nốt. Rồi kỳ công tìm người hợp tuổi, sống phải đạo để mời xông đất xông nhà.
Mới chiều qua, ai cũng mang chiếc xe ra rửa cho thật sạch, đổ đầy bình xăng; nấu nồi nước mùi thơm nồng giục lũ trẻ tắm tất niên cho sớm. Xong đâu đó, thắp nén hương thơm trước bàn thờ tổ tiên, chờ thời khắc giao thừa tới. Ai cũng cố gắng làm mới mình để đón chào năm mới. Làm mới nhà cửa, quần áo mới, diện mạo bản thân cũng phải mới toanh. Tân niên phải thật tưng bừng náo nức, mới gọi là tống cựu nghênh tân. Chỉ e năm mới sang mà mình thì vẫn cũ.
Thầy tôi, một ông giáo già nghỉ hưu đã hai chục năm. Con thầy ở xa, năm nay dịch bệnh khó về, chỉ có hai cụ già ăn Tết với nhau. Thật khó có gì để náo nức cho năm mới. Nhưng chiều 30 Tết, thầy ngồi xem thơ, chọn được mấy câu của Chế Lan Viên: Mùi hương năm cũ / Giọt sương năm mới / Còn nằm chung hoa…
Người già có sự thấu hiểu cuộc đời, cách nhìn năm mới thật khác người trẻ. Lũ học trò như tôi tự thấy thẹn: Tết của mình có gia đình đề huề đông đủ, đã chắc gì mình cảm nhận được năm mới sang tinh tế như thầy? Mấy người có đủ sự trong trẻo để nghe thấy mùa xuân khẽ đến, nghe mùi hương năm cũ tỏa lan sang năm mới, nhìn được giọt sương trên cánh hoa từ đêm qua mà như mới tinh khôi trong buổi sáng đầu năm?
Thầy tôi nói, đón năm mới, khó nhất mà cũng hay nhất là làm mới con người mình, làm mới thân tâm. Xưa, những ngày cuối năm, các cụ chọn làm những việc tỉ mẩn, như ngồi tỉa thủy tiên, ngâm và chăm hoa cả tuần; hay chuẩn bị mâm cúng ông bà thật sang, thật đẹp với con gà ngậm hoa, đĩa xôi gấc hoa cau, bát mọc nấm hương thơm lừng. Sang hơn nữa, các cụ khai bút, làm thơ xuân, viết đôi câu đối.
Theo thầy, không phải các cụ cầu kỳ, mà đấy là một cách để lắng lại, thanh lọc và làm mới con người. Tạm bỏ qua một bên những gấp gáp thường nhật, những bữa cơm vội, câu chào qua quít… để tĩnh tâm làm cho xong một cái gì thật đặc biệt, ta sẽ thấy được gột rửa hết những bụi bặm ngày thường, như có một tấm gương soi vào năm cũ nhưng nhìn lại trong trẻo hơn nhiều. Tâm thế như vậy, thắp nén hương lên bàn thờ nữa, là hoàn toàn đủ "tư cách" bước sang năm mới.
Nếu không có điều kiện như các cụ, vào trước thời khắc giao thừa, khi thắp lên nén hương tưởng nhớ tổ tiên, hãy cố giữ cho tâm tĩnh lặng. Thời hiện đại, điều đó cũng được coi là khác ngày thường rồi. Năm nào tôi cũng cố gắng thử như vậy, cảm nhận mỗi năm đều khác hẳn năm trước.
Năm nay, đứng trước bàn thờ, hẳn không ít người bồi hồi nhớ lại một chặng đường đầy biến động. Sẽ rất khó mà quên cơn dịch bệnh hoành hành; khó quên những thời khắc cả nước nặng trĩu nỗi lo; khó quên hàng nghìn y bác sĩ xông pha tuyến đầu giành giật sự sống cho bao cụ già, em bé; và đừng quên hàng chục nghìn đồng bào không cùng đón xuân với chúng ta năm nay.
Cũng sẽ khó quên một năm học với lễ khai giảng mà hàng triệu học sinh chào cờ qua màn hình máy tính; khó quên những đoàn người di cư dài dằng dặc đi qua hàng nghìn cây số; khó quên những chai nước, túi quà trao vội trên đường mà người cho lẫn người nhận chẳng thể nhớ mặt nhau sau tấm khẩu trang; khó quên một năm với nhiều vật lộn miếng cơm manh áo, con số thất nghiệp cả triệu người, nhưng trong khó khăn mới thấy nhiều tấm lòng đùm bọc.
Cũng rất khó quên rằng, trong khi cả nước gồng mình, siết vai vượt qua khó khăn, thì vẫn có những kẻ trục lợi trên tính mạng, trên mồ hồi nước mắt đồng bào mình, qua những kit xét nghiệm nâng khống giá, qua những khoản thu bất nghĩa nhân danh giải cứu, những lùm xùm đánh bạc online, thông đồng đấu giá... Những người này, nếu có may mắn thắp nén hương trước giao thừa, cũng đâu thể làm mới mình để đón tân xuân, đâu có tâm trạng háo hức trước thềm năm mới? Tấm gương năm cũ của họ khi nhìn vào không đủ trong trẻo, do những thứ vẩn đục quá nhiều. Đón chờ họ năm nay không phải là một cái Tết, vì điều xứng đáng hơn với họ là những phiên tòa. May mắn cho xã hội chúng ta, những kẻ đó đã được "dọn dẹp", đã được tống cựu trước thời khắc nghênh tân.
Nhắc chuyện cũ để biết ta đã đi qua những gì trong năm trước và trân trọng những điều có trong thời khắc này. Đất nước đã làm mới mình, để chỉ mang những điều tốt lành, những người tốt lành đi cùng trong hành trình sang Xuân. Biết rằng cuộc đời sẽ không thể chỉ toàn điều tốt, nhưng năm mới luôn là lúc để hy vọng. Hy vọng mỗi chúng ta trong năm qua đều đã có một hành trình làm mới mình, đều đủ tự tin để khi tĩnh lặng trước bàn thờ tổ tiên, thấy mình là người tốt và cảm nhận năm mới toàn những điều tốt đẹp đang háo hức chờ ta.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.