Dân Việt

Trước khi mở đất lập nên một huyện mới ở Ninh Bình, vì sao ông Nguyễn Công Trứ phải đóng giả làm thầy tu?

Lã Đăng Bật 13/04/2022 06:10 GMT+7
Sách "Đại Nam Nhất Thống Chí", tập III (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội -1971), trang 225 có ghi: "Minh Mệnh…thứ ba (1822) đổi tên đạo Thanh Bình làm đạo Ninh Bình, năm thứ 10 (1829), đổi làm trấn Ninh Bình… Năm ấy đặt thêm huyện Kim Sơn".

Như thế tên Ninh Bình có từ năm 1822, tính đến năm 2022 là 200 năm. Trong thời gian này, tỉnh Ninh Bình có thêm một huyện mới là Kim Sơn. Người làm nên điều đó, chính là người mở đất, là "thầy tu" Nguyễn Công Trứ và người dân nghèo.

Nguyễn Công Trứ (1778-1858) người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, đậu Giải nguyên (đỗ đầu Cử nhân), làm quan trải ba triều: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. 

Ông là người văn võ song toàn là một trong hai thi sĩ nổi tiếng nhất của nửa đầu thế kỉ XIX (Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát).

Cuộc đời làm quan của ông thăng giáng đảo điên. Ông đã làm đến chức Tham tri bộ Hình, nhưng có lúc bị cách tuột phải làm lính ở Quảng Ngãi.

Trong những năm tháng làm quan nhiều nơi ở Bắc thành, Nguyễn Công Trứ đã hiểu được nguyên nhân sâu xa của các cuộc khởi nghĩa nông dân là nạn tham quan ô lại và nông dân không có ruộng đất. 

Để giải quyết vấn đề này phải tổ chức tập hợp dân nghèo, tiến hành khẩn hoang. Ông dâng lên vua Minh Mệnh một tờ sớ điều trần "Khẩn ruộng hoang để yên nghiệp dân nghèo". 

Vua Minh Mệnh chấp nhận cử ông làm Doanh điền sứ, trực tiếp đứng ra tổ chức công cuộc khẩn hoang ở Tiền Hải (Thái Bình) năm 1828 và Kim Sơn (Ninh Bình) năm 1829.

Trước khi mở đất lập nên một huyện mới ở Ninh Bình, vì sao ông Nguyễn Công Trứ phải đóng giả làm thầy tu? - Ảnh 2.

Kim Sơn - vùng đất mở ở tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

Trước khi khẩn hoang ở Tiền Hải, Nguyễn Công Trứ đã đến miền đất sa bồi sình lầy mênh mông ở ven biển Ninh Bình từ tháng 9 năm 1827 xem xét tình hình trước khi lên quy hoạch chỉ đạo khẩn hoang. 

Đến đây ông gặp những nghĩa quân của Phan Bá Vành do thất bại đã lẩn tránh tạm bợ trên vùng đất hoang sơ ven biển đó. 

Cũng vì sợ nghĩa quân Phan Bá Vành báo thù quan của triều đình, nên Nguyễn Công Trứ không dám xuất hiện công khai. Ông phải bí mật cải trang làm "thầy tu" và ở luôn chùa Phúc Nhạc (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) để xem xét ruộng bãi.

Nguyễn Công Trứ phải mặc quần áo sư, giả danh "thầy tu" vì trước đó cuối năm 1826, nghĩa quân Phan Bá Vành khởi nghĩa ở miền Bắc chống lại triều đình, nên đầu năm 1827, vua Minh Mệnh cử Nguyễn Công Trứ và Phạm Văn Lý đi đánh dẹp, tám trăm nghĩa quân đã bị bắt, Phan Bá Vành tử trận. Nguyễn Công Trứ đã tiêu diệt được nghĩa quân Phan Bá Vành.

Biết được điều Nguyễn Công Trứ làm "thầy tu", vì ngày nay vẫn còn lưu giữ tấm bia ở chùa Đồng Đắc thuộc xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình- một ngôi chùa nổi tiếng ở vùng có đông đồng bào công giáo, có từ khi ra đời huyện Kim Sơn. 

