Pháp, nước giữ chức chủ tịch EU, tuyên bố rằng khối này đã thông qua một gói nhắm mục tiêu vào “các cá nhân và thực thể liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine,” cùng với các lĩnh vực của nền kinh tế Nga.
Tổng thống Pháp cho biết, khối cũng đã thông qua một tuyên bố với Tổ chức Thương mại Thế giới “về việc đình chỉ áp dụng điều khoản tối huệ quốc đối với Nga và đình chỉ việc xem xét đơn xin gia nhập WTO của Belarus.”
Nếu quy chế MFN cho Nga bị đình chỉ, các công ty của nước này sẽ không còn được đối xử đặc biệt trong toàn EU.
Các thông báo này phù hợp với những gì các nhà lãnh đạo đã tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh Versailles hôm 11/3, rằng một gói trừng phạt nghiêm ngặt sẽ được đưa ra nếu Nga tiếp tục chiến dịch ở Ukraine. Chi tiết chính xác của gói trừng phạt mới nhất sẽ chỉ được biết khi được công bố trên tạp chí chính thức của EU.
Kể từ khi chiến sự bắt đầu vào tháng trước, EU đã áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin, hệ thống tài chính của Nga và các nhà tài phiệt Nga. Tuần trước, các quốc gia trong khối đã đồng ý áp dụng các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với 160 cá nhân và bổ sung các hạn chế mới đối với việc xuất khẩu hàng hải và công nghệ liên lạc vô tuyến.
Họ cũng quyết định loại ba ngân hàng Belarus khỏi SWIFT, hệ thống thống trị các giao dịch tài chính toàn cầu. Nhìn chung, các biện pháp hạn chế của EU hiện áp dụng cho tổng số 862 cá nhân và 53 tổ chức.
Trong tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh tối qua, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết gói trừng phạt thứ tư sẽ cô lập Nga hơn nữa “và rút cạn các nguồn lực mà nước này sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến tranh man rợ này”.
Bà cho biết EU sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhóm G7 để gia tăng sức ép chống lại Moscow.
Các nỗ lực để đồng ý tẩy chay dầu mỏ đối với Nga rất phức tạp, bởi vì một số nước EU, bao gồm cả Đức và Ý, phụ thuộc nhiều hơn so với các nước khác vào năng lượng của Nga. Trong phạm vi EU, Ba Lan nhận 67% dầu từ Nga trong khi Ireland chỉ nhận 5%.