Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Khi Toà án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Chung cùng đồng phạm liên quan đến vụ làm sạch nước Hồ Tây ngày 10 và 11/12/2021, có lẽ sẽ có người nhớ đến một dấu mốc khác của ông Chung đúng 6 năm trước.
Đó là ngày 10/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê chuẩn việc bầu chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Nguyễn Đức Chung. Tân Chủ tịch mới 48 tuổi và con đường phía trước đang rộng mở. Cán bộ, nhân dân Thủ đô Hà Nội và nhân dân nhiều nơi rất kỳ vọng vào một thiếu tướng trẻ, anh hùng lực lượng vũ trang, từng xông pha khám phá, lập thành tích trong nhiều vụ trọng án ở Thủ đô.
Trước đó, tên tuổi, hình ảnh Nguyễn Đức Chung nổi như cồn khi ngày 16/9/2014, với tay không, đích thân ông tới hiện trường ở phòng 401 nhà E6 Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, giải cứu hai con tin và dẫn giải tên cướp xuống ô tô, trước sự ngưỡng mộ, thán phục của dân chúng.
Tiếp đó, những lời phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội vào ngày 4/3/2016 tại Hội nghị "Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố" đã "gây bão" trong các trang báo chí và dư luận xã hội.
Một số đoạn trích lời phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung được ghi lại nay vẫn được nhiều người ghi nhớ: "...Tôi làm Giám đốc (Giám đốc Công an TP Hà Nội - PV), tôi thống kê hơn 180 quán bia vỉa hè thì có trên 150 quán bia có ông công an đứng sau…". Ông Chung còn nói thêm rằng nhiều bãi đỗ xe, trông giữ xe ở mỗi địa bàn cũng nắm bởi "người nhà" của các bí thư, chủ tịch phường cả.
Với thái độ cương quyết, "bóc mẽ" không nể nang như thế, ông Chung đã gây bão trong dư luận. Lần đầu tiên một quan chức nói thẳng về "sân sau", về tình trạng bảo kê cho một số dịch vụ ở Hà Nội mà lâu nay dư luận vẫn râm ran. Có tờ báo lạc quan đăng viết bài "Ông Nguyễn Đức Chung đã tóm được "tổ con tò vò". Thế nhưng cuộc đời không ai "học hết chữ ngờ".
Trong hai ngày 10 và 11/12/2021, ông Nguyễn Đức Chung cùng đồng phạm là Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic) bị xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tóm tắt cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội như sau: Năm 2016, bị can Nguyễn Đức Chung khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức) để khắc phục ô nhiễm nước các sông hồ trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, sau đó ông Chung lại chỉ đạo miệng bị can Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic, không mua trực tiếp từ hãng Watch Water như chỉ đạo bằng văn bản.
Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cáo buộc hành vi phạm tội của ông Nguyễn Đức Chung có động cơ vụ lợi. Công ty Arktic do vợ ông Chung bỏ 100% vốn thành lập và lấy tên con trai ông Chung trong giấy đăng ký kinh doanh, trước khi nhờ người quen đứng tên sở hữu vốn điều lệ.
Vì thế Arktic đã được xác định hoàn toàn là "công ty gia đình" của Nguyễn Đức Chung. Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Đức Chung chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic để công ty này được hưởng khoản lợi hơn 36 tỉ đồng.
Như vậy, bằng động tác "lấy tiền túi nọ, bỏ vào túi kia" của chính công ty gia đình của mình, chẳng những ông Chung gây thất thoát tiền của Nhà nước mà còn có thể gây ô nhiễm môi trường các hồ ở Hà Nội khi sau này, hoá chất Redoxy-3C được xác định chất lượng không đúng như công bố trên nhãn mác.
Nếu như các "sân sau" là bãi trông xe, quán bia của một số lãnh đạo quận, huyện, phường của Hà Nội được ông Chung "thống kê" mỗi nơi khoảng từ vài chục đến vài trăm mét vuông thì riêng một cái Hồ Tây, "sân sau" của ông đã rộng 500 ha tức là rộng 5 triệu mét vuông.
Không biết ông Chung đã chỉ đạo cho thuộc hạ đổ bao nhiêu hóa chất của công ty gia đình mình xuống những cái hồ nào nữa ở Hà Nội (bởi vì nhiều hồ vốn đã bị ô nhiễm nặng lại không nuôi cá nên không thể xác minh rõ mức độ nước bị ô nhiễm ở đó). Chỉ biết, đến năm 2016, diện tích mặt nước của các hồ ở ở Hà Nội là 1.165 ha, tức là 11 triệu 650 nghìn mét vuông.
Đó là chưa kể những cái "sân sau" khác mà ông Chung đã xây dựng từ trước, trong đó có "sân sau" ở Công ty Nhật Cường. Nếu không, tại sao bị can Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cho Công ty Nhật Cường thực hiện thí điểm số hóa đối với gói thầu với động cơ cá nhân là để cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu, trúng thầu và hưởng lợi ích.
Và cũng vì "sân sau" là Công ty Nhật Cường mà ông Chung đang trong vòng lao lý vì bị buộc tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".
Khi được lên tiếng ở phiên toà, ông Chung nói: "Tôi có nhiều điều kiện để làm ăn. Tôi chỉ góp một câu hoặc chỉ đạo cấp dưới vài ý thì tiền nhiều hơn nhiều. Nhưng tôi không làm. Lương tâm một con người chẳng có ai làm ăn trắng trợn như thế…"
Dường như ông chỉ "cãi cố" khi sự việc bại lộ. Mỗi dự án, mỗi công việc ông chỉ đạo có cái nào có mục đích mục tiêu không tốt? Nhưng điều quan trọng là làm có đúng không, có lợi dụng để trục lợi không?
Trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND TP của ông Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đã trở nên xanh sạch đẹp hơn: Trồng nhiều cây xanh, mở rộng đường xá, xây dựng các công trình… - thể hiện năng lực của một lãnh đạo giỏi.
Nhưng làm cho dân 10 mà kiếm riêng 3 thì sai quá. Làm cho dân cũng là tiền của dân. Kiếm đút túi riêng cũng là tiền của dân của nước.
Nhìn lại hàng loạt vụ án mà ông Chung đã bị điều tra truy tố, có thể nói, những cái "sân sau" của ông Chung là quá rộng lớn so với những cái "sân sau" của một số cán bộ khác ở Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.