Văn bia ghi đoạn văn chữ Hán như sau: "Kim Sơn hữu huyện thủy ư Minh Mệnh thập niên, Kỷ Sửu; thành ư Doanh điền Nguyễn Công. Ngã tổ sư Lê Hậu, nguyên trụ trì Phúc Nhạc tự, Nguyễn Tướng Công tăng giả quán chi". Dịch là:"Huyện Kim Sơn có vào thời Minh Mệnh thứ 10, năm Kỷ Sửu, do Nguyễn Công Trứ lập thành. Vị tổ sư của chùa ta họ Lê, nguyên trụ trì ở chùa Phúc Nhạc. Nguyễn tướng công (Nguyễn Công Trứ) giả làm "thầy tu" ở đó". 

Như thế, khẳng định Nguyễn Công Trứ đã giả làm nhà sư để đi lại dễ dàng không sợ tàn quân của Phan Bá Vành trả thù. 

Đó là văn bia. Còn trong bài ca dài trên 200 câu làm theo thể lục bát "Kim Sơn sự tích Doanh điền ca" (dân gian) truyền miệng có câu:

"Tháng chín Đinh Hợi đã tàn

Chẳng ngờ du đảng tan đàn lẩn quanh

Ra đi người (Nguyễn Công Trứ) mới giả hình

Làm "thầy tu" đến một mình dò la"

Điều đó thể hiện Nguyễn Công Trứ đã làm "thầy tu" từ tháng 9 năm 1827 vì phải đi thị sát bãi bồi ven biển tỉnh Ninh Bình trước mới hiểu được tình trạng của bãi bồi, sau đó tiến hành mộ dân đến khai khẩn vào giữa năm 1828.

Sau gần 5 tháng khẩn hoang rất vất vả, gian nan đến tháng 11 năm 1828, Nguyễn Công Trứ đã cho lập 53 lý, ấp, trại, giáp với 1260 dân đinh, bằng những công cụ thô sơ đã khẩn hoang được 14.620 mẫu ruộng. 

Vì vậy, đến tháng 3 năm Kỷ Sửu (1829), vua Minh Mệnh thứ 10, huyện Kim Sơn được thành lập.

Tương truyền, vua Minh Mệnh hỏi Nguyễn Công Trứ đặt tên cho một huyện mới là gì, thì Nguyễn Công Trứ tâu trình với vua Minh Mệnh là:"Nếu bệ hạ đã ban tên ở một huyện ven biển Nam Định là Tiền Hải, thì huyện mới ở vùng Ninh Bình tên là Kim Sơn. Một bên là "Biển Tiền" thì một bên là "Núi Vàng".

Từ một anh kép Nguyễn Công Trứ trở thành một Tham tri bộ Hình. Từ một doanh điền sứ tài ba, Nguyễn Công Trứ phải làm thầy chùa. 

Điều này chứng minh thêm được phong cách rất đặc biệt của Nguyễn Công Trứ- một viên quan đại thần, thực chất là một nhà khoa học, một chuyên gia điều tra thực địa có nhiều kinh nghiệm. Và con người khả kính đó đã từng có thời làm nhà sư ở Ninh Bình

Từ khi Nguyễn Công Trứ khai khẩn ruộng hoang ở Kim Sơn đến nay, chúng ta đắp con đê đầu tiên vào năm 1829, gọi là đê Hồng Ân, thực chất đắp tôn cao đê Hồng Lĩnh. Đến năm 1899, đắp đê sông Ân. Năm 1927 đắp đê Hoành Trực (tức đê Văn Hải). Năm 1933-1934 đắp đê Tùng Thiện. Năm 1945 đắp đê Cồn Thoi. Năm 1959-1960 đắp đê Bình Minh I. 

Cuối năm 1981 đê Bình Minh II hoàn thành. Sau đó, đê Bình Minh III được đắp. Đắp thêm đê đến đâu thì ruộng đất ở huyện Kim Sơn rộng thêm ra đến đó. Vì hằng năm, trung bình phù sa lấn ra biển ở Ninh Bình từ 80 đến 100m ở diện rộng.

Như thế, từ vùng đất sình lầy, hoang vu, nhờ có Nguyễn Công Trứ cùng người dân đã trở thành vùng đất mở, ngày càng rộng thêm mầu mỡ, thường xuyên có phù sa do các con sông bồi đắp. Đó là "Núi Vàng" của tỉnh Ninh Bình hiện nay đang phát triển kinh tế lớn mạnh sau 30 năm tái lập tỉnh.