Với ưu thế đó, nhiều nông dân ở huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đã chọn mua lươn giống để nuôi chứ không chọn lươn giống ngoài tự nhiên, vì lươn giống ngoài tự nhiên tỷ lệ hao hụt cao, lươn chậm lớn.
Từ trước đến nay, nông dân hay nuôi lươn theo mô hình lót bạt, bên trong có sử dụng đất để nuôi. Tuy nhiên, kết quả cho thấy nuôi lươn trong bùn sẽ không cho hiệu quả cao, tỷ lệ hao hụt lớn và không biết được tỷ lệ lươn còn sống trong suốt quá trình nuôi.
Hiện nay, nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, cộng với trình độ hiểu biết của nông dân ngày càng cao, nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Phú Bình (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã chuyển sang mô hình nuôi lươn công nghệ cao hay nói dễ hiểu là nuôi không cần bùn.
Mô hình nuôi lươn công nghệ cao mà chúng tôi muốn nói đến là hộ nông dân Lâm Văn Đoàn Xuân, ấp Bình Phú 1, xã Phú Bình (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Là nông dân tiên phong trong việc áp dụng nuôi lươn công nghệ cao của xã.
Hiện tại, diện tích bồn nuôi lươn mà anh Xuân đang áp dụng để nuôi là 20m2, bồn được xây dựng bằng xi măng, bên trong lót bạt.
Trên diện tích đó, anh thả 190 kg con lươn giống. Đây là giống lươn anh được Hội Nông dân huyện tư vấn, hỗ trợ lấy giống tại trung tâm giống An Giang. Bình quân mỗi con lươn giống anh mua 8 nghìn đồng/con. Anh Xuân cho biết: để xây dựng bể nuôi và mua con giống anh được hội nông dân huyện hỗ trợ vay vốn 60 triệu đồng.
Nông dân Lâm Văn Đoàn Xuân, ấp Bình Phú 1, xã Phú Bình chia sẻ tiếp: “Trước đây, gia đình anh chỉ nuôi heo và nuôi cá tra. Tuy nhiên, anh nhận thấy việc nuôi heo rất bấp bên giá cả không thuận lợi.
Trong một dịp anh được Hội nông dân xã Phú Bình và Hội Nông dân huyện Phú Tân vận động tham gia mô hình nuôi lươn công nghệ cao. Anh về bàn với vợ quyết định chuyển từ nuôi heo sang nuôi lươn công nghệ cao”.
Điều đặc biệt, ở mô hình nuôi lươn của anh Xuân là thức ăn cho lươn hoàn toàn là thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, anh còn áp dụng hệ thống hỗ trợ chạy oxy cho lươn từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Sau 4 tháng thả nuôi, bước đầu anh Xuân nhận định lươn đang trong giai đoạn sinh trưởng tốt, trọng lượng bình quân 200-300 gam/con.
Để cho lươn phát triển tốt, mỗi ngày anh thay nước 2 buổi trên ngày. Nhờ trước đây anh đã từng nuôi lươn nên anh cũng có kinh nghiệm và anh áp dụng trong việc nuôi lươn ứng dụng công nghệ thở ôxi.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Bình Nguyễn Thanh Toàn cho biết: “Mô hình nuôi lươn công nghệ cao của anh Xuân là hướng đi mới của xã, anh Xuân là người tiên phong đầu tiên trong việc nuôi lươn không bùn, được Hội Nông dân huyện hỗ trợ một phần vốn và kỹ thuật, bước đầu mang lại hiệu quả rất khả quan.
Theo ông Toàn, ưu điểm của nuôi lươn theo hướng công nghệ cao sẽ góp phần giảm thải ô nhiễm môi trường, ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, chất lượng lươn đạt tốt, người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng.
Từ khi khởi nghiệp nuôi đến nay, sau hơn 2 năm gắn bó mô hình nuôi lươn bằng thức ăn công nghiệp, thả trong bể lót bạc, kết hợp thở bằng oxy đã đem lại nguồn thu nhập ổn định. Theo anh Xuân, nếu như thả nuôi 2000 con lươn giống, bình quân sau gần 8 tháng nuôi, trừ đi chi phí thì sẽ thu lợi gần 60 triệu đồng.
Đầu năm 2021, anh Lâm Văn Đoàn Xuân đã bắt đầu mở rộng diện tích trên 10 bể để nuôi lươn. Và anh cũng đã bắt đầu tiến hành sản xuất giống từ lươn bố mẹ cho đẻ trứng với diện tích gần 40 mét vuông. Tuy mới bước đầu tiến hành nhân giống, anh đã đã thấy được hiệu quả trước mắt cũng như trong tương lai.
Việc áp dụng nuôi lươn theo hướng cộng nghệ cao sẽ góp phần đảm bảo cung cấp cho thị trường một sản phẩm sạch, an toàn, đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi, giảm thải ô nhiễm môi trường. Tạo hướng đi mới cho nông dân, từ đó thay đổi dần tập quán nuôi theo truyền thống.