Dân Việt

Lội suối Tây Nguyên đơm xúc thứ cá suối "lung tung" này về gói vào lá rừng nướng củi, mở ra thơm khắp nhà

Huyền Diệu 20/04/2022 06:03 GMT+7
Ẩn mình sau những đám rêu trong dòng suối chảy róc rách giữa đại ngàn là những con cá chắc thịt, thơm ngon. Đây là nguồn thực phẩm tự nhiên quý, được người dân Tây Nguyên chế biến nên nhiều món ăn hằng ngày hấp dẫn.

Nhà nằm gần con suối nhỏ, bởi thế anh Y Vân Mlô (xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) thường ra suối bắt cá về để cải thiện bữa ăn gia đình.

Anh bắt cá suối bằng một mảnh lưới nhỏ hoặc những dụng cụ bắt cá đơn giản được đan từ tre, nứa. Anh cho hay, mùa mưa là thời điểm sinh sôi của nhiều loại cá suối nên mùa này người dân đổ ra suối bắt cá khá nhiều. Thành quả thu được không chỉ có cá mà đôi lúc còn có những chú tôm tươi rói.

“Cá suối sinh sống trong tự nhiên nên thịt của nó rất thơm và bổ dưỡng, hương vị khác hẳn với các loại cá nuôi ở ao, hồ mà ta thường ăn. Những con cá suối (cá trắng, cá bống, cá niên…) sau khi bắt về được chế biến theo nhiều cách như: hấp, chiên, nướng, kho, làm gỏi, nấu canh… tạo nên những món ăn hấp dẫn, rất đưa cơm...", anh Y Vân chia sẻ.

Trong cá món chế biến từ cá suối, món cá suối nướng lá chuối tuy đơn giản nhưng có cách chế biến đặc biệt, tạo hương vị riêng, trở thành món ăn truyền thống của người bản địa ở Tây Nguyên...

Để làm món cá suối nướng lá chuối, cá sau khi bắt về sẽ được sơ chế, bỏ ruột, để ráo nước rồi tẩm ướp gia vị, thường là ớt rừng, củ nén, ngò gai được giã đều nhưng không quá nhuyễn, có thể cho thêm một chút muối, bột ngọt để tăng thêm vị đậm đà. 

Nhiều người còn trộn thêm kiến vàng vào cá để tạo vị chua, béo, tăng thêm dinh dưỡng cho món cá suối nướng. Tiếp đến, chặt những lá chuối tươi đem hơ trên bếp lửa để lá héo và mềm dần, sau đó trải vài lớp lá chuối chồng lên nhau, đổ cá vào gói lại và dùng dây tước ra từ bẹ chuối buộc chặt.

Lội suối Tây Nguyên đơm xúc thứ cá suối "lung tung" này về gói vào lá rừng nướng củi, mở ra thơm khắp nhà - Ảnh 2.

Anh Y Vân Mlô đi bắt cá suối tự nhiên ở con suối gần nhà ở xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk.

Cá sau khi gói xong có thể nướng trên than hồng hoặc hoặc vùi vào tro nóng. Nhờ gói trong lá chuối, cá nướng không bị cháy sém bên ngoài mà thịt bên trong vẫn chín đều, giữ nguyên vị ngọt. 

Lội suối Tây Nguyên đơm xúc thứ cá suối "lung tung" này về gói vào lá rừng nướng củi, mở ra thơm khắp nhà - Ảnh 3.

Món gỏi cá suối.

Khi cá suối vừa chín, gỡ lá chuối ra sẽ ngào ngạt mùi thơm của lá, mùi thơm của cá hòa quyện cùng các gia vị.

Miếng thịt cá trắng, thơm ngọt hòa cùng vị cay của ớt, mùi thơm của các loại nguyên liệu quyện vào nhau tạo nên hương vị đặc biệt, lạ miệng, đánh thức khứu giác, vị giác của người thưởng thức. Món này có thể chấm cùng muối ớt để tăng thêm độ đậm đà.

Ngoài cá suối nướng lá chuối, món cá suối xào rau dớn khá lạ miệng nhưng vô cùng thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng. 

Cách chế biến cá suối xào rau rừng khá đơn giản: cho cá vào xào với dầu nóng sau đó thêm tỏi, ớt, gia vị và những ngọn rau dớn (một loại rau rừng, rau dại thường mọc nhiều ở bờ suối, bờ khe, những nơi ẩm ướt) xanh non vào đảo đều tay cho chín là có thể thưởng thức vị ngọt béo của cá suối quyện cùng hương thơm và vị thanh đặc trưng của rau dớn .

Cùng những món cá suối được nấu chín, nhiều người lại thích cảm nhận trọn vẹn vị ngọt thịt của cá với món gỏi cá suối. 

Mỗi loại cá sẽ có cách chế biến khác nhau, đối với cá to thì thái thịt cá thành từng lát mỏng, còn cá nhỏ sẽ để nguyên con làm gỏi. 

Tùy vào khẩu vị của mỗi người mà có thể chọn loại gia vị để trộn cùng cá sống như: sả, ớt, riềng, củ nén, tiêu, muối, mì chính, chanh, lá rừng… Đây là một món ăn kích thích vị giác nhưng không phải ai cũng dám thử.