Cây gì ở miền Tây trước là cây nhà nghèo, nay resort, khu du lịch, nhà hàng lại mua tới tấp?
Loài cây gì ở miền Tây lá già lợp nhà, lá non làm cổng cưới, ra trái đặc sản ăn no bụng vẫn thòm thèm?
Thứ bảy, ngày 09/04/2022 18:48 PM (GMT+7)
Nhớ thuở nhỏ, mỗi lần đi xuồng trên sông, tôi đều bị thu hút bởi hai bên sông mọc đầy dừa nước, lá vươn dài đung đưa trước gió. Cây dừa nước đa năng lắm, lá dừa nước dùng lợp nhà, gói bánh, trang trí cổng rạp cưới; trái là món ngon; bập bè chẻ phơi khô làm dây buộc…
Thế nhưng, giờ đây cây dừa nước không còn mọc nhiều như trước. Những dãy dừa nước xanh năm nào nay đã “phai màu”, tuy nhiên trong ký ức của nhiều người còn lưu giữ hình ảnh đẹp của “đám lá tối trời”.
Quê ngoại tôi ở tận ấp Tân Biên, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng). Nhớ những năm 90, mỗi lần mẹ dắt chúng tôi về thăm ngoại phải đi một bận xe đò, rồi đến bến phà thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị đi thêm lượt đò mới về tới ngoại.
Hôm nào xe đò lê bánh rước khách là mấy mẹ con trễ đò, phải đợi mấy tiếng đồng hồ mới có chuyến khác để đi.
Đến nhà ngoại, bà thấp thoáng sau đám lá dừa nước đón chúng tôi ở xa về. Nhờ đám lá dừa nước ấy mà mỗi khi lợp lại nhà hay cất nhà mới, ngoại tôi không tốn kém nhiều chi phí.
Ông ngoại và dượng út đốn những tàu lá dừa nước dài, rồi xé làm hai dọc theo sống lá, phơi mấy nắng là có thể dùng lợp nhà. Còn bập dừa thì chẻ ra thành những sợi nhỏ, phơi khô làm dây buộc, còn gọi là lạt dừa.
Tôi còn nhớ bến sông nhà ngoại mát mẻ lắm, chính là nhờ đám lá dừa nước. Nơi đám lá ấy nay đã thay bằng con đường lộ nhựa thẳng tắp chạy dọc ở mé sông. Giờ nhà nhà cũng ít lợp bằng lá dừa nước mà thay bằng tol và xây dựng nhà tường khá khang trang.
Mỗi lần mẹ làm bánh lá hay bánh dừa, thường kêu cha chặt lá dừa nước. Những chiếc lá dừa nước già màu xanh đậm được mẹ tôi cho bột lên nắn, rồi cho vào nồi hấp. Còn bánh dừa, phải dùng đọt lá dừa non để gói bánh.
Dịp nghỉ lễ, Tết về quê lúc cây dừa nước cho trái, cha tôi lại chèo xuồng qua sông, một lúc sau ông đã về với đầy ắp quầy dừa nước. Cha tôi cười tươi bảo: “Đốn trái dừa nước cho con gái ăn mà nhớ nhà để còn về chơi hoài”.
Những trái dừa nước khi được chẻ ra thì “phơi” phần thịt trắng, kèm ít nước sền sệt, cho vào miệng ăn luôn tại chỗ thì no bụng lúc nào không hay. Thấy tôi ăn “hơi đậm”, mẹ bảo: “Đem dừa nước vô cho thêm nước đá, ăn ngon hơn con”.
Trong chuyến đi về huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), tôi được anh nông dân có biệt tài làm cổng cưới lá dừa chia sẻ thêm những công năng của dừa nước, nghe qua mà thấy thích thú và càng yêu thêm cây dừa nước hiền hòa, mộc mạc nhưng rất nhiều tiện ích.
Anh Võ Văn Vũ, ở xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung bộc bạch: “Trước đây, xứ tôi cây dừa nước mọc nhiều ở kênh, rạch, đâu đâu cũng có, nhưng hiện nay diện tích đã thu hẹp dần. Rồi lá dừa nước không còn xanh tốt như ngày xưa, bởi dừa mọc mé sông chống sạt lở là chính, không có sự chăm sóc, lá sâu nhiều lắm. Công việc của tôi làm cổng cưới lá dừa nên tôi cần nhiều lá dừa nước, phải tìm những lá dừa đẹp, đều, rất là tốn công”.
Với bàn tay khéo léo, những lá dừa nước giản dị được anh Vũ “tạo dáng” thành hình bông hoa, mái cổng hay đan giữa lá dừa già màu xanh đậm với lá dừa non màu xanh nhạt trang trí quanh cổng cưới rất đẹp mắt, công phu.
Anh Vũ cho biết: “Cây dừa nước tự sinh trưởng từ năm này qua năm nọ, không bỏ công chăm nên tôi muốn đốn lá hỏi xin là được ngay, không tốn tiền mua. Dừa nước không chỉ được tận dụng lá, trái đâu mà tôi thấy cây dừa nước còn chống sạt lở đất rất hay đó chứ.
Cây dừa nước cũng tạo sinh kế cho người dân xứ tôi. Anh em tôi quen cũng làm nghề thu mua lá dừa nước bó thành bó rồi bán cho các ghe, cũng có thu nhập chút đỉnh”.
Vài năm trở lại đây, nhiều nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, quán xá chuộng lợp mái bằng lá dừa nước vì chống oi bức khi trời nắng nóng và tạo sự gần gũi với thiên nhiên.
Thế là, cây dừa nước một lần nữa “lên ngôi”, và trở thành cây hái ra tiền. Người ta còn tận dụng bán trái, đó như là món ăn đặc sản được nhiều người yêu thích. Dừa nước còn hiên ngang giữ đất, chống xói mòn, sạt lở rất hiệu quả.
Thế mới thấy rằng dừa nước sinh ra với nhiều công năng và nó chính là loài chỉ biết “phục vụ” cho con người không bao giờ mệt mỏi. Dù cây không được chăm sóc, thường bị người ta đốn cả tàu lá già lẫn lá non nhưng chúng vẫn không chết mà cứ vươn vai đứng thẳng trước gió.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.