Ninh Bình: Nuôi cá rô “tiến Vua”, tươi roi rói, lãi vài trăm triệu/năm

Phạm Anh Thứ năm, ngày 31/10/2019 10:01 AM (GMT+7)
Nhờ nuôi loại cá rô Tổng Trường-loài cá đặc sản từng dùng “tiến Vua” mà ông Trần Văn Dũng, ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) có cuộc sống khá giả. Từ việc nuôi loài cá rô Tổng Trường mà mỗi năm gia đình ông Dũng bỏ túi hơn 200 triệu đồng.
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Trần Văn Dũng cho hay, trước khi bén duyên với loại cá rô đặc sản này, gia đình ông có hơn 20 năm thâm niên với nghề nuôi các cá truyền thống trong ao, hồ. Ông bà xưa có câu: "muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo...", nhưng khổ nỗi ở cái đất Hoa Lư, nhất là xã Trường Yên quê ông Dũng mùa hè nắng dăm ba hôm thì thiếu nước, còn mùa mưa trời đổ cho dăm ba trận thì thường xuyên lụt lội.

Chính vì thế nên thu nhập từ nuôi cá truyền thống của gia đình ông Dũng rất bấp bênh, dù nuôi mãi, nuôi mãi cũng không khá lên được.

img

Nhờ uôi cá rô Tổng Trường “tiến Vua”, mà gia đình ông Trần Văn Dũng lãi hàng trăm triệu mỗi năm. Trong ảnh: Ông Trần Văn Dũng thử cân trọng lượng một con cá rô Tổng Trường to bự...

Từ năm 2013, khi địa phương có chính sách hỗ trợ khôi phục nuôi loài cá rô đặc sản Tổng Trường, ông Trần Văn Dũng đã mạnh dạn tham gia học kỹ thuật nuôi cá rô, kinh nghiệm nuôi cá rồi sau đó bắt tay vào thực hiện thí điểm mô hình để phát triển loài cá rô "tiến Vua" này.

Ban đầu do kinh nghiệm nuôi cá rô Tổng Trường của ông Dũng còn "non" nên số cá giống mới thả nuôi của ông bị thất thoát lớn dẫn đến sản lượng thấp và hiệu quả kinh tế chưa cao.

Sau đó, nhờ kinh nghiệm nuôi cá nhiều năm và được chính quyền địa phương tận tình giúp đỡ về mặt kỹ thuật nuôi cá rô Tổng Trường nên gia đình ông đã thả nuôi thành công loại cá đặc sản này. Mỗi năm cho sản lượng gần chục tấn cá rô Tổng Trường thương phẩm, đem về doanh thu hàng trăm triệu đồng.

img

Sở dĩ có tên gọi là cá rô Tổng Trường vì loài cá này sống chủ yếu ở vùng hang động ngập nước thuộc Tổng Trường Yên (vùng đất cố đô Hoa Lư xưa). Theo truyền thuyết, xưa kia người dân địa phương khi đi làm đồng đã bắt được loài cá rô đặc biệt này, sau đó dâng lên “tiến Vua”. Vua ăn khen ngon nên đặt tên là cá rô Tổng Trường.

“Thấy cá rô Tổng Trường dễ nuôi và thu nhập cao hơn cá truyền thống nên từ đó tôi mở rộng quy mô sản lượng, cải tạo thêm ao nuôi. Hiện tại gia đình tôi có diện tích ao nuôi cá rô Tổng Trường lên đến 5 ha. Mỗi năm tôi thư thả nuôi 2 vụ cá rô Tổng Trường, sản lượng mỗi vụ trên dưới 5 tấn, thu về 240 triệu đồng từ tiền bán cá”, ông Dũng tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Trần Văn Dũng cho biết, cá rô Tổng Trường xưa kia là loài  cá đặc sản dâng lên tiến Vua, sống chủ yếu ở vùng hang động ngập nước của cố đô Hoa Lư. Đây là một loại cá rô có thịt béo, thơm, dai, ngon, nên được coi là một đặc sản ẩm thực của Ninh Bình từ cách đây trên 1.000 năm. Cùng với cá tràu, cá vua Tổng Trường là “bộ đôi” cá tiến vua nổi tiếng từ thời Đinh - Tiền Lê, đã đi vào văn hóa dân gian với câu khẩu ngữ “Cá rô Tổng Trường, cá tràu tiến vua”.

img

Nhờ người nuôi như ông Trần Văn Dũng cho cá rô ăn thêm thóc hạt mà thịt cá rô Tổng Trường thơm ngon hơn, xứng đáng với cái tên cá tiến Vua.

