Cụ thể, Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa tăng giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh hôm nay (1/6), thời gian áp dụng bắt đầu từ 15 giờ cùng ngày.
Giá xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 920 đồng/lít; dầu diesel tăng 840 đồng/lít; dầu hỏa tăng 940 đồng/lít; giá dầu mazut tăng 310 đồng/kg.
Như vậy, sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 là 30.230 đồng/lít; xăng RON 95 là 31.570 đồng/lít; dầu diesel là 26.390 đồng/lít, dầu hỏa là 25.340 đồng/kg, dầu mazut là 20.900 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành không trích quỹ bình ổn với xăng RON 95 và E5 RON 92, chỉ trích quỹ với các loại dầu, đồng thời chi quỹ bình ổn với xăng từ 100-500 đồng/lít, tùy loại.
Giá xăng tăng lần thứ 5 liên tiếp và đã ghi nhận kỷ lục cho mặt hàng này, việc tăng giá xăng dầu cao và liên tiếp sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp, tác động khiến chỉ số tiêu dùng và lạm phát gia tăng.
Như vậy, giá xăng đã có lần điều chỉnh tăng thứ 5 liên tiếp. Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 1/6, giá xăng dầu trong nước có 14 kỳ điều hành (trong đó mặt hàng xăng có 11 kỳ tăng giá, 3 kỳ giảm giá)
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá trong các kỳ điều hành vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn giá để đảm bảo giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn. Vì vậy, giá xăng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo đó, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11/5 so với đầu năm nay biến động tăng từ 50,23 - 67,09% nhưng giá xăng dầu trong nước cùng giai đoạn này chỉ tăng 25,04 - 46,85%.
Vì vậy, giá xăng Việt Nam thấp hơn nhiều trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Hàn Quốc, Campuchia… Tuy giá xăng của Việt Nam được đánh giá là thấp hơn các nước trên thế giới nhưng trên thực tế những tác động của tăng giá xăng dầu tới giá cả hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp lại không hề nhỏ.
Theo đánh giá từ Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% (khu vực thành thị tăng 0,34%; khu vực nông thôn tăng 0,42%).
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 1 nhóm hàng giảm giá. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất Chính phủ nhanh chóng có giải pháp để kìm giá xăng dầu thông qua công cụ thuế, phí (tỷ trọng các loại thuế, phí trong giá cơ sở xăng dầu chiếm từ 15,23 - 34,07% tùy từng loại).
Theo đó, cần sử dụng công cụ thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu (giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu), tránh nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp bị tổn thương quá lớn.