Lý do quan trọng khiến Nga buộc phải hủy diệt căn cứ quân sự Ukraine gần Ba Lan

Phương Đăng (theo NYT) Thứ hai, ngày 14/03/2022 16:46 PM (GMT+7)
Trận không kích dữ dội của Nga vừa hủy diệt một căn cứ quân sự ở miền tây Ukraine, gần Ba Lan, ngay trước ngưỡng cửa của NATO. Dù động thái này làm dấy lên lo sợ về nguy cơ chiến sự mở rộng hơn nữa và vượt tầm kiểm soát, nhưng Nga có lý do quan trọng để buộc phải vô hiệu hoá căn cứ này.
Bình luận 0
Lý do quan trọng khiến Nga buộc phải hủy diệt căn cứ quân sự Ukraine gần Ba Lan - Ảnh 1.

Căn cứ huấn luyện quân sự ở miền tây Ukraine bị hủy diệt sau cuộc không kích của Nga. Ảnh NY Times.

Theo New York Times, Nga đã tiến hành một loạt các cuộc không kích vào Trung tâm Gìn giữ hòa bình và An ninh Quốc tế (IPSC) gần thành phố Lviv, miền tây Ukraine vào Chủ nhật (14/3). Thống đốc Lviv Maksym Kozytsky sau đó cùng ngày nói rằng 35 người đã thiệt mạng và hơn 130 người bị thương bởi cuộc tấn công này.

New York Times cho biết, IPSC chính là nơi quân đội Mỹ đã huấn luyện các lực lượng Ukraine để đối phó với Nga chỉ vài tuần trước đó. Việc Nga tấn công căn cứ này khiến cuộc chiến giữa Nga-Ukraine chỉ còn cách biên giới với Ba Lan 11 km, nơi các lực lượng NATO đóng quân trong tình trạng báo động cao.

Các quan chức phương Tây cảnh báo, cuộc tấn công ngay trước cửa ngõ NATO không chỉ đơn thuần phản ánh rằng Nga đang mở rộng chiến dịch quân sự của họ về mặt địa lý mà còn là sự thay đổi chiến thuật trong một cuộc chiến mà nhiều người đã lo ngại có thể lan rộng thành cuộc xung đột lớn hơn ở châu Âu.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan cáo buộc, Nga đang cố gắng gây thiệt hại ở mọi nơi trên khắp đất nước Ukraine.

Trong khi đó, John F. Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc tuyên bố, trong những ngày gần đây, các lực lượng Nga đã mở rộng cuộc không chiến tới tận biên giới với Ba Lan. Trước cuộc tấn công vào IPSC hôm Chủ nhật, tên lửa của Nga cũng đã tấn công các sân bay ở Lutsk và Ivano-Frankovsk, các thành phố ở miền tây Ukraine gần biên giới Ba Lan. Theo thị trưởng Ivano-Frankovsk, sân bay của thành phố đã tiếp tục bị tấn công trở lại vào Chủ nhật 13/3.

Các quan chức Lầu Năm Góc tin rằng, các cuộc không kích gần đây của Nga nhằm mục đích vô hiệu hóa các sân bay ở miền Tây Ukraine nhưng không rõ hiệu quả của chúng.

IPSC - căn cứ quân sự bị tấn công hôm 13/3 vốn là trung tâm để quân đội phương Tây huấn luyện các lực lượng Ukraine kể từ năm 2015. Các chuyên gia từ Mỹ, Anh, Canada, Ba Lan, Thụy Điển và Đan Mạch, cùng những chuyên gia ở các nước khác đã đào tạo 35.000 người Ukraine ngay tại IPSC theo một dự án gọi là "Sự Hoạt động thống nhất".

Trước chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine, các quốc gia phương Tây đã rút lực lượng của họ khỏi căn cứ quân sự này. Kể từ đó, căn cứ này lại được Ukraine sử dụng để đào tạo và tổ chức hàng nghìn người nước ngoài đến Ukraine chiến đấu. Nga đã thề sẽ nhắm vào lực lượng lính đánh thuê nước ngoài đến Ukraine tham chiến.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nhắm đến lính đánh thuê nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga - thiếu tướng Igor Konashenkov nhấn mạnh ngày 13/3.

Các quan chức quân sự Mỹ cho biết, họ tin rằng, sau nhiều tuần tấn công các khu vực khác ở Ukraine, Nga đã thay đổi chiến thuật, bắt đầu tấn công các mục tiêu quân sự ở miền Tây nước này trong nỗ lực ngăn chặn chúng trở thành căn cứ hoạt động của không quân Ukraine và là nguồn cung cấp vũ khí- thiết bị quân sự cho các lực lượng Ukraine.

Theo New York Times, các lô vũ khí và viện trợ từ đầu cuộc chiến đến nay đã đổ vào miền tây Ukraine từ Ba Lan và Romania. Trước khi tấn công IPSC, Nga đã cảnh báo rằng họ coi các đoàn xe quân sự mà Mỹ và phương Tây đang tuồn vào Ukraine là "mục tiêu hợp pháp".

Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, tính đến thứ Sáu 11/3, người Nga vẫn chưa nhắm mục tiêu vào các chuyến hàng cung cấp vũ khí cho Ukraine, tập kết ở miền Tây Ukraine. Khi đó đã có suy đoán rằng Nga có thể đã bị phân tâm khi đẩy mạnh giao tranh ở các khu vực khác của Ukraine, nhưng các cuộc tấn công tăng cường ở phía tây kể từ ngày 13/3 đã cho thấy suy đoán đó là sai lầm.

Ông Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết, quân đội Mỹ hiện tỏ ra lo ngại hơn về sườn phía đông của NATO ở biên giới giữa Ba Lan và Ukraine đồng thời đang cùng với các thành viên liên minh tìm cách tăng cường bảo vệ vùng trời ở đó. Nhưng ông khẳng định Mỹ vẫn phản đối ý tưởng thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine.

Trong những tuần tới, NATO có kế hoạch tập hợp 30.000 quân từ 25 quốc gia ở Na Uy để tập trận định kỳ 6 tháng một lần, bao gồm cả các cuộc tập trận bắn đạn thật.

Các cuộc tập trận đã được thông báo cách đây hơn 8 tháng, nhưng cuộc tập trận hiện nay được cho là mang ý nghĩa răn đe (Nga) lớn hơn khi cuộc giao tranh ở Ukraine đã tiệm cận biên giới Ba Lan và gây ra cảnh báo trong toàn liên minh.

Khoảng 10.000 lính Mỹ - một nửa trong số đó được triển khai bổ sung sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bắt đầu - hiện đang đóng quân tại Ba Lan. Cuối tuần trước, Mỹ đã chuyển hai khẩu đội tên lửa đất đối không từ Đức sang Ba Lan. Và hôm thứ Bảy 12/3, Tổng thống Biden đã chấp thuận gửi thêm 200 triệu USD vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem