An Giang: Thả 1.500 con cá nàng hai trong vèo, bên ngoài thả thêm 2.000 cá sặc rằn, ông nông dân lãi khá

Nguyễn Khiếm - Thu Hằng Thứ tư, ngày 16/12/2020 13:00 PM (GMT+7)
Vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú (An Giang) phối hợp với UBND xã Ô Long Vĩ tổ chức hội thảo mô hình nuôi cá nàng hai trong vèo kết hợp cá sặc rằn trong ao đất. Quy mô 1.500 con cá nàng hai và 2.000 con cá sặc rằn, diện tích 200m2 tại hộ ông Phan Hữu Danh.
Bình luận 0

Vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú (An Giang) phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã Ô Long Vĩ tổ chức hội thảo mô hình nuôi cá nàng hai trong vèo kết hợp cá sặc rằn trong ao đất. Quy mô 1.500 con cá nàng hai và 2.000 con cá sặc rằn, diện tích 200m2 tại hộ ông Phan Hữu Danh.

Mô hình được thực hiện theo hình thức nuôi kết hợp. Theo đó, cá nàng hai sẽ được thả trong vèo lưới, còn cá sặc rằn sẽ được thả bên ngoài vèo. Cách nuôi này mục đích nhằm tận dụng thức ăn dư thừa của cá nàng hai, giảm chi phí xử lý môi trường cũng như tăng thêm thu nhập cho người nuôi từ sản lượng cá sặc rằn thu được.

An Giang: Thả 1.500 con cá nàng hai trong vèo, bên ngoài thả thêm 2.000 cá sặc rằn, ông nông dân lãi khá - Ảnh 1.

Ông Phan Hữu Danh đang cho cá ăn

Tại buổi hội thảo, mô hình đều đạt yêu cầu đề ra. Trong quá trình nuôi, cá nàng hai và cá sặc rằn đều tăng trưởng tốt. Sau thời gian nuôi 7 tháng, cá nàng hai đạt khối lượng 200 gam/con, tỷ lệ sống 85%. Cá sặc rằn đạt trọng lượng 63 gam/con, tỷ lệ sống 80%. Ước tính lợi nhuận sau 7 tháng nuôi đạt trên 2 triệu đồng.

Phát biểu tại buổi hội thảo, đa số đại biểu đều cho rằng cá nàng hai và cá sặc rằn phù hợp với điều kiện nuôi địa phương, dễ nuôi, cá ít bệnh và tỉ lệ hao hụt thấp. 

Cùng với mô hình ở huyện Châu Phú, mô hình nuôi xen ghép cá nàng hai với cá sặc rằn trong ao đất cũng được triển khai thực hiện tại vùng nuôi xã Hòa Lạc (huyện Phú Tân) tại hộ nông dân La Văn Đảo, ngụ ấp Hòa Bình 3, do kỹ sư Đỗ Minh Nhựt (Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân) hướng dẫn. 

An Giang: Thả 1.500 con cá nàng hai trong vèo, bên ngoài thả thêm 2.000 cá sặc rằn, ông nông dân lãi khá - Ảnh 2.

An Giang: Thả 1.500 con cá nàng hai trong vèo, bên ngoài thả thêm 2.000 cá sặc rằn, ông nông dân lãi khá - Ảnh 3.

Tham quan thực tế mô hình của nông dân La Văn Đảo

Với diện tích ao khoảng 120m2, ông Đảo thả nuôi 1.500 con cá sặc rằn, trong ao làm thêm 1 vèo diện tích 30m2 thả nuôi 2.000 con cá nàng hai, nguồn giống do Trung tâm Khuyến nông An Giang hỗ trợ.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Đảo cho biết, để xử lý môi trường nuôi, phải cải tạo ao nuôi thật kỹ, bón vôi diệt tạp, phơi đáy ao đủ thời gian và nguồn nước sạch không bị ô nhiễm. Những tháng đầu ông Đảo cho cá ăn thức ăn có độ đạm cao để tăng trọng nhanh, về sau giảm dần độ đạm để cá phát triển ổn định. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần, trộn thêm men tiêu hóa, chất dinh dưỡng giúp cá tăng cường sức đề kháng và hạn chế hao hụt.

Trước đó, ông Đảo được tham gia tập huấn, tìm hiểu mô hình để nắm chắc quy trình nuôi và ứng dụng vào thực tế. Nguồn vốn đầu tư nuôi ban đầu khá cao so với các đối tượng nuôi khác nhưng việc nuôi cá ghép trong cùng một ao có rất nhiều lợi thế như: cá sặc rằn ăn rong-tảo, chất thải và thức ăn thừa của cá thát lát cườm; lọc được môi trường nước, giữ gìn vệ sinh ao nuôi sạch sẽ… 

Mô hình nuôi cá nàng hai được nhiều hộ dân phát triển đã nhiều năm nay, tập trung chủ yếu tại 2 xã Phú Bình và Hòa Lạc, với cách nuôi ghép cùng cá sặc rằn, nếu áp dụng thành công sẽ giúp nông dân tăng thêm đồng lời.

Mô hình của hộ ông La Văn Đảo thực hiện được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và huyện phối hợp tổ chức hội thảo, đánh giá rộng rãi cho nhiều nông dân quan tâm đến chia sẻ, học hỏi. 

Sau khoảng 7 tháng nuôi, cá nàng hai đạt trọng lượng 400gr/con, tỷ lệ sống trên 86%, còn cá sặc đạt trọng lượng 100gr/con, tỷ lệ sống 75%, ước tính sản lượng cả 2 loại cá khi thu hoạch khoảng 670kg với giá từ 35.000 - 45.000/kg, đem lại nguồn thu trên 28 triệu đồng, sau trừ chi phí nông dân còn lãi gần 4 triệu đồng.

Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân, mô hình nuôi cá nàng hai kết hợp cá sặc rằn trong ao đất là loại hình dễ nuôi, cá ít bệnh và tỷ lệ hao hụt thấp, tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích mặt nước. Nuôi theo hình thức này giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước nhờ áp dụng phương pháp sinh học, qua đó, giúp người nuôi cá tiếp cận quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp với địa phương đạt năng suất cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường tiêu thụ hiện nay.

Việc Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang trình diễn mô hình nuôi cá nàng hai kết hợp cá sặc rằn sẽ tạo điều kiện cho bà con nông dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để làm cơ sở phát triển mô hình trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Trung tâm Khuyến nông cũng lưu ý, khó khăn của mô hình là cá nàng hai chủ yếu tiêu thụ nội địa, nhu cầu không lớn nên khi sản lượng nuôi vượt cầu khiến giá giảm mạnh. Vì vậy người nuôi cần tìm hiểu thị trường trước khi nuôi tránh nuôi ồ ạt làm giá cá thương phẩm thấp, cho hiệu quả kinh tế không cao.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem