Chính tư duy liều lĩnh và khác biệt đó đã giúp ông Năm Dũng gặt hái thành công với nghề nuôi cá đặc sản trên dòng sông Tiền...
Những ngày cuối tháng 10 âm lịch, chúng tôi có dịp về vùng đất ven sông Tiền cặp Quốc lộ 30, đoạn sông chạy ngang qua xã An Phong, huyện Thanh Bình để thăm lão nông Lê Văn Dũng (sinh năm 1966, ngụ xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), người nông dân được mệnh danh là “tỉ phú cá chép giòn” ở miệt thượng nguồn Đồng Tháp.
Dẫn chúng tôi đi tham quan những bè cá chép giòn nằm nối đuôi nhau trên một khúc sông dài, ông Năm Dũng kể, ban đầu vợ chồng ông lập nghiệp với nghề nuôi cá lồng bè trên sông Cái Vừng (xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).
Năm 2014, môi trường nước ở khu vực sông Cái Vừng không còn phù hợp nên ông Dũng và một số đồng nghiệp đã di dời bè cá ra sông Tiền đoạn thuộc xã An Phong, huyện Thanh Bình cho đến nay.
Nhớ về những ngày đầu gian nan khởi nghiệp với nghề nuôi cá bè, đôi mắt ông Năm Dũng rực sáng, ông kể: “Quê tôi là cái nôi của nghề nuôi cá tra giống, từ thời còn “mặc quần xà lỏn”, tôi đã theo ba và ông nội đi vớt cá tra giống ngoài tự nhiên đem bán cho mối lái chở đi các tỉnh miệt dưới. Nghề này như “ăn vào máu thịt” rồi nên yêu mến nó lúc nào cũng không hay, đam mê nghề nhưng tôi nghĩ rằng mình phải làm gì đó khác cha ông mình nên tôi quyết tâm tìm hiểu thêm giống cá mới”.
Nghĩ là làm, cuối năm 1990, ông Năm Dũng đóng bè rồi nuôi thử nghiệm cá bống tượng trên sông Cái Vừng. Do không có kinh nghiệm nên cá giống thả bị chết hao hụt rất nhiều, có thời điểm cá chết trắng bè, ông bị nhiều người bảo là “khùng”, “phá của”.
Tuy nhiên, từ 1 tấn cá giống thả vụ này, ông cũng thu được 1 tấn cá bống thương phẩm với giá bán khá cao nên vẫn thắng lớn.
Tiếp nối vụ cá đầu tiên, năm 1992 - 1993, ông Năm Dũng tiếp tục thả 3 tấn cá bống tượng giống và tiếp tục thắng đậm.
Giai đoạn đó, khi giá vàng dao động khoảng 300 - 400 đồng/chỉ, ông bán 1kg cá bống tượng với giá 160 ngàn đồng. Không ngủ quên trên chiến thắng, ông lại mày mò tìm những giống cá mới thả nuôi.
Khoảng năm 1996-1997, nghe nói ở khu vực cồn Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) có người nuôi thành công giống cá điêu hồng có giá trị kinh tế cao, ông lại khăn gói đi tìm hiểu rồi tính đường mang con cá điêu hồng về nuôi.
Sau thời gian tìm hiểu kỹ đặc tính con cá điêu hồng, liên hệ với các chuyên gia, viện, trường để tìm hiểu về độ thích ứng của cá điêu hồng với nguồn nước trên sông Tiền, ông lại theo đuổi nghề nuôi cá điêu hồng.
Những năm 1999-2005, ông tiếp tục thắng lớn với con cá điêu hồng. Từ chỗ chỉ có một, hai cái bè buổi đầu lập nghiệp, giai đoạn này bè cá của ông Năm Dũng đã trải dài một đoạn sông Cái Vừng, huyện Hồng Ngự. Biệt danh “tỷ phú cá lồng bè” cũng được nhiều người nhắc tới khi nói về ông Năm Dũng.
Sau cá bống tượng, cá điêu hồng, ông Năm Dũng tiếp tục thử sức và thành công với cá lăng nha và cá tra xuất khẩu.
Đến năm 2011, ông buộc phải chia tay với hai loại cá này vì giá cá liên tục lao dốc mạnh khiến người nuôi cá thua lỗ. Cũng thời điểm này, ông Năm Dũng tham khảo thông tin thấy nông dân ở tỉnh Hải Dương nuôi cá chép giòn cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Ông Năm Dũng lại khăn gói ra Hải Dương khảo sát và học hỏi. Thời điểm đó ở vùng thượng nguồn tỉnh An Giang và Đồng Tháp hầu như chưa nông dân nào nuôi cá chép giòn thì ông đã bắt đầu thuần dưỡng và nhân rộng thành công mô hình nuôi cá này.
Nhìn áng lục bình đang đủng đỉnh trôi trên dòng sông Tiền như cuộc đời thăng trầm của mình, ông Năm Dũng trầm ngâm chia sẻ: “Thuần dưỡng và phát triển thành công giống cá chép giòn ở quê mình đã khó nhưng khó hơn hết là chuyện phát triển thị trường. Để chào hàng giai đoạn đầu, ngày nào tôi cũng chở hai giỏ cá trên xe máy chạy rong rủi khắp các nhà hàng lớn ở TP Châu Đốc, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, năn nỉ người ta mua ăn thử.
Nhiều khi, để thuyết phục khách hàng, tôi còn vào bếp để làm “đầu bếp bất đắc dĩ” chế biến các món ngon từ cá chép giòn giới thiệu cho khách. Sau giai đoạn đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng, nhờ chất lượng cá thơm ngon đặc biệt nên ngày càng có nhiều đầu mối đến tận bè nuôi đặt hàng, có thời điểm cá hút hàng, giá cá cao chót vót từ 200 - 220 ngàn đồng/kg, bán cá lời thấy ham”.
Khi biết ông Năm Dũng nuôi thành công cá chép giòn, nhiều nông dân các nơi đến học tập kinh nghiệm để thử sức với con cá này.
Ông Dũng nhiệt tình hướng dẫn nhiều nông dân ở địa phương và các tỉnh lân cận để cùng phát triển nuôi cá chép giòn.
Ông quan niệm: “Cái nghề nuôi cá phập phồng may rủi, tôi hiểu được những khó khăn của anh em, người ta khó khăn lắm mới tìm đến mình để nhờ chia sẻ. Tôi nghĩ đơn giản, con cá nào cũng có cái thời vàng son rồi cũng đi qua, cá chép giòn chắc cũng không ngoại lệ. Hỗ trợ được anh em phát triển kinh tế, xóa được nợ nần là mình đã vui lắm rồi”.
Sau khoảng 5 năm phát triển hưng thịnh, những năm gần đây do nông dân nhiều tỉnh, thành nuôi cá chép giòn số lượng lớn nên giá cá cũng liên tục giảm mạnh.
Năm 2021, dưới tác động của dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến cho sản lượng cá chép giòn ùn ứ và tụt dốc mạnh. Trong tình cảnh khó khăn, ông Năm Dũng lại có tư duy phát triển nghề truyền thống của mình theo một hướng đi mới.
“Dịch Covid-19 khiến cho việc chăn nuôi của nông dân gặp khó khăn nhưng tôi nhận thấy thói quen của người tiêu dùng có nhiều thay đổi. Nhiều người thích đặt hàng online và mua sản phẩm cá làm sạch chứ không mua cá tươi sống như trước.
Đây cũng là cơ hội cho mình. Tôi đang dự kiến bên cạnh phát triển chăn nuôi sẽ tiến đến đầu tư chế biến, xây dựng thương hiệu, bao bì sản phẩm để kết nối với các chuỗi cửa hàng bán lẻ, cung cấp sản phẩm cá làm sẵn đến tay người tiêu dùng. Tôi nghĩ, tiến đến chế biến thì người chăn nuôi sẽ có lợi nhuận ổn định hơn và khai thác được giá trị nhiều hơn cho sản phẩm truyền thống”- ông Năm Dũng kỳ vọng.
Ông Huỳnh Tri Kỷ - Quyền Chủ tịch UBND xã An Phong, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, mặc dù mới phát triển những năm gần đây nhưng những định hướng về phát triền nghề nuôi cá lồng bè của ông Lê Văn Dũng và các chủ lồng bè ở khu vực ấp 3 của xã rất phù hợp với định hướng về phát triển nghề nuôi cá bè ở địa phương.
Thời gian qua, nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thủy sản đặc trưng của địa phương đến các đối tác và người tiêu dùng, xã đã phối hợp chặt chẽ với huyện và các ngành tỉnh đến xúc tiến thương mại.
Sắp tới, địa phương cũng có định hướng hỗ trợ các chủ lồng bè hướng đến phát triển chế biến sâu cũng như khai thác du lịch làng bè trên sông nước. Bởi nghề nuôi cá bè không chỉ là một mô hình phát triển kinh tế độc đáo và còn là nét văn hóa rất đặc trưng của cư dân miền sông nước.