Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thời gian thông quan cụ thể sẽ được phía Trung Quốc thông báo sau. Tạm hoãn thông quan, ùn ứ nông sản lần này là nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về hàng hóa, tài chính và sức người.
Đã lâu rồi, người Việt chỉ quen nói đến thành tích, nói về đẩy mạnh, tăng cường, nâng cao…, mà ít khi nghĩ đến cái rủi ro trực chờ. Những nhà trí thức ngụy quân tử, những quan chức vội tuyên bố rồi bỏ quên, những tập thể chỉ biết vỗ tay và đùn cỗ xe nhất trí, rồi nằm ngủ quá lâu trong giấc mơ hồng đến khi nông sản xuất khẩu ùn ứ nơi cửa khẩu, có chủ xe vứt mít, dưa hấu ra đường, lăn lóc với bụi, khói xe… Người ta mới ngộ ra rằng, con đường xuất khẩu nông sản vẫn còn những "hòn đá" lớn phải nhấc ra bên lề.
Năng lực thông quan tại các cửa khẩu rất hạn chế do phía Trung Quốc luôn thay đổi vì sự cố lỗi mạng, cảng biển đã đầy hàng, gia tăng biện pháp siết chặt kiểm dịch, xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì, phương tiện vận tải. Về hành chính, chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Trung Quốc đã ban hành hơn 40 thông báo thay đổi liên quan tới an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật gửi khách hàng.
Rõ ràng, "hòn đá" lớn ở đầu đường là năng lực nắm bắt thông tin thị trường, những tác nhân bất lợi, những diễn biến thực tế dễ xảy ra trong chuỗi cung ứng bán hàng… mà qua nhiều cuộc đàm phán trực tiếp hay điện đàm với phía Trung Quốc, chúng ta luôn ở thế bị động hoặc trong lòng còn nặng tâm lý cả tin.
"Hòn đá" lớn giữa đường là kỷ cương chấp hành. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) khuyến nghị nhiều lần; UBND tỉnh Lạng Sơn có văn bản ngay từ cuối tháng 11/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố thông tin về tình hình xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu, đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, khuyến nghị các thương nhân, chủ động kế hoạch chế biến, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa… tránh để phát sinh ùn ứ và những bất lợi khác.
Nhưng suốt nửa đầu tháng 12, các xe chở hàng vẫn ùn ùn lên biên giới, càng làm cho tình hình thêm nghiêm trọng, kéo dài, thêm mất hàng mất giá.
Cuối đường là "hòn đá" nghịch lý về giả cả, thị trường. Nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc ùn ứ tại các cửa khẩu khiến giá nông sản đầu ra ở thị trường trong nước liên tục sụt giảm. Giá thanh long ruột trắng giảm, còn trên dưới 8.000 đồng/kg; ruột đỏ khoảng 12.000-15.000 đồng/kg; giá mít Thái giảm còn 4.000-9.000 đồng/kg, thậm chí có loại xuống mức 2.000 đồng/kg. Tương tự, các loại rau quả như dưa hấu, sầu riêng… bắt đầu giảm giá từ 20-30%.
Trong khi nông sản Việt vất vả xuất khẩu ra nước ngoài, nông sản ngoại lại đang rất được ưa chuộng ở thị trường nội địa với các loại rau, củ, trái cây Trung Quốc được bày bán khắp nơi ở chợ truyền thống lẫn các chợ online với mức giá rẻ, như táo quả chưa đến 10.000 đồng/kg, cà chua thường ngày khoảng 20.000-30.000 đồng/kg. Nhưng khi cửa khẩu bị siết chặt, lượng cà chua Trung Quốc về ít nên giá cà chua trong nước tăng lên 50.000-60.000 đồng/kg. Trong sự nghịch lý giá cả, thị trường này lại càng thấy rõ hơn ai được, ai thua?
"Thị trường là chiến trường". Không gian của thị trường vừa mở ra, cũng có thể vừa thu hẹp lại. Khi không gian càng hẹp thì chính sách về xuất khẩu phải càng tinh, kỷ cương phải càng chặt, đồng tâm nhất trí phải càng cao – đó là một sức mạnh thống nhất có trong "bàn tay vô hình" của Nhà nước, để chúng ta nhấc lên những "hòn đá" lớn để ra bên lề, cho con đường nông sản Việt Nam thênh thênh rộng mở, vươn xa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.