Chiến sự Nga-Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 10: Phận người bên trong chiếc côngtenơ ân tình

Đỗ Thị Hoa Lý viết riêng cho Dân Việt Thứ hai, ngày 14/03/2022 19:21 PM (GMT+7)
"Châu Âu đã miễn phí cho tất cả những người tị nạn từ Ukraine: Từ ăn uống cho đến nghỉ ngơi, ngay cả sim điện thoại cũng được phát miễn phí. Thật đáng để nghiêng mình cảm tạ, ghi khắc ân tình này!!!", trích phần 10 nhật ký chiến sự Nga-Ukraine của nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý.
Bình luận 0

Dortmund ngày 12-13/3:

Mấy ngày nay với chúng tôi không có gì mới: Hết ăn, ngủ lại đi ra đi vào. Tôi đã thử bắt tay vào học tiếng Đức, cảm thấy không khó nhưng học xong 3 bài đơn giản đầu tiên thì không còn tâm trạng để học nữa. Làm sao có thể yên lòng khi mình quá nhàn rỗi mà quê hương thứ 2 của mình đang từng ngày, từng giờ máu chảy tang thương?

Đọc tin Ukraine mà lòng đau như cắt. Nhiều lúc không còn nghĩ được gì nữa. Ukraine vẫn đang bị đánh phá ác liệt. Ivano-Frankiv, Lusk, thậm chí cả thành phố Lviv biên giới giáp với Ba Lan, có thể gọi là con đường huyết mạch an toàn nhất hiện nay cũng bị tấn công dữ dội, thương vong nặng nề. Miền Tây giờ không còn bình yên nữa. Bao nhiêu con người đang đổ về các cửa khẩu biên giới sẽ ra sao?

Mới thấy chúng tôi đã may mắn kịp thời thoát đi. Có người kể cho chúng tôi nghe là ngồi trên tàu còn nhìn thấy rõ cả đàn máy bay ầm ầm trên đầu, tất cả mọi người nằm rạp xuống sàn. Đoàn tàu lầm lũi lao vào trong bóng đêm, trên tàu không có một chút ánh sáng để tránh mục tiêu của không kích.

Chiến sự Nga-Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 10: Phận người bên trong chiếc côngtenơ ân tình - Ảnh 1.

Chung cư ở Obolon bị bắn phá.

Ngày hôm qua được biết tin của chị bạn tôi ở Mariupol, mẹ và một con gái đã thoát ra được nhưng còn bố kẹt lại, một cô con gái khác vẫn kẹt ở Kharkiv. Nhìn bạn hốc hác bơ phờ mà đau nhói... 

Chiến tranh đã làm cho người Việt Nam ở Ukraine lâm vào tình cảnh vô cùng đau khổ bi thương, nhưng tội nhất là bà con ta ở thành phố tiền duyên Mariupol. Hiện nay thành phố bị quân Nga bao vây và nằm trong chảo lửa. Mariupol đang trong tình trạng thảm hoạ nhân đạo. Đôi bên chưa thoả thuận được Hành lang xanh. Mất điện, mất gas, mất lò sưởi và không biết dự trữ đồ ăn nước uống thế nào nữa.

Hiện nay quân đội Ukraine cũng đang bị bao vây ở thành phố đó và họ không đủ sức để thoát ra được. Và nếu thoát ra được thì phải di chuyển gần 300 km đến Zaporozhye, đó là điều không tưởng, vì pháo và máy bay của quân Nga sẽ bắn suốt dọc đường...

Ngay như chỗ chúng tôi ở hiện nay có 7 người Việt Nam thì cũng có những câu chuyện không sao kể hết... Trong đó tôi nghe được câu chuyện của người phụ nữ từ Kharkiv trao đổi với bạn gái qua điện thoại "mình không biết thế nào nữa, không biết có trụ nổi?". Hỏi ra được biết cô bạn cứ 3 ngày phải chạy thận một lần, sức khỏe rất yếu. Khi mọi người đi di tản có rủ cô ấy cùng đi nhưng cô ấy đã chọn ở lại vì sợ không đủ sức chịu đựng (nhưng có lẽ cô ấy nghĩ chiến tranh không đến mức tàn khốc như vậy?). Bao con người, biết bao hoàn cảnh...

Chúng tôi từ những gia đình quây quần làm ăn sinh sống gần nhau, giờ tan tác muôn phương. Đang vui vẻ bên nhau bỗng dưng mỗi người một phương bơ vơ, trông chờ vào sự hỗ trợ của chính phủ các nước.

Ví như 2 gia đình chúng tôi rủ nhau cùng đi di tản, đến Berlin thì chia tay đôi ngả. Gia đình tôi đi Dortmund còn gia đình cô bạn thì đi vùng khác.

Chiến sự Nga-Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 10: Phận người bên trong chiếc côngtenơ ân tình - Ảnh 2.

Những ngôi nhà côngtenơ nơi chị Đỗ Thị Hoa Lý đang được tị nạn.

Từ khi nhập trại tập trung chiều hôm 7/3 đến nay không thay đổi gì nhiều. Hiện tại có khoảng 30 người đủ các quốc gia nhưng chỉ có 7 người Việt Nam là từ Ukraine. Trong đó 3 người từ Kharkiv, 2 mẹ con từ Kramatorsk (ngoại ô Donetsk) và gia đình tôi. Mọi thứ đầy đủ đều do Liên Hiệp Quốc và Hội Chữ thập đỏ chu cấp. Chúng tôi ở trong khu côngtenơ (container) dành cho người tị nạn. Bên trong mỗi côngtenơ có 6 giường, có đủ bàn ghế, tủ quần áo, lò sưởi. Khu tắm, giặt và vệ sinh riêng. Mọi thứ đều sạch sẽ, đầy đủ và tiện dụng, chỉ có lòng người là không bình yên.

Nhưng ở nhiều khu tập trung tạm thời, thức ăn phải chia thành suất mới đủ cung cấp mới thấy sự quá tải của Châu Âu. Cuộc chiến tranh này đã đè nặng lên vai các nước láng giềng của Ukraine, đặc biệt là Ba Lan và Đức. Châu Âu đã miễn phí cho tất cả những người tị nạn từ Ukraine: Từ ăn uống cho đến nghỉ ngơi, ngay cả sim điện thoại cũng được phát miễn phí. Thật đáng để nghiêng mình cảm tạ, ghi khắc ân tình này!!!

14/3 được tin quận Obolon thành phố Kyiv nơi có nhiều chung cư bị bắn phá sáng sớm nay tôi lại trào nước mắt....


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem