Chọn lọc thông tin, giữ liên lạc bình thường
Qua phỏng vấn với các sinh viên hiện đang sinh sống và học tập ở Liên bang Nga, bạn Trần Hoa Ảnh, sinh viên năm cuối trường đại học Trường Kinh tế Cao cấp phân hiệu Saint-Petersburg, cho hay: "Thực tế mình không bị ảnh hưởng quá nhiều. Cuộc sống vẫn vận hành như thường lệ. Mình vẫn thường xuyên cập nhật thông tin qua thời sự, tuy nhiên trên mạng tin giả xuất hiện tràn lan, nên mấy ngày đầu khi cuộc chiến mới nổ ra mình cũng cảm thấy hoang mang, nhưng sau đó mình chọn lọc thông tin kỹ càng hơn, nên cũng không còn quá lo lắng nữa."
Đa phần các sinh viên Việt Nam tại Nga hiện nay đều có cùng quan điểm với Hoa Ảnh, bởi ngay từ khi chiến sự bắt đầu, các đơn vị du học sinh đều lập tức nhận được hướng dẫn cũng như các thông báo chỉ đạo từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và Cục hợp tác Quốc tế. Thêm vào đó, các bạn sinh viên cũng luôn chủ động cập nhật tình hình hai nước Nga và Ukraine, cũng như nắm bắt rõ hiện trạng thành phố mình đang ở, tránh xa các tụ điểm biểu tình hay chống đối chính phủ của nước sở tại.
Việc Nga chặn Facebook, Instagram, …, đối với sinh viên Việt Nam không phải vấn đề quá nghiêm trọng. Trần Hoa Ảnh giải thích: "Các lệnh cấm mạng xã hội ban đầu cũng khiến mình khá lúng túng, vì mình thường hay chia sẻ và trò chuyện với người nhà qua Facebook mà giờ lại bị cấm. Nhưng sau đó mình cũng tìm được cách khắc phục nhờ dùng các nền tảng xã hội khác, do đó vẫn giữ được liên lạc thường xuyên với gia đình. Hơn nữa, nếu muốn dùng Facebook, mình vẫn luôn có thể sử dụng VPN."
Không ảnh hưởng vì SWIFT
Tuy bất tiện hơn thường lệ vì không thể sử dụng Apple Pay, nhưng sinh viên Việt Nam cũng như người dùng của các ngân hàng Nga vẫn có thể sử dụng thẻ vật lí, cũng như thanh toán online qua phần mềm của ngân hàng trên điện thoại.
Việc một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT đối với các bạn sinh viên không để lại hậu quả quá nặng nề, bởi sinh viên Việt đa số dùng tài khoản của Sberbank (ngân hàng nhà nước lớn nhất của Nga và Đông Âu, lớn thứ ba châu Âu). Cho đến thời điểm hiện tại, Sberbank vẫn chưa bị cắt khỏi hệ thống SWIFT. Hơn nữa, các bạn đều là sinh viên bình thường, tiêu thụ và thanh toán hàng hóa tại Nga bằng tiền rúp, chứ không phải là người cần thường xuyên luân chuyển ngoại tệ.
Tình hình khó khăn hơn đối với các sinh viên có tài khoản ở ngân hàng khác ngoài Sberbank. Chị Trần Thị Ngọc, thạc sĩ năm cuối khoa Triết học, trường Đại học Sư phạm Quốc gia mang tên Herzen, chia sẻ: "Mình dùng thẻ ngân hàng VTB. Ngân hàng này nằm trong danh sách bị cắt khỏi hệ thống SWIFT. Điều này khiến việc nhận học bổng khó khăn hơn vì không thể chuyển học bổng qua thẻ này được nữa và bắt buộc phải làm thẻ ngân hàng khác. Tuy nhiên đến giờ mình vẫn chưa biết nên làm thẻ ngân hàng nào, nên mình vẫn đang đợi thông báo của Cục."
Đau ví vì giá cả tăng vọt
Khó khăn lớn nhất mà sinh viên Việt Nam ở Nga cần đối mặt giờ đây có lẽ là việc đồng rúp trượt giá, từ 1 USD tương đương 68 – 75 rúp, giờ đây 1 USD tương đương 125 – 133 rúp. Điều này khiến giá thành của tất cả các mặt hàng từ nhu yếu phẩm thường ngày, đến mỹ phẩm, thuốc men đều tăng vọt đột biến, thậm chí gấp hai, gấp ba lần bình thường. Bạn Lương Thị Ngọc Linh, hiện đang học dự bị thạc sĩ ngành Tâm lí học tại St. Petersburg cho biết: "Giờ đây ở Nga ăn thịt còn rẻ hơn ăn rau, giá rau tăng mạnh đến mức rau xà lách trước đây có giá khoảng 70 – 80 rúp/ cây, nhưng bây giờ đã tăng thành 180 rúp. Giá thành của hoa quả nhập khẩu giờ tăng quá cao, mình không dám mua nữa."
Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, thạc sĩ trường Sư phạm Quốc gia mang tên Herzen tại St. Petersburg, giãi bày: "Gia đình mình chuẩn bị đón thành viên mới nên cũng có khá nhiều thứ cần chi tiêu. Bởi vậy việc giá cả tăng cao khiến kinh tế gia đình chịu ảnh hưởng. Chưa kể khi đi khám, bác sĩ kê cho rất nhiều loại thuốc nhập khẩu từ nước ngoài, nên đau ví vì giá cả là một phần, phần khác lại đau đầu vì sắp tới có thể các thuốc ấy sẽ ngừng bán vì không thể nhập được."
Cũng bị ảnh hưởng vì giá thuốc tăng, bạn Bùi Thị Hải Hà, sinh viên năm cuối trường Đại học Văn hóa và Nghệ thuật St. Petersburg cho hay: "Mình bị Covid đúng hôm chiến sự bắt đầu. Khi đi mua thuốc theo đơn bác sĩ kê, giá thuốc tăng gấp mấy lần so với bình thường. Mình thật sự lo ngại nếu giá cả cứ tăng thế này thì mức độ cuộc sống sẽ ngày càng bị hạ thấp."
Mới sang Nga chưa lâu, bạn Văn Thị Hồng Hạnh, thạc sĩ ngành Giáo dục Sư phạm, bày tỏ: "Đối với một người mới sang Nga như mình thì thời gian đầu đi học xa nhà rất thèm ăn đồ ở các quán Việt. Nhưng giá cả tăng liên tục như bây giờ thì không thể ăn thường xuyên được, nên mình đành chuyển sang tự nấu và tập ăn đồ ăn Nga."
Ghi nhận rằng người dân đang bắt đầu dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm đề phòng trường hợp không may có thể xảy ra, bạn Trần Thị Yến Nhi, sinh viên năm ba ngành Tâm lí Giáo dục cho hay: "Giá thực phẩm và các mặt hàng chỉ có tăng chứ không có giảm. Ngày mình mới sang Nga một thùng mì tôm chỉ có giá 600-700 rúp, giờ lên tận 1400-1500 rúp."
Đứng trước giá thành mỗi ngày một tăng cao và chưa có dấu hiệu sẽ giảm trong tương lai gần, cộng thêm với việc các nhãn hàng nổi tiếng như KFC, Cocacola, Pepsi, … cũng như các hãng quần áo như Uniqlo, Zara, H&M, Stradivarius, … rút khỏi thị trường Nga, các du học sinh Việt Nam tại Nga đã tìm được những giải pháp kiểm soát chi tiêu và mua sắm đồ đạc phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại.
Quang cảnh đìu hiu ở Galeria – Trung tâm Thương mại lớn nhất St. Petersburg. Video: Nguyễn Thu Hương, sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế St. Petersburg
Cơ hội sắp xếp lại cuộc sống
Theo ý kiến của bạn Vũ Đình Hùng, sinh viên năm cuối khoa Ngôn ngữ học trường Đại học Sư phạm Quốc gia Herzen, thì: "Nếu không đi làm thêm thì có lẽ sẽ phải sống chật vật một chút, còn nếu vẫn đi làm thêm thì mọi thứ vẫn ổn, không có gì thay đổi nhiều."
Còn Hoa Ảnh thì cho rằng: "Tuy vật giá có tăng nhưng không quá ảnh hưởng đến cuộc sống, vì dù sao cũng có học bổng nên mình cũng yên tâm hơn phần nào. Bây giờ đi chợ mình chỉ mua đồ thật cần thiết thôi, không ham mua đồ ăn vặt như trước nữa. Như vậy cũng có cái lợi là mình sẽ đỡ béo."
Cũng ghi nhận đây là cơ hội tốt để cân nhắc chi tiêu, anh Nguyễn Văn Khánh, thạc sĩ trường Sư phạm Quốc gia mang tên Herzen tại St. Petersburg, chia sẻ: "Mình luôn có một khoản tiền dự trù đủ chi tiêu trong một vài tháng. Thêm vào đó, trong tình huống bây giờ, mình luôn cân nhắc mua những thực phẩm cần dùng, và sử dụng các thực phẩm khác để thay thế những mặt hàng có giá đang lên, hạn chế mua đồ ăn vặt và bánh kẹo."