Dù mới vào nghề nuôi loài cá rô "tiến Vua" mấy năm nay, nhưng ông Dũng đã có thêm nhiều quan sát, kinh nghiệm. Theo ông, ở khu vực núi đá Trường Yên, nước vào mùa đông ấm hơn nên thuận tiện cho cá rô sinh trưởng và phát triển hơn các vùng khác. 

Ngoài ra, ở đây có điều kiện tự nhiên thích hợp để thả nuôi loại cá rô. Đặc biệt, cá rô được cho ăn thêm thóc hạt (để nguyên hạt lúa) nên thịt cá thơm ngon và được thị trường ưa chuộng. "Cá khác nuôi ra có lúc, có nơi còn bị ế, bán chậm, bán giá rẻ chứ tôi nuôi cá rô Tổng Trường được bao nhiêu cũng có người đến tận nơi mua hết...", ông Trần Văn Dũng chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

“Thời gian đầu thức ăn chủ yếu của cá rô là cám. Đến lúc gần bán thì chỉ cho ăn lúa để cho thịt cá săn chắc, dai và thơm ngon. Bình quân nuôi được 1 tấn cá rô thương phẩm sẽ tiêu thụ hết 2 tấn cám và lúa. Mỗi con cá rô khi bán ra thị trường đạt trọng lượng 1 - 1,5 lạng/con”, ông Dũng cho biết thêm.

Cũng theo ông Trần Văn Dũng, tháng 6 âm lịch vừa qua ông xuất bán được 4 tấn cá rô Tổng Trường thương phẩm, giá bán khoảng 60.000 đồng/kg, thu về trên 240 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí gia đình ông lãi trên 120 triệu đồng.

“Hiện tôi đang thả nuôi hơn 15 vạn cá rô giống để bán vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 năm nay. Dự kiến cuối năm thu khoảng được trên dưới 5 tấn cá rô thương phẩm. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi lãi hơn 200 triệu đồng”, ông Dũng phấn khởi dự tính với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

img

"Ngày nay cá rô Tổng Trường được một số nhà hàng ở trong huyện chế biến thành nhiều món, trong đó nổi bật là món xôi cá rô tiến vua hay cá rô rang muối, cá rô nấu canh chua… được các du khách trong và ngoài nước đến đặt ăn nhiều và mua về làm quà cho người thân” – ông Dũng cho hay.

Bật mí với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về cách nuôi loài cá rô "tiến Vua", ông Dũng cho hay, đây là một loại cá hoang dã nên sức sống vô cùng mãnh liệt, sống khỏe ngay trong nguồn nước có độ chua, độ PH cao. Nhưng khi cá còn nhỏ thì lại hay bị các loại cá tạp khác tấn công, ăn thịt gây thất thoát lớn. Vì vậy khi nhận cá rô giống về thả phải được ươm vào một ao nhỏ để dễ quản lý, cũng như thuận tiện cho việc theo dõi và chăm sóc.

Thời gian này cho cá rô ăn hạt cám nhỏ và nuôi khoảng hơn 20 ngày chuyển ra ao lớn cho cá mau lớn. Khi cá rô đạt trọng lượng nhất định thì phải chuyển sang cho ăn lúa để thịt có độ chắc và thơm ngon hơn.

img

Vùng núi đá Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) ngày nay vẫn lưu giữ, bảo tồn được loài cá rô tiến Vua ngon nức tiếng, trong đó có gia đình ông Trần Văn Dũng đang nuôi với số lượng cá rô khá lớn.

Cá rô Tổng Trường hiện là một loại cá đặc sản của vùng đất cố đô Hoa Lư và đang được chính quyền địa phương khuyến khích người dân đầu tư mở rộng, nâng cao sản lượng, diện tích nuôi. Hiện toàn xã Trường Yên đang có 11 hộ dân tham gia nuôi cá rô Tổng Trường với tổng diện tích là 7ha ao nuôi cá, sản lượng mỗi năm hơn 100 tấn cá rô thịt thương phẩm. Nhờ nuôi loại cá “tiến Vua” này nhiều hộ dân ở nơi đây có cuộc sống khấm khá hơn trước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem