Học sinh Hà Nội đi học lại: Vội gì một vài tuần...

Lan Hương Chủ nhật, ngày 05/12/2021 18:07 PM (GMT+7)
Khi số ca nhiễm ở Hà Nội liên tục lập đỉnh mới, Hà Nội quyết cho học sinh cấp 3 đi học lại khiến phụ huynh lo lắng, hoang mang. Thế rồi mai đi học thì chiều nay Hà Nội lại vội vã "quay xe", điều chỉnh phương án đến trường. Không ít người thở phào nhưng cũng chóng hết cả mặt với một phong cách điều hành.
Bình luận 0

Tối muộn ngày thứ 5 (2/12), các bậc phụ huynh và học sinh khối THPT ở Hà Nội nhận được thông báo sẽ đến trường sau 4  ngày nữa. Đến chiều ngày hôm sau (3/12), Hà Nội lại nghe tin sốc từ báo cáo của Bộ Y tế khi thành phố lập đỉnh gần 800 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua.

Khỏi phải nói sự lo lắng thế nào khi các gia đình nhận được "cú đúp" thông tin trên. Nhưng khi đó, đa số mọi gia đình đều nghĩ con em mình chưa thể quay lại trường. Vì theo thông báo, chỉ các quận, huyện, thị xã có dịch ở cấp độ 1, 2 và trong 14 ngày tính đến thời điểm ngày 30/11 không có các ca F0 trong cộng đồng, học sinh khối lớp 10, 11, 12 các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên mới đi học từ ngày 6/12.

Thế nhưng, chỉ 1 ngày sau (3/12),  Sở GDĐT Hà Nội đã gửi công văn hỏa tốc tới các trường, dập tắt suy nghĩ trên của các bậc phụ huynh và học sinh. Cụ thể, văn bản này bỏ quy định trong 14 ngày tính đến thời điểm ngày 30/11 không có các ca F0 trong cộng đồng. Và chỉ học sinh cư trú tại địa bàn có nguy cơ cao, mức độ dịch ở cấp độ 3, 4 là học trực tuyến, còn lại học trực tiếp. 

Ngay lập tức, không ít phụ huynh có con em nằm trong diện đi học ngày 6/12 đồng loạt bày tỏ sự không đồng tình, vì họ chưa thấy trường học thực sự an toàn thời điểm này. Trong khi, cũng theo văn bản liên Sở GDĐT và Sở Y tế Hà Nội, khi phát hiện F0 trong trường thì toàn bộ trường sẽ bị phong tỏa tạm thời trong khi chờ kết quả xét nghiệm.

Bên cạnh đó, dù nhà trường không mở căng-tin, không tổ chức ăn uống tại trường, không giao lưu các lớp với nhau thì học sinh vẫn phải sử dụng các khu vệ sinh chung nên nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Chưa kể, bố mẹ lo lắng vì trẻ con kể cả cấp ba cũng chưa thực sự ý thức tốt về phòng tránh dịch, nếu con mình nằm trong diện F thì cả nhà phải sẵn sàng có thể bị cách ly bất cứ khi nào, mà khả năng này là không nhỏ.

Sự lo ngại đó cũng có thể thấy rõ qua việc khảo sát ý kiến phụ huynh khối TPHT của 2 cơ sở Mỹ Đình, Văn Phú của trường Marie Curie, với khoảng 80% phụ huynh đều muốn các con tiếp tục học online ở nhà một thời gian nữa.

Học sinh Hà Nội đi học lại: Vội gì một vài tuần... - Ảnh 2.

Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã chuẩn bị máy đo thân nhiệt để kiểm soát học sinh ra vào trường, máy sát khuẩn tự động. Ảnh: Gia Khiêm.

Chia sẻ trên báo Dân Việt, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nêu 3 vấn đề đáng lo ngại khi cho học sinh đến trường thời điểm này: Thứ nhất an toàn về mặt y tế; thứ hai là tâm lý sợ thi, sợ kiểm tra trực tiếp khi suốt thời gian dài học online không tránh khỏi chểnh mảng; và thứ ba là sức khỏe tâm thần, những thay đổi tâm sinh lý nếu phải dậy sớm, tiếp xúc với nhiều người…

Có những phụ huynh hiến kế cũng như bày tỏ nguyện vọng với nhà trường là muốn đăng ký cho con em mình học trực tuyến một vài tuần đầu để nghe ngóng tình hình dịch, còn những gia đình muốn con học trực tiếp thì vẫn có thể đến trường. Tuy nhiên, không phải cơ sở vật chất của trường học nào cũng có thể đáp ứng, và một lý do có ý nghĩa quyết định mà không ít lãnh đạo nhà trường và các thầy cô phải "nói nhỏ" mong phụ huynh thông cảm, đó là "thực hiện theo chỉ đạo"! 

Điểm sáng trong bối cảnh "nước xuôi một dòng" là chỉ một vài trường có cơ chế tự chủ hơn như THPT Lương Thế Vinh, Marie Curie, THPT chuyên Khoa học tự nhiên, THPT chuyên ngoại ngữ… mới cho học sinh lùi lại thời gian quay trở lại trường sau ngày 6/12.

Trong phương án học sinh quay lại trường học sau thời gian dài nghỉ dịch, chúng tôi rất đồng tình với TP Hồ Chí Minh là trước mắt thực hiện thí điểm 2 tuần với khối lớp 9 và 12, đồng thời thực hiện tổ chức học trực tiếp lệch ca, lệch giờ, tách lớp làm đôi. Hơn nữa, phương án này được báo trước cho phụ huynh và học sinh 13 ngày chứ không phải là 4 ngày như của TP Hà Nội.

Và với quyết định vội vã trên của chính quyền thành phố, được cho là duy ý chí, chưa lường trước được các vấn đề và chưa chuẩn bị kỹ càng như PGS. TS Trần Thành Nam nhận xét,  thì chỉ mới cách đây ít giờ, nghĩa là chưa đến 1 ngày tới thời điểm 6/12, Sở GDĐT Hà Nội lại điều chỉnh phương án đi học trực tiếp lần thứ hai.  Theo đó, chỉ khối lớp 12 sẽ đi học trực tiếp với số lượng 50% học sinh trong khối đến trường. 

Như vậy, chỉ trong 4 ngày (từ 2/12 đến 5/12), Hà Nội đã ra 3 thông báo phương án học sinh đi học lại, trong đó 2 thông báo là điều chỉnh.

Chưa thể đánh giá hết sự an toàn trong phòng chống dịch tại trường học sau 3 ngày chuẩn bị và nhiều văn bản chỉ đạo điều chỉnh, nhưng cũng cần ghi nhận sự tiếp thu một phần của chính quyền thành phố và ngành giáo dục khi chưa quá muộn. Cả nửa năm học online rồi, vội gì 1, 2 tuần thí điểm xem tình hình thế nào khi dịch đang ngày càng phức tạp.

Và không nhớ lần này là lần thứ bao nhiêu Hà Nội có cách điều hành mà người dân gọi là kiểu "quay xe" – ra một quyết định vội vã rồi ngay sau đó khi các nơi đang lúng túng hoang mang thì lại chóng vánh rút lại quyết định đó. Từ chuyện phân chia vùng xanh vùng đỏ vùng vàng, chuyện giấy đi đường, cách ly người về từ vùng dịch, khi nào mở lại hoạt động dịch vụ, rồi quyết định liên quan chuyện học sinh đi học.

An toàn cho trẻ em, cho xã hội được đặt lên hết, nhưng rõ ràng những quyết định vội vã kiểu này đã đặt các trường học vào thế bị động, tăng thêm gánh nặng cho nhà trường, cho cả các bậc phụ huynh nhưng lại làm giảm đi sự tín nhiệm với chính quyền thành phố.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem