Theo ông Nguyễn Dâng Tuyển, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, đây là lần đầu tiên các cơ quan trên tổ chức cuộc giao lưu có tính vi mô lớn này. Qua đó, nhằm thúc đẩy kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản của bà con nông dân trên địa bàn trong và tỉnh lân cận.
Theo nhận của Dân Việt, chương trình có sự tham gia của hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học, nhiều doanh nghiệp đến từ TP.HCM và số tỉnh thành khác, có liên quan đến việc sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản.
Tại cuộc giao lưu, nhiều chủ trang trại, nông dân ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đều hy vọng đầu ra của nông sản sắp tới sẽ rộng mở, thu nhập của người dân trên vùng đất "nắng và gió" này sẽ nâng cao hơn.
Tại cuộc hội thảo nằm trong chương trình giao lưu, ông Nguyễn Dâng Tuyển, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận trãi lòng: " Chúng tôi hy vọng, tất cả các bên cùng trao đổi, nắm bắt thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người nông dân. Từ đó, tìm kiếm được cơ hội đầu tư, hình thành, kết nối, hợp tác sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản... Góp phần chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới có kiến thức, kỹ năng, tay nghề cao. Đặc biệt là khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, đồng thời tạo ra nhiều giá trị cho xã hội,".
Tại cuộc hội thảo, những chủ trang trại ở Ninh Thuận nêu lên những việc khó khăn khi nông sản thường bị rớt giá. Bà con tha thiết, mong các nhà khoa học tư vấn, giúp nông dân trồng, chế biến sản phẩm ra sao để phù hợp với người tiêu dùng TP.HCM và cả nước sắp tới.
Tham gia tư vấn có Phó GS-TS Dương Hoa Xô-Phó chủ tịch Liên Hiệp hội KHKT TP.HCM cho biết, cá nhân ông rất yêu vùng đất nắng nhiều, mưa ít này. Nắng nóng đã khiến cho bà con nông dân Ninh Thuận bị hạn chế hơn những nơi khác nhiều.
Tuy nhiên, bà con nên biến nắng nóng thành một lợi thế để sản xuất cây ăn trái cho phù hợp như trồng dưa lưới công nghệ cao như trang trại FARA là hướng đi tất tốt.
"Bất cứ lúc nào các doanh nghiệp, bà con cần, chúng tôi sẵn sàng ra tư vấn cho bà con…", Phó GS-TS Dương Hoa Xô nói.
Tại cuộc hội thảo, anh Phạm Võ Uyên Bác chủ trang trại FARA (thôn Nhị Hà 3, xã Nhị Hà ( huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao của anh rất hiệu quả và đang phát triển tốt.
Theo anh Bác, do thổ nhưỡng, khí hậu nắng và gió đặc trưng của tỉnh đã tạo nên những trái dưa thơm ngon mang hương vị đặc trưng, không nơi nào sánh bằng.
Nhiều năm làm việc trong cơ quan nhà nước, có thu nhập ổn định, nhưng đam mê nông nghiệp, cuối năm 2019, anh Bác xin nghỉ để cùng một số người bạn đầu tư vào trang trại trồng dưa lưới công nghệ cao với diện tích trên 1000m2.
Vườn dưa anh Bác trồng trong nhà lưới nên không bị sâu bệnh. Nhờ áp dụng công nghệ bón phân cũng như tưới nước nhỏ giọt qua một chiếc ống nhựa nên hiệu quả rất tốt. Bao quanh trang trại, anh Bác cho trồng nhiều cây xanh chịu hạn, để môi trường xanh mát cho dưa phát triển, hiện đầu ra rất ổn định,…
Chị Trần Gia Minh Châu, chủ thương hiệu Xứ Phan (phường Đô Vinh, TP Phan Rang- Tháp Chàm) chuyên chế biến nước mắm Cà Ná và rượu nho theo kiểu truyền thống mong muốn, những sản phẩm của quê mình được người tiêu dùng biết.
"Gia đình tôi làm theo kiểu truyền thống hàng 100 năm qua, tôi hy vọng qua cuộc kết nối này, bà con nông dân quê tôi sẽ có được việc làm ổn định, thu nhập khá hơn…", chị Minh Châu tâm sự.
Tiến sỹ Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp-Giám đốc trung tâm nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới cho rằng, chính cái nắng và gió của Ninh Thuận mới cho ra những sản phẩm độc đáo mà cả nước không nơi nào bằng.
Đó là nho, tỏi, măng tây, cá, muối làm nước mắm... Việc cần giúp cho bà con nông dân có thu nhập khá, ổn định hơn trước đây chính là khâu kết nối giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ. Lâu nay chúng ta làm chưa tốt thì sắp làm cho tốt với bà con…
Xuất thân từ một gia đình nông dân ở miền núi huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), vào TP.HCM ngành môi trường. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành môi trường, anh Tường quay về Ninh Thuận lập nghiệp.
Tại cuộc hội thảo, anh Tường trình sự khó khăn của nông dân quê mình, khiến nhiều người chia sẻ.
Theo anh Tường, cái khó của HTX nông nghiệp hiện giờ bởi hầu hết nhân sự là người địa phương. Giám đốc HTX hầu hết nông dân nên chưa trình độ chưa đủ để quản lý, điều hành HTX theo hướng hiện đại mới. Nếu đi thuê ngoài thì không đủ tiền để chi trả cho chức danh giám đốc.
Khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, chế biến chưa được chú trọng làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như doanh nghiệp thu mua.
Đặc biệt trồng cây ớt phải dựa theo điều kiện, thổ nhưỡng vùng đất mà chọn lựa, chứ đất trồng lúa không thể chuyển sang trồng ớt được...
"Thực tế cho thấy, trước đó phía HTX đã được doanh nghiệp hướng dẫn, đào tạo và theo dõi thời gian đầu khá tốt. Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp buông ra, HTX vẫn không thể tự hoạt động! "Hôm nay, chúng tôi rất tha thiết các nhà quản lý và doanh nghiệp, các nhà khoa học cùng giúp cho nông dân, mô hình HTX được lớn mạnh, để bà con có nguồn thu nhập tốt…" anh Lương Thiên Tường tâm sự.
Ý kiến của an Thiên Tường, được những doanh nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin bày tỏ ý kiến ủng hộ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm bất cứ lúc nào anh Tường và bà con cần.
Một trong những người chủ trì cuộc hội thảo, Phó GS- TS, Mai Thành Phụng-Phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam- Phụ trách phía Nam yêu cầu và nhấn mạnh: Các doanh nghiệp đến từ TP.HCM hãy chung tay chia sẻ, giúp bà con nông dân vùng miền núi nơi anh Tường sớm áp dụng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.
"Nếu chúng ta không sớm áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chất lượng cao thì đời sống bà con nông dân sẽ không thể có thu nhập cao được…", Phó GS- TS Mai Thành Phụng nói.
Hý kết hợp tác thúc đẩy và phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Thuận
Nhân dịp này, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, Hội Làm vườn Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận, cùng ký kết hợp tác thúc đẩy và phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Thuận.
Theo đó, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận sẽ cung cấp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP, được kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Đồng thời, phối hợp đề xuất với các ngành chức năng của tỉnh quan tâm tạo điều kiện, quản lý chất lượng sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất đến khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Ba bên sẽ liên doanh hợp tác để gắn kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ, thúc đẩy, phát triển sản phẩm của nông dân.