Bạn Nguyễn Thị Hồng, sinh viên năm cuối trường Đại học Sư phạm Quốc gia Herzen, lại nghĩ: "Đây là cơ hội tốt để bớt phung phí tiền mua quần áo."
Cho rằng cuộc sống tuy có hạn chế hơn ở nhiều mặt nhưng bạn Nguyễn Thanh Hải, sinh viên dự bị trường Sư phạm Quốc gia mang tên Herzen tại St. Petersburg cho rằng "cuộc sống không có nhiều thay đổi lắm". Bạn nói: "Do Covid-19 vẫn đang hoành hành, nên hiện tại ở trường mình sinh viên vẫn được học online tại nhà, nhu cầu đi lại hạn chế nên cũng không tốn quá nhiều tiền cho việc di chuyển. Còn vật giá các sản phẩm ngoại nhập tăng thì mình vẫn luôn có thể chuyển sang dùng hàng nội địa."
Suy nghĩ sâu sắc hơn
Tình hình chiến sự Nga-Ukraine cũng khiến các bạn sinh viên suy nghĩ sâu sắc. Bạn Bùi Thị Hải Hà – một người Việt Nam được sinh ra và lớn lên ở Ukraine, nhưng giờ lại đang theo học năm cuối trường Đại học Văn hóa và Nghệ thuật St. Petersburg, Nga, chia sẻ: "Mình được sinh ra và lớn lên ở Kharkov –Ukraine. Thành phố này đang phải chịu đánh bom hàng ngày. Cũng như mọi người, mình rất sốc trước những gì đang xảy ra và cảm thấy bất lực vì không thể giúp đỡ được những người thân của mình".
"Mình còn rất nhiều bạn bè và người quen ở đó. Họ phải bỏ hết nhà cửa và của cải để sang lánh nạn ở Ba Lan, và có những người quen của mình thậm chí đã phải bỏ mạng. Mình sinh ra ở Ukraine, nhưng lại đang sinh sống và học tập tại Nga, thậm chí người yêu mình là người Nga đã cầu hôn và bọn mình lên kế hoạch mùa hè sẽ tổ chức đám cưới. Nhưng mọi thứ thay đổi quá nhanh chóng và phức tạp, mình không nghĩ bọn mình có thể thành hôn vào hè này nữa. Giờ đây mình chỉ có thể hy vọng anh ấy sẽ không bị gọi đi lính mà thôi."
Nhưng các bạn sinh viên Việt Nam vẫn giữ tâm thế bình tĩnh và lạc quan, đồng cảm và thấu hiểu. Hải Hà cho biết: "Trong suốt hai tuần vừa rồi, mọi người trên thế giới bắt đầu bài trừ người Nga theo phong trào "Russian hate" (ghét bỏ người Nga) rất dữ dội. Họ không hiểu rằng những người dân bình thường không thể dừng chiến sự lại được, và họ cũng không phải là người khơi mào nên cuộc chiến này."
Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, thạc sĩ trường Sư phạm Quốc gia mang tên Herzen tại St. Petersburg, chia sẻ: "Mình nghĩ đây là khoảng thời gian là khó khăn chung đối với tất cả mội người, kể cả công dân Nga lẫn cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập ở Nga cũng như ở Ukraine. Thế nên chúng ta cố gắng tìm cách khắc phục và giúp đỡ lẫn nhau. Nhìn theo hướng tích cực thì thời gian này giúp mình học được khá nhiều trong việc tiết kiệm và cân đối chi tiêu, chọn lọc, tiếp nhận thông tin, và bình thản trước những tin giả tràn lan trên mạng."
Ngoài ra, cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Nga, cũng như cộng đồng người Việt ở Nga vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết, luôn luôn nỗ lực để đảm bảo sự an toàn của đồng bào. Bạn Trần Hoa Ảnh cho hay: "Tuy cuộc sống có chút xáo trộn một, hai hôm đầu, nhưng sau thì đâu cũng vào đó cả. Đời sống ổn định, tinh thần vững vàng. Ban quản lí du học sinh tại Nga và trường cũng thường xuyên quan tâm, hỏi han sinh viên, nên mình thấy không có gì đáng lo ngại."
Các sinh viên Việt Nam đều hy vọng rằng chiến sự Nga-Ukraine sẽ sớm kết thúc và sớm có thể trở lại với cuộc sống hòa bình, ổn định như trước.