Những dị nhân miền Tây và biệt tài "siêu độc": Sờ mông biết bò bao nhiêu ký, dùng lưỡi hút nọc rắn thần kỳ...

Nguyên An Thứ bảy, ngày 20/03/2021 06:18 AM (GMT+7)
Các dị nhân miền Tây hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng khiến người bình thường ngỡ ngàng trước tài năng của họ.
Bình luận 0

Dị nhân miền Tây: Sờ mông... biết bò bao nhiêu ký

Ông Trần Văn Khổng (58 tuổi, ngụ thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) - một trong những dị nhân miền Tây khiến nhiều người thán phục bởi tài dùng tay đánh trọng lượng bò chính xác đến từng kilogam.

Những dị nhân miền Tây và biệt tài "siêu độc": Sờ mông biết bò bao nhiêu ký, dùng lưỡi hút nọc rắn thần kỳ... - Ảnh 1.

Dị nhân miền Tây “Vua bói bò Khổng mù” sờ bằng tay và đoán trọng lượng con vật.

Được mệnh danh là “vua bói bò” nổi tiếng ở “sàn giao dịch” bò Tà Ngáo, bởi ông Khổng chỉ cần sờ vào vùng mông và sống lưng con bò là có thể đánh giá được con vật này nặng bao nhiêu kilogam.

Ông Khổng kể: “Năm tôi 10 tuổi đi đào đất trúng phải mìn rồi bị mù tới bây giờ. Hồi đó nghèo lắm, dân ở đây chỉ biết cắt cỏ, chăn bò thôi. Rồi tôi về Ô Tà Bang gần biên giới có chợ bò nổi tiếng nghe người ta nói nghề lái bò kiếm cũng bộn tiền nên tôi xin theo mấy bậc tiền bối học và tới nay cũng ngót nghét 35 năm”.

Hàng chục năm qua thương lái đến chợ bò Tà Ngáo đều tìm đến ông Khổng. Mỗi con bò giao dịch xong, cả bên mua và bên bán đều trả công cho "Vua bói bò" từ 200 – 300 ngàn đồng.

Là người có tiếng trong việc “xem mặt” bò, những ai mới bắt đầu nuôi bò hoặc mua làm thịt đều nhờ ông Khổng xem giúp. Đối với những người sáng mắt, họ sẽ đánh giá trọng lượng bò sau khi nhìn, riêng “Vua bói bò Khổng mù” lại đoán trọng lượng bò bằng cách sờ.

Ông Khổng bật mí, bí quyết để ông đánh giá chuẩn xác trọng lượng con bò ít có sự xê dịch là sờ vào phần mông, đùi và phần sống lưng có 2 vây thịt chạy dài để biết độ săn chắc của con vật. Nếu chân bò ngắn, mông nở, xương nhỏ là bò nhiều thịt và nặng kí. Dựa vào các yếu tố đó, cộng với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề ông Khổng sẽ đánh giá được cân nặng chính xác như đem bò đi cân.

Dị nhân miền Tây: Chiếc lưỡi hút nọc rắn thần kỳ

Nằm sâu trong sóc Cây Khoa thuộc ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang là nhà của ông Chau Ponl (60 tuổi) - người nức tiếng chữa nọc rắn độc với chiếc lưỡi đen kì lạ.

Những dị nhân miền Tây và biệt tài "siêu độc": Sờ mông biết bò bao nhiêu ký, dùng lưỡi hút nọc rắn thần kỳ... - Ảnh 3.

Dị nhân miền Tây có chiếc lưỡi hút nọc rắn thần kỳ.

Lâu lắm rồi vùng đất Bảy Núi đã nổi tiếng là nơi sinh sống của nhiều loài rắn cực độc. Cứ vào mùa mưa lại có rất nhiều người bị rắn cắn và tử vong. Thế nên, cách đây hơn 20 năm nay, bà con trong vùng hễ bị rắn cắn là tìm đến cha của Ponl để nhờ dùng “chiếc lưỡi thần kì” hút nọc rắn.

Gia tộc 4 đời ở miền Tây có chiếc lưỡi đen với khả năng hút nọc độc rắn - Ảnh 2.

Dị nhân miền Tây ông Chau Phonl (64 tuổi), ở ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang, truyền nhân đời thứ 3 của gia tộc có chiếc lưỡi đen với khả năng hút nọc độc rắn. Ảnh: Nguyễn Trinh/Dân Việt.

Ông Ponl là truyền nhân đời thứ 3 sở hữu “chiếc lưỡi đen thần kì”. “Từ nhỏ tôi đã thấy 2 bên mép lưỡi của mình có 2 vệt màu đen nhưng cứ nghĩ là do ăn trái ô môi súc miệng chưa sạch nên ra suối cọ rửa. Tuy nhiên, càng rửa màu đen trên lưỡi càng đậm lên. Hoảng sợ tôi về hỏi cha tôi. Ông xem xong, mừng rỡ nói, dòng tộc ta đã có hậu duệ và ông sẽ truyền nghề chữa bệnh cứu người lại cho tôi” - ông Ponl kể.

Chính vì sự kì lạ này nên người dân trong vùng hay gọi gia đình ông Ponl là “gia tộc lưỡi đen”. Nhưng không phải ai trong nhà cũng có “chiếc lưỡi thần kì” này. Chỉ có người con trai cả mới sở hữu nó. Đến đời thứ 4, chiếc lưỡi đen lại xuất hiện ở đứa con gái đầu lòng của ông Ponl là chị Nèang Hươn (41 tuổi). Hiện tại, chị đã qua đời do ung thư phổi.

Ông Ponl chia sẻ: “Không phải cứ kê miệng vào hút, mà phải nhận biết người bệnh bị loại rắn nào cắn. Ví dụ như người bị rắn hổ cắn thường bị lạnh, còn nếu rắn lục cắn vết thương sẽ nổi bầm. Bí quyết ở đây là cách đặt lưỡi lên vị trí từng loại vết cắn và cách hút độc cũng tương ứng với từng loại rắn khác nhau. Nếu biết cách đặt lưỡi, khi hút nọc độc sẽ gom về lưỡi của mình và nhổ ra ngoài dễ dàng. Cứ như vậy, hút đến khi nào không còn cảm nhận chất nhớt của độc thì chuyển sang đắp thuốc”.

Ngoài biệt tài của chiếc lưỡi đặc biệt, ông Ponl còn sưu tầm được nhiều loại ngải chữa bệnh như: Ngải cóc trị bá độc; ngải rằng trị độc rắn hổ mây; ngải mọc trị rắn chàm vạp…Với biệt tài đặc biệt, cộng với các bài thuốc gia truyền, suốt 30 năm qua, ông Ponl đã chữa trị cho hàng trăm trường hợp bị rắn độc cắn.

Một trong những người được “dị nhân lưỡi đen” cứu từ cõi chết, anh Chau Kol kể: “Lúc đó, khoảng 8 giờ sáng, tôi đang cắt cỏ cho bò ăn thì bị rắn chàm quạp cắn vào cổ chân. Biết loài rắn này rất độc nên tôi giữ bình tĩnh, rút khăn rằn trên đầu cột chặt bắp chân để ngăn nọc. Thế nhưng, phút chốc bàn chân tím tái, rồi tôi bất tỉnh luôn. Người ta đưa tôi đến nhà ông Ponl. Sau khi lè lưỡi hút nọc độc xong, ông cho uống nước của cây ngải móc, tôi thấy tỉnh hẳn và khỏe tới bây giờ”